Trung tâm dị ứng lâm sàng ( BV Bạch Mai) những ngày giao mùa lượng bệnh nhân đông hơn những ngày thường.
Người nằm, người ngồi với những tiếng thở rít, tiếng rên với những chai chuyền treo lủng lẳng trên đầu giường và những máy trợ thở choán hết mũi… Không khí ngột ngạt bao trùm khắp buồng bệnh.
PGS. TS Nguyễn Văn Đoàn – GĐ TT Dị ứng miễn dịch lâm sàng, BV Bạch Mai dẫn chúng tôi đi buồng một lượt. Ông dừng lại ở 2 bệnh nhân đặc biệt trong khoa.
Đó là trường hợp bệnh nhân Phan Thị L. – 67 tuổi (Việt Trì, Phú Thọ) đang điều trị tại TT Dị ứng lâm sàng (BV Bạch Mai).
Bà cho biết, bà bị ho viêm phế quản từ hơn 10 năm nay. Trong chừng ấy thời gian thỉnh thoảng bà Liên lại sốt, mỗi lần như thế người nhà lại phải đưa vào viện cấp cứu.
Khoảng 2 năm nay, nghe mọi người mách, bà L đi cắt thuốc nam về uống. Bà bảo ngoài thuốc sắc, ông lang còn cho bà thêm loại thuốc bột hòa ra uống mỗi ngày.
Thời gian đầu, bà thấy trong người khỏe hơn, ăn ngủ tốt, không bị những cơn ho hành hạ. Ngỡ khỏi bệnh nhưng càng ngày người bà càng béo phệ ra, mặt to lên, căng mọng, lúc nào cũng đỏ gay.
“Đáng sợ nhất là dần dần toàn thân mọc lông đen sì, thậm chí cả ria mép cũng đen cứng như thanh niên trai trẻ.
Tôi càng cắt thì càng mọc dài ra, đen và cứng hơn khiến tôi lúc nào cũng phải kín bưng từ đầu cho đến chân. Chỉ dám cởi khăn bịt mặt khi đi ngủ.
Mới đây thấy sức khỏe xuống dốc quá, tôi mới xuống BV Bạch Mai khám thì được yêu cầu nhập viện.
Các bác sĩ nói gan, thận của tôi đều đã bị phá hủy, huyết áp tăng mà nguyên nhân là do điều trị thuốc nam, giờ không biết tôi sẽ phải ở lại đây bao lâu” – bà L. không dấu nổi âu lo.
Nằm giường bên cạnh là bệnh nhân Nguyễn Thị Đ.(51 tuổi ở Thường Tín, Hà Nội). Bà Đ lại nhập viện trong hoàn cảnh vô cùng oái ăm.
Phát hiện mắc bệnh hen từ năm lên 14 tuổi nhưng cũng không đi khám và điều trị đến nơi đến chốn.
Cách đây khoảng 5 năm, sau một lần lên cơn nặng, bà ra hiệu thuốc đầu làng được người bán hàng bán cho thuốc Prdrosilon hàm lượng 500mg với “chỉ định” uống ngày 2 viên vào buổi sáng sau ăn.
Ngày nào mệt thì có thể tăng liều lên 3 viên/lần/ ngày.
“Uống thuốc này vào tôi thấy khỏe hẳn ra, trước không muốn làm việc gì thì nay đã đi làm ruộng trở lại được, ăn ngon, ngủ ngon, không còn tình trạng khó thở.
Hôm nào quên thuốc y như rằng biết ngay, người bủn rủn, buồn bã không muốn khua ruồi.
Ngỡ gặp thầy giỏi, tôi uống khá đều đặn. Cách đây hơn một tháng tôi bị dính mưa, người nhiễm lạnh cơn hen kịch phát.
Vẫn loại thuốc ấy tôi tăng liều như mọi khi nhưng không đỡ, gia đình đưa lên bệnh viện huyện rồi chuyển thẳng tới Bạch Mai.
Các bác sĩ kết luận tôi bị suy tuyến thượng thận do uống quá nhiều thuốc có thành phần K- cort. Chẳng biết tôi còn sống được bao lâu nữa…” – chị Đ. rơm rơm nước mắt, nghẹn lời.
Tuyệt đối không tự ý điều trị
PGS. TS Nguyễn Văn Đoàn cho biết: Mỗi ngày Trung tâm tiếp nhận khám và tư vấn cho khoảng 50 bệnh nhân mắc hen, trong đó 10 bệnh nhân là trẻ em.
Qua thăm khám cho thấy có 70% bệnh nhân hen sử dụng thuốc chưa đúng, bệnh nhân thường uống thuốc xong một đợt thấy đỡ là dừng lại.
Cũng có bệnh nhân lại chỉ dùng thuốc cắt cơn khi lên cơn hen mà không hề uống thuốc dự phòng.
Trong khi đó, nguyên tắc điều trị hen đúng cách buộc bệnh nhân phải dùng thuốc dự phòng đều đặn mỗi ngày. Cũng có trường hợp lại dùng thuốc cắt cơn uống thay thuốc dự phòng.
“Đáng lo ngại là rất nhiều trường hợp tìm mọi cách điều trị nhanh hơn (đỡ tốn tiền, thời gian ngắn mà lại hiệu quả ngay) đó là dùng loại thuốc K-cort (một loại thuốc chứa corticoid).
Người bệnh chỉ cần tiêm một mũi vào mông là thấy ngay tác dụng không còn bị những cơn đau hành hạ.
Ngoài ra, tại các vùng nông thôn hầu hết người dân tự ý điều trị hen theo cách nghe người xung quanh, uống thuốc nam trộn lẫn thuốc tây (có corticoid) của các lang băm và chủ cửa hàng thuốc không trình độ kê đơn, bán thuốc.
Hai bệnh nhân trên là ví dụ điển hình” – PGS Đoàn nhấn mạnh.
Theo PGS Đoàn với thói quen này, người bệnh dẫu chịu chi phí ít, hiệu quả tức thời nhưng hệ quả thì vô cùng nghiêm trọng.
Trung tâm đã từng tiếp nhận những bệnh nhân mặt sưng đỏ to như mặt trăng, lông lá mọc đầy người, bụng to, chân tay bé, loãng xương, cao huyết áp, có bệnh nhân đến viện trog tình trạng không thể tự đi, toàn bộ các khối cơ ở chân tay teo tóp, người nhà phải khiêng.
Lại có trường hợp đục thủy tinh thể, rối loạn tâm thần thậm chí có bệnh nhân bị suy thận người phù thũng.
Nhằm hạn chế những hệ quả đáng tiếc có thể xảy ra, PGS Đoàn khuyến cáo với những người có dấu hiệu:
Dễ cảm lạnh, ho sổ mũi, nghẹt mũi khi thay đổi thời tiết; khó thở đặc biệt vào buổi sáng; khó thở khi tiếp xúc với các vật nuôi (chó mèo, gà, chim…) hoặc gặp phải mùi ẩm mốc, xăng, dầu, khói bụi; thích nghi với trời lạnh khó hơn trời nóng...) cần đến viện để được khám và xác định đúng bệnh.
Với những trường hợp bị hen cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý điều trị, càng không nên tìm đến các lang băm để chữa hen tránh “tiền mất, tật mang”.
>> Có dấu hiệu sau rất có thể bạn đã mắc ung thư gan giai đoạn đầu
Quý độc giả có câu hỏi, thắc mắc hoặc yêu cầu tư vấn về các vấn đề sức khỏe, bài thuốc chữa bệnh xin gửi câu hỏi vào ô Bình luận ở dưới cuối mỗi bài viết.
Chúng tôi sẽ mời những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực y tế giải đáp, chia sẻ kinh nghiệm với quý độc giả. Trân trọng!