Mỗi năm trên thế giới có hàng triệu người chết do thuốc lá. Hút thuốc (bao gồm cả thuốc lá và thuốc lào) là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh và tử vong. Những năm gần đây người ta ngày càng hiểu rõ các tác hại của khói thuốc, bởi trong nó chứa khoảng 4.000 loại hóa chất với hơn 200 loại có tác hại cho sức khỏe, bao gồm cả chất gây nghiện và các chất gây độc.
Khi hút thuốc sẽ tạo ra ba dòng khói: Dòng khói chính do người hút thước hít vào phổi đi qua gốc của điếu thuốc; dòng khói phụ từ đầu điếu thuốc đang cháy tỏa ra ngoài không khí; dòng khói thuốc môi trường là hỗn hợp của dòng khói phụ, khói thở ra của dòng khói chính và các chất tạp nhiễm khuếch tán qua giấy quấn thuốc lá, đầu điếu thuốc giữa các lần hút. Về cơ bản, khói chính và khói phụ rất giống nhau, bao gồm hơn 3.800 loại hóa chất. Điều đáng chú ý là khói phụ lại có nhiều hỗn hợp gây ung thư mạnh hơn khói chính bởi bị tạp nhiễm nhiều hơn. Khói phụ có nhiều sản phẩm độc có thể tồn tại dưới dạng khác, ví dụ nicotine chủ yếu ở dạng hạt rắn trong khói dòng chính, nhưng lại ở dạng khí trong khói thuốc thải ra môi trường. Khi dòng khói phụ bị pha loãng hơn thì kích thước các hạt trở nên nhỏ hơn, nó dễ thấm vào sâu hơn trong tổ chức phổi. Như vậy, tác hại của khói thuốc không chỉ với người hút mà còn tác động rất xấu với những người xung quanh. Để hiểu hơn về sự độc hại của khói thuốc, người ta phân ra 4 nhóm tác hại:
Hãy từ bỏ thuốc lá ngay hôm nay.
- Nicotine là một chất không màu, chuyển thành màu nâu khi cháy và có mùi đặc trưng khi tiếp xúc với không khí. Nicotine được hấp thụ qua da, miệng và niêm mạc mũi hoặc hít vào phổi. Người hút thuốc trung bình đưa vào cơ thể 1 đến 2 mg nicotine mỗi điếu thuốc. Sau khi hít khói thuốc, nicotine nhanh chóng đến não trong vòng 10 giây. Cơ quan Kiểm soát dược và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã xếp nicotine vào nhóm các chất có tính chất dược lí gây nghiện chủ yếu, tương tự như các chất ma túy heroin và cocain.
- Monoxit carbon (khí CO) có nồng độ cao trong khói thuốc lá và được hấp thụ vào máu sau khi hút, với áp lực mạnh hơn 20 lần ô-xy. Vì vậy, khí CO có thể nói là thành phần chiếm chỗ của ô-xy trong máu, dẫn đến giảm lượng ô-xy của cơ thể, gây thiếu máu tổ chức và có lẽ góp phần hình thành các mảnh xơ vữa động mạch, tiền căn của các bệnh tim mạch nguy hiểm.
- Các phần tử nhỏ trong khói thuốc lá (bao gồm rất nhiều chất kích thích dạng khí hoặc dạng hạt nhỏ). Các chất kích thích này gây nên các thay đổi cấu trúc của niêm mạc phế quản dẫn đến tăng sinh các tuyến phế quản, các tế bào tiết nhầy và làm mất các tế bào có lông chuyển. Các thay đổi này làm tăng tiết nhầy và giảm hiệu quả thanh lọc của thảm nhầy – lông chuyển của đường hô hấp. Vì vậy, đường hô hấp mất tính bảo vệ, dễ bị tổn thương, hoặc mắc các bệnh nguy hiểm.
- Các chất gây ung thư với trên 40 chất, trong số đó gồm cả các hợp chất thơm vòng, như Benzopyrene. Các chất này tác động lên tế bào bề mặt của đường hô hấp gây nên tình trạng viêm mạn tính, phá hủy tổ chức, biến đổi tế bào dẫn đến dị sản, loạn sản rồi ác tính hóa.
Vai trò gây bệnh của hút thuốc đã chứng minh qua nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng như ở nước ta. Hút một điếu thuốc tức là đã tự mình làm mất đi 5,5 phút cuộc sống. Tuổi thọ trung bình của người hút thuốc ngắn hơn so với người không hút thuốc từ 5 đến 8 năm. Hút thuốc làm tăng tỉ lệ tử vong từ 30% đến 80% chủ yếu do ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, các bệnh tim mạch… Mức độ tăng nguy cơ phụ thuộc vào tuổi bắt đầu hút (hút thuốc càng sớm thì nguy cơ càng cao); số lượng thuốc hút trung bình mỗi năm càng nhiều, thời gian hút càng dài thì nguy cơ cũng càng lớn. Mỗi ngày hút 1 gói thuốc loại 20 điếu, mỗi tháng hết 600 điếu và một năm một người nghiện thuốc trung bình cũng đốt hết trên 7.000 điếu thuốc, một con số đáng sợ.