Một trong số những gia vị được sử dụng phổ biến, lâu đời tại Việt Nam và có vai trò chủ đạo làm cho món ăn ngon hơn, đó chính là bột ngọt.
Bản chất của bột ngọt là glutamate, một loại axít amin tồn tại phổ biến trong rất nhiều loại thực phẩm như thịt, hải sản, sữa, rau củ,... Loại gia vị có lịch sử hơn 100 năm này đã được phát minh khi giáo sư Kikunae Ikeda khám phá ra glutamate là yếu tố tạo nên vị umami hay còn gọi là vị ngọt thịt (vị ngọt đến từ nguồn đạm của thực phẩm).
Ngày nay, bột ngọt được sản xuất bằng phương pháp lên men từ nguyên liệu giàu bột đường như mía, khoai mì, củ cải đường…và là cách thức đơn giản mà hiệu quả mang lại vị ngon cho món ăn. Ngoài ra, một đặc tính thú vị khác của bột ngọt là có thể giúp hài hoà hơn nữa các vị trong món ăn, chẳng hạn như vị mặn. Việc sử dụng muối và bột ngọt với một tỉ lệ thích hợp vừa giúp giảm một phần lượng muối sử dụng mà vẫn giữ nguyên được vị ngon của món ăn. Ví dụ, để nấu 1 chén canh ngon (khoảng 200 ml) có thể nêm khoảng 1 muỗng yaourt bột ngọt và 1- 1,5 muỗng yaourt muối. Như vậy, việc nêm bột ngọt phần nào giúp chúng ta vừa được ăn ngon mà vẫn giảm muối trong khẩu phần, điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe tim mạch, thận.
Với những ưu điểm này, bột ngọt đã được sử dụng phổ biến rộng rãi tại hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, bột ngọt là gia vị được sử dụng phổ biến trong chế biến món ăn tại gia đình cũng như trong công nghiệp chế biến thực phẩm.
Tiến sĩ, Bác sĩ Tạ Thị Tuyết Mai
Trưởng Khoa Dinh dưỡng – Bệnh viện Nhân Dân Gia Định