1. Vi khuẩn HP là gì?
Vi khuẩn HP có tên khoa học là Helicobacter pylori được phát hiện ra năm 1982 bởi Robin Warren và Barry Marshall vẫn được viết tắt trong các phiếu khám bệnh là H.Pylori hoặc khuẩn HP.
Đây là một loại khuẩn gram (-) kỵ khí tức là vi khuẩn sống trong môi trường thiếu oxy.
Loại vi khuẩn này sống ở lớp nhầy niêm mạc dạ dày và sản sinh catalase, chất này phá huỷ thành niêm mạc dạ dày, gây tổn thương và viêm nhiễm mãn tính.
Đây là một loại vi khuẩn hiếm khi gây ra các độc tính cấp tính. Trong điều kiện bình thường vi khuẩn HP tồn tại như một phần của hệ sinh thái dạ dày nhưng khi các tác nhân phối hợp như : Căng thẳng, stress, ăn uống bia rượu.
Vi khuẩn HP hoạt động mạnh là một trong như nguyên nhân chính gây bệnh viêm loét dạ dày mãn tính và ung thư dạ dày:
2. Thực trạng nhiễm vi khuẩn HP ở Việt Nam
Ở Việt Nam, tỷ lệ người nhiễm vi khuẩn HP là rất cao. Để so sánh được mức độ phổ rộng của loại vi khuẩn này đến đâu, có thể xem biểu đồ dưới đây.
Nhìn vào biểu đồ có thể thấy khoảng 80% dân số nước ta bị nhiễm vi khuẩn HP.
Bên cạnh đó, tỷ lệ tái nhiễm loại vi khuẩn này ở nước ta sau khi được điều trị cũng rất cao. Trung bình sau 11 tháng diệt vi khuẩn, tỷ lệ tái nhiễm trở lại là 23,9%, trong đó 58,8% nhiễm lại chủng vi khuẩn cũ.
Trong khi đó, tỷ lệ tái nhiễm tại Mỹ chỉ khoảng dưới 2% mỗi năm, tại Nhật Bản trung bình từ 0,2-2% mỗi năm.
3. Vi khuẩn HP gây ra bệnh gì?
Thực ra, không phải trường hợp nào nhiễm vi khuẩn HP cũng gây ra bệnh nguy hiểm. Có tới trên 80% người có nhiễm vi khuẩn HP không có triệu chứng cũng như không gây ra biến chứng gì.
Theo các nhà nghiên cứu, trong suốt cả cuộc đời của 1 người có nhiễm vi khuẩn HP không điều trị thì khoảng 10 - 20% trong số đó có khả năng bị loét dạ dày tá tràng, 1 - 2% có khả năng ung thư dạ dày.
Nhìn 1 cách tổng thể, vi khuẩn HP có thể gây ra những loại bệnh sau:
- Viêm cấp tính niêm mạc dạ dày: Phần lớn bệnh nhân khi mới nhiễm H.P không có triệu chứng, chỉ có một số ít người trong giai đoạn nhiễm cấp tính có biểu hiện lâm sàng như: đầy bụng, buồn nôn, chán ăn.
- Viêm mạn tính niêm mạc dạ dày: Sau giai đoạn viêm cấp có triệu chứng hoặc không có triệu chứng, lâu dài sẽ gây viêm mạn tính.
- Loét dạ dày tá tràng: Loét dạ dày thường gặp ở người trên 40 tuổi, vị trí ổ loét hay gặp ở phía bờ cong nhỏ, đặc biệt là vùng nối giữa thân vị và hang vị.
Loét tá tràng hay gặp ở độ tuổi từ 20-50 tuổi, vị trí ổ loét thường gặp tại phần đầu tá tràng hay còn gọi là hành tá tràng. Loét dạ dày tá tràng hay gây biến chứng chảy máu, chảy máu có thể xuất hiện tái phát nhiều lần.
- Ung thư dạ dày
4. Vi khuẩn HP gây ung thư dạ dày như thế nào?
Từ khi phát hiện ra vi khuẩn HP có khả năng sống trong dạ dày, các nhà khoa học đã chứng minh việc nhiễm HP lâu ngày làm biến đổi cấu trúc bình thường của niêm mạc dạ dày và có thể phát sinh ung thư.
Tuy nhiên, cũng theo các nhà khoa học, tỷ lệ sinh ung thư do vi khuẩn này rất thấp, chỉ khoảng 0,1% mỗi năm.
Thật ra, vi khuẩn HP có rất nhiều chủng loại khác nhau. Nếu nhiễm chủng HP có độc lực yếu thường không gây ra triệu chứng và hiếm khi phát triển thành ung thư.
Chỉ khi nhiễm chủng HP có độc lực mạnh (mang gen CagA và VacA độc lực cao) mới có thể gây viêm và biến đổi nặng trên niêm mạc dạ dày, từ đó dẫn đến ung thư dạ dày. Do đó, không phải chủng HP nào cũng gây ung thư dạ dày.
Dù vậy, vi khuẩn HP vẫn bị coi là nguyên nhân chính gây nên bệnh ung thư dạ dày. Cơ chế gây ung thư của loại vi khuẩn này như sau:
Vi khuẩn HP gây ra tình trạng viêm mạn tính tại niêm mạc dạ dày. Viêm mạn tính lâu ngày làm giảm và mất các tuyến bình thường của dạ dày.
Thay thế vào đó là tổ chức cơ hay còn gọi là viêm teo, niêm mạc bình thường được thay thế bằng biểu mô niêm mạc ruột hay còn gọi là dị sản ruột. Chính tình trạng viêm teo mạn tính nặng và dị sản ruột lan tỏa dẫn tới xuất hiện ung thư dạ dày.
Thực tế khoa học cũng chứng minh, nhiễm HP có thể gây ra ung thư lympho bào B tại biểu mô niêm mạc dạ dày. Khoảng 60- 80% ung thư loại này sẽ thoái triển và khỏi hoàn toàn sau diệt HP.
Điều trị vi khuẩn HP tuy không làm mất hoàn toàn nguy cơ ung thư dạ dày nhưng sẽ làm giảm bớt nguy cơ này.