Căn bệnh ung thư đáng sợ có thể "tàn sát" cả gia đình

Lệ Nam |

Ung thư đại tràng là bệnh mang yếu tố gia đình. Có trường hợp gia đình 2, 3 người mắc. Theo bác sĩ, tầm soát sớm ung thư đại tràng bằng cách thường xuyên nội soi đường tiêu hóa.

Cấp cứu vì đi đại tiện ra máu

Chị Nguyễn Thị Th. trú tại Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội cho biết gần đây chị bị đi ngoài ra máu. Lúc đầu, chị Th. còn tưởng đó là trĩ vì trước đó chị đã điều trị trĩ nội. Chị tự mua thuốc thực phẩm chức năng về uống nhưng càng uống càng không đỡ.

Khi đau bụng không chịu đựng được nữa chị mới đến bệnh viện khám, qua nội soi bác sĩ phát hiện ở đại tràng của chị có một khố polip khủng.

Kích thước lên đến 2,5 .3 cm. Các bác sĩ đã phải nội soi cắt khối polip này. Sau đó sinh thiết để tầm soát ung thư. Rất may mắn, khối polip chưa bị K hóa.

Mới đây, trường hợp của anh Nguyễn Văn Đặng trú tại thành phố Bắc Ninh thì khác. Anh Đặng đến cấp cứu vì đau bụng, đi ngoài ra máu. Sau khi nội soi đạit ràng, bác sĩ phát hiện anh bị polip tuyến và đã ung thư hóa.

Anh Đặng cho biết cách đây mấy năm bố anh bị ung thư đại tràng. Ông đã phải cắt đại tràng và điều trị hóa chất.

Sau 6 chu kỳ hóa chất, ông cụ đã khỏe trở lại nhưng hàng năm vẫn phải đi tái khám vài lần. Anh và mọi người trong nhà chưa bao giờ đi kiểm tra nội soi đường tiêu hóa nên không biết bị polip đại tràng.

Ngay sau khi anh Đặng bị K, cả gia đình anh em đã phải đi kiểm tra sức khỏe. Bác sĩ nội soi phát hiện 3/5 anh em có polip đại tràng và dạ dày. Cả gia đình được bác sĩ khuyến cáo theo dõi để tầm soát ung thư.

Bác sĩ Đặng Thế Căn – Nguyên phó Giám đốc Bệnh viện K trung ương cho biết ông gặp  nhiều trường hợp gia đình có nhiều người cùng mắc một bệnh ung thư. Chính vì thế, ung thư có có liên quan đến gen, di truyền.

Ngừa ung thư đại tràng từ polip

Bác sĩ Căn cho biết khoa học đã chứng minh ung thư đại tràng, ung thư vú… là hai loại ung thư được cảnh báo có liên quan đến yếu tố gia đình.

Nếu cha mẹ đẻ của một người bị ung thư, người đó đã có nguy cơ mắc căn bệnh này cao hơn 80-100% so với những người có cha mẹ đẻ không bị ung thư vú, đại trực tràng.

Việc tầm soát ung thư này bác sĩ thường xuyên khuyến cáo nên kiểm tra thường xuyên đặc biệt là những người có tiền sử polip tiêu hóa.

Theo bác sĩ chuyên khoa I Vũ Huy Hiền – Phó trưởng khoa phụ trách khoa Thăm dò chức năng của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang Hà Nội cho biết polyp tiêu hóa chủ yếu là polyp ở đại tràng đây là một trong những nguyên nhân gây ung thư đại tràng.

Triệu chứng của bệnh polyp thường không có gì đặc biệt. Một số trường hợp có đi ngoài ra máu, rối loạn phân, đau bụng thường khi kích thước polyp to và có biến chứng chảy máu, tắc ruột, nếu lớn có nguy cơ ung thư hóa.

Polyp chia làm hai loại là polyp tăng sản và polyp tuyến. Polyp tăng sản thường không bao giờ thành ung thư nhưng polyp tuyến thì có tỉ lệ thành ung thư đại trực tràng cao, chủ yếu ung thư đại tràng là ung thư biểu mô tuyến. 

Bệnh nhân bị polip cần được theo dõi và nếu polip to bác sĩ sẽ cắt. Bình thường, polyp tuyến càng lớn thì tỉ lệ ung thư hóa càng cao. Khoảng 20% những polyp tuyến có kích thước > 1cm trở thành ung thư.

Chính vì vậy khi cắt polyp tuyến đại tràng cũng là một cách nhằm loại trừ sớm nguy cơ ung thư.

Bác sĩ Hiền khuyến cáo bệnh nhân nên nội soi định kỳ để theo dõi polyp tiêu hóa. Đặc biệt khi gia đình và người thân có người bị polyp hoặc ung thư đại - trực tràng. 

Vấn đề khó khăn trong điều trị polyp đường tiêu hóa là đôi khi khó phân biệt được polyp tăng sản hay polyp tuyến có tiềm năng hóa ác qua việc nội soi đường tiêu hóa.

Do đó, người bệnh cần được thăm khám qua nội soi đường tiêu hóa nhằm phát hiện sớm polyp tuyến nhằm giảm tỉ lệ ung thư đường tiêu hóa nói chung và ung thư đại – trực tràng nói riêng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại