Sự thật về công thức kem trắng da thần tốc

NGUYỄN HƯNG |

Theo lời khai của một số chủ “xưởng” sản xuất kem trắng da thần tốc, nhóm PV đã đi thực tế tại một số chợ. “Muốn bao nhiêu cũng có” đó là lời của một chủ tiệm nói với tôi, khách hàng mua hóa chất để chế biến kem làm trắng da mặt siêu nhanh.

Điểm dừng đầu tiên tại chợ Kim Biên, ở đường Vạn Tường, Q.5, TP.HCM, dù bán nhiều thứ nhưng nổi tiếng nhất vẫn là nơi bán đủ các loại hóa chất công nghiệp, thực phẩm như bán ở chợ trời.

Nghĩa là, người bán cứ bán, người mua cứ mua dễ như mua bó rau, không có bất cứ điều kiện ràng buộc gì và cũng chẳng có thứ giấy tờ chứng minh gì dù có loại hóa chất độc hại.

Những lọ kem “made in… chợ”

Chúng tôi dừng ở một cửa tiệm hỏi người nam bán hàng: “Ở đây có bán hóa chất làm trắng da không?”.

Anh thanh niên nhìn người hỏi đầy nghi ngại, rồi lắc đầu quầy quậy, chỉ vào khu vực góc đối diện, nơi bán nhiều hương liệu, hóa chất cho mỹ phẩm, thực phẩm, đồ uống: “Ở trong đó có. Đây không bán”.

Đủ loại hóa chất tạo kem dưỡng trắng có bán ở chợ Kim Biên

Khu vực bán hương liệu, hóa chất dùng trong thực phẩm và mỹ phẩm có chừng hai chục cửa tiệm với đa dạng các mặt hàng.

Các chủ tiệm ở đây cũng có vẻ cảnh giác với người hỏi mua hóa chất làm trắng da, đa số lắc đầu quầy quậy, có người trả lời xong còn chạy thụt vào hẳn sâu trong tiệm.

Tuy nhiên, cũng có chủ cửa tiệm chấp nhận là mình có bán loại hóa chất tạo kem làm trắng. Chị chủ tiệm vẫy tôi lại gần rồi nói nhỏ:

“Chú có công thức kem làm trắng mặt chưa? Ít nhất cũng phải 3 - 4 thứ, tùy công thức của mỗi người, không phải ai cũng giống nhau”. Tôi nói: “Chị chỉ giùm loại nào làm da mặt trắng nhanh là được”.

Chủ tiệm đưa cho một hộp chứa bột, loại 0,5kg, giá 110 ngàn đồng, nói: “Đây là hóa chất làm trắng cơ bản, còn những thứ khác là phụ.

Khi nào có công thức ra chị bán hóa chất cho, thứ gì cũng có, bao nhiêu cũng có”. “Vậy có loại nào làm trắng mạnh hơn nhanh hơn không” - tôi hỏi.

Đáp: “Không có đâu, loại này là tốt rồi”. Hỏi: “Vậy loại này có tác dụng phụ không”. Đáp: “Không đâu, loại này an toàn mà chú”.

Nói rồi chị chủ tiệm cho biết nhiều người đã ra mua loại này để chế mỹ phấm làm trắng, mà trắng siêu nhanh. Chị có thể cung cấp hàng tấn hóa chất này.

Có độc hại không?

Nhìn kỹ hộp hóa chất mua được là chất tạo màu trắng trong thực phẩm chứ không phải dùng trong mỹ phẩm (!?).

Hóa chất này thực chất là Titan dioxit (TiO2), được dùng nhiều trong các ngành công nghiệp sơn, sản xuất giấy, làm trong thực phẩm và có dùng trong mỹ phẩm.

Như đã nói, có nhiều loại Titan dioxit khác nhau, và ngành mỹ phẩm hay dùng hóa chất này làm trắng coi như là một loại vật liệu thiên nhiên (khoáng chất).

Nhưng cách dùng, liều lượng dùng như thế nào phải qua các bước thử nghiệm nghiêm ngặt chứ không thể pha trộn tùy tiện được.

Các hãng mỹ phẩm lớn có thương hiệu uy tín nếu trong thành phần sản phẩm có Titan dioxit thì sản phẩm thường phải trải qua một quy trình kiểm nghiệm gắt gao theo tiêu chuẩn quốc tế, khi lượng hóa chất này được chứng nhận là không gây hại thì sản phẩm mới được đưa ra thị trường.

Tuy nhiên đối với các xí nghiệp sản xuất mỹ phẩm trôi nổi, quá trình kiểm nghiệm thường được “thông qua”, và Titan dioxit thường chiếm tỉ trọng lớn trong thành phần (để người dùng thấy ngay hiệu quả làm trắng) nên sẽ gây nguy hiểm cho da mặt.

Một chủ cửa hàng khác cũng cho biết: “Chú muốn mua loại nào cũng có, nhưng ở đây chỉ bán sỉ”. Về sản phẩm làm trắng da mặt, bà chủ tiệm gọi chồng:

“Lấy bịch bột “cứt trắng” ra cho khách coi”. Ông chồng liền lấy ra bịch bột nilon bột trắng không nhãn mác giới thiệu: “Loại này mấy ông chủ xí nghiệp mỹ phẩm thường mua để pha chế kem làm trắng da mặt…

Các spa, tiệm làm tóc… hay ra mua ở đây”. Nhìn kỹ, gói bột này thực chất cũng là Titan dioxit nhưng mà là hàng… công nghiệp. Giá bán mỗi ki-lô-gam bột này là: 280 ngàn đồng.

Có thể nói, Titan dioxit được giới làm mỹ phẩm “chui” xem là một vật liệu quan trọng để có sản phẩm làm trắng “siêu tốc”, trắng tức thì.

Điều nguy hiểm là nếu không tính đúng liều lượng, cách pha chế không nghiêm ngặt, hóa chất này hoặc là bít kín “đường thở” của da hoặc dưới tác động của ánh sáng mặt trời, hóa chất có thể biến đổi lý tính gây hại, khiến người dùng bị dị ứng;

Hoặc các hạt khoáng chất siêu nhỏ có thể “chui” vào làm hại các tế bào cơ thể.

Cũng tại chợ Kim Biên, một số người bán còn tiết lộ cho chúng tôi những công thức “bí truyền” mà họ rỉ tai nghe được từ một bà chủ cơ sở sản xuất kem ở Bà Điểm.

Công thức có thành phần cơ bản thường là một chất có tính kiềm như rượu hoặc một chất có tính acid như các AHA (acid glycolic, lactic, citric, malic…), các acid tẩy mạnh hơn (acid trichloracetic, salicylic - tương tự thuốc aspirin).

Để khách hàng yên tâm có dưỡng da, người ta sẽ cho thêm một số vitamin B, C, PP, E… Ngoài ra, không thể thiếu corticoid nhằm kháng viêm, giảm kích ứng, làm dịu da.

Do đó, chất tẩy trắng siêu tốc thường là một hỗn hợp tự pha trộn bằng cách cà nhuyễn những viên thuốc chứa các thành phần trên rồi quậy với một dung dịch kiềm hoặc acid.

Hỗn dịch này sẽ được rỉ tai là “bí quyết” hay “công thức gia truyền”.

Những chất tẩy này khi được thoa lên da sẽ tẩy, làm bong tróc lớp biểu bì trên da, để lại phần da non phía trong, do vậy gây nên ảo giác cho người sử dụng về công dụng làm trắng của nó.

“Bí kíp” từ chợ Bình Tây

Tại chợ Bình Tây, nơi cũng “mạnh” bán về các loại mỹ phẩm, trong đó có mặt hàng kem làm trắng da mặt. Lên lầu 1 của chợ, sở hữu nhiều gian hàng mỹ phẩm, khi hỏi về mỹ phẩm làm trắng da mặt, các chủ sạp liền đưa ra tới cả chục loại giới thiệu.

Thứ thì đựng trong bịch, thứ trong hũ, trong tuýp… Chủ yếu là các loại hàng sản xuất trong nước, nhiều loại quảng cáo theo công nghệ:

Nhật Bản, Hàn Quốc; số còn lại được giới thiệu là hàng Thái Lan, toàn chữ Thái không một dòng tiếng Việt nào. Giá cả cũng vô chừng, loại rẻ nhất bán lẻ là 15.000 đồng/hũ, mắc nhất cũng chỉ dưới trăm ngàn đồng.

Nhiều sản phẩm giá chỉ vài ba chục ngàn còn quảng cáo có chứa linh chi, ốc sên (nước dãi), huyết yến, thậm chí là nhau thai cừu (?)… Có loại địa chỉ sản xuất thuộc trong nước nhưng lại không hề có một dòng tiếng Việt giới thiệu.

Có loại mỹ phẩm, cái tem thứ dán xuôi, cái dán ngược, chứng tỏ một sự cẩu thả về mặt quy cách sản phẩm, đương nhiên bị nghi ngờ về chất lượng sản phẩm.

Tại chợ Bình Tây, đây cũng là nơi cung cấp rất nhiều loại bao bì đựng mỹ phẩm, kể cả cho các công ty và cho cả các sản phẩm mỹ phẩm trôi nổi nữa. Một chủ bán hàng cho biết:

“Anh muốn mua bao bì kiểu gì cũng có, số lượng bao nhiêu cũng được; nhãn mác thì đến nơi khác thuê in rồi dán vào là thành thành phẩm”. Các loại vỏ hộp này có giá khác nhau, tuy kiểu dáng, màu sắc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại