Sự thật về cách chọc kim vào đầu ngón tay cứu người đột quỵ

Lệ Nam |

Gần đây trên facebook lan truyền câu chuyện về nghĩa cử đẹp của cặp vợ chồng đứng ra sơ cứu cho 1 nạn nhân không may “co giật” trên đường. Theo bác sĩ biện pháp này hoàn toàn sai.

Truyền nhau cách chữa đột quỵ, tai biến mạch máu não

Theo nhận định của anh chồng, khi thấy nạn nhân bất tỉnh, co giật, sùi bọt mép và co quắp bàn tay... thì anh ấy nghĩ ngay rằng bệnh nhân bị tai biến mạch máu não.

Vì anh ấy đã đọc qua ở đâu đó cách trị bệnh này cho nên đã yêu cầu người xung quanh lui ra, để bệnh nhân nằm bất động và anh ấy bắt đầu sơ cứu cho bệnh nhân bằng cách dùng kim chích lên 10 đầu ngón tay và nặn từng giọt máu ra.

Ngay sau khi chích đầu ngón tay và nặn máu ra, anh ấy mô tả bàn tay bắt đầu mềm và thẳng ra được.

Thấy vậy, người đứng xung quanh bắt đầu giúp anh ấy sơ cứu cho bệnh nhân bằng việc tiếp tục chích và nặn máu từ 10 đầu ngón chân, thậm chí anh ấy còn nặn đỏ hai dái tai của bệnh nhân.

Khoảng một phút sau những biện pháp sơ cứu đó thì bệnh nhân tỉnh ra và ngưng sùi bọt mép.

Trước đó, trên facebook, trên nhiều diễn đàn và thậm chí nhiều trang thông tin điện tử cũng dẫn lại bài viết: “Tai biến mạch máu não. Xin nhớ ba chữ: C. N. G”.

Theo đó, "có thể nhận diện sớm tai biến mạch máu não bằng cách hỏi nạn nhân 3 điều đơn giản: C. N. G. Đó là yêu cầu người đó Cười, Nói và Giơ tay lên. Nếu người đó bị trở ngại bất cứ điều nào kể trên, bạn hãy gọi xe cấp cứu ngay tức khắc...".

Ngoài ra, cũng theo hướng dẫn này, "có thể dùng một cây kim may chích vào đầu ngón tay, cách móng tay độ một milimét cho đến khi có máu rỉ ra.

Như thế, khi máu đã chảy từ cả mười đầu ngón tay, chỉ chờ vài phút thì bệnh nhân sẽ tỉnh dậy. Bước tiếp theo là châm vào hai bên daí tai mỗi bên 2 mũi, cho đến khi máu nhỏ giọt ra. Sau vài phút, bệnh nhân sẽ tỉnh lại".

Nhiều cư dân mạng cho rằng đây là một phương pháp sơ cứu mà mọi người nên biết, nó sẽ cứu được mạng sống của những người bị tai biến mạch mạch máu não.

Phản khoa học

Theo thạc sĩ Lương Quốc Chính – Khoa Hồi sức Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai cách cấp cứu trên đều không đúng.

Bác sĩ Chính cho biết hôn mê là một tình trạng mất ý thức gây ra bởi một loạt các vấn đề khác nhau như chấn thương sọ não, đột quỵ, u não, cơn động kinh, ngộ độc thuốc hoặc rượu, thậm chí là do các bệnh lý nền như đái tháo đường hoặc nhiễm trùng…

Mỗi một bệnh cảnh có những biện pháp điều trị khác nhau. Trước khi các biện pháp điều trị đặc hiệu được đưa ra thì bệnh nhân hôn mê cần phải được sơ cứu đúng cách nhằm đảm bảo các chức năng sống ổn định (đường thở, hô hấp, tuần hoàn…).

Trong trường hợp trên, bệnh nhân được mô tả là bất tỉnh, co giật, sùi bọt mép và co quắp bàn tay... Khoảng vài phút sau bệnh nhân tỉnh lại là rất phù hợp với bệnh cảnh của một cơn động kinh. Do không hiểu về bệnh nên cộng đồng mạng tưởng là đột quỵ

Không phải vì chích máu đầu ngón tay thì bệnh nhân mới tỉnh dậy, đây chỉ là diễn biến bình thường của một cơn động kinh toàn thể.

Mặt khác, châm kim và nặn máu lên 10 đầu ngón tay không có tác dụng trong cấp cứu và điều trị đột quỵ.

Nếu bệnh nhân ở trạng thái không tiếp xúc do Hysteria và thường có thêm tăng thông khí (thở nhanh) gây kiềm hô hấp dẫn tới hạ canxi máu (dấu hiệu co quắp bàn tay) thì việc châm kim và nặn máu có thể có tác dụng như là một liệu pháp tâm lý.

Việc này cũng tương đương với việc ta tiêm bắp bệnh nhân bằng nước cất và tiêm thật đau, cũng có tác dụng khiến bệnh nhân tỉnh ra, thở chậm lại và hết co quắp bàn tay.

Còn đối với cấp cứu tai biến mạch máu não theo cụm từ C.N.G, bác sĩ Chính cho biết điều đó chỉ là truyền thuyết dù người viết đã đưa ra những luận điểm rất khoa học.

“Theo tài liệu y khoa có viết “sử dụng từ viết tắt FAST để giúp ghi nhớ các dấu hiệu cảnh báo”.

FAST là một thuật ngữ tiếng Anh khi dịch sang tiếng Việt có nghĩa là NHANH, và nó lấy các ký tự đầu của các dấu hiệu và triệu chứng sớm (theo nghĩa tiếng Anh) trong đột quỵ để ghép vào (xem bài ở dưới).

Tuy nhiên, khi chuyển tải sang tiếng Việt bằng cụm từ C.N.G. thì mình thấy nó thực sự không có ý nghĩa gì ngoài việc tác giả dùng nó để “lòe bịp”, tạo sự khác lạ và có vẻ khoa học.

Mục đích của việc "làm ra vẻ khoa học" này đánh lừa cộng đồng, và tạo thuận cho việc truyền bá phương pháp chích máu đầu ngón tay không có cơ sở khoa học mà nó có nguồn gốc từ một bài viết chỉ mang tính truyền thuyết ” – bác sỹ Chính nói.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại