Sự thật mực siêu rẻ: Hàng thứ phẩm, ăn như khoai sống?

Gần đây, thị trường xuất hiện mực siêu rẻ với mức giá chỉ 50.000- 70.000 đồng/kg.

 Khi vấn đề chất lượng được cơ quan chức năng bảo chứng thì mối nghi ngờ “ngư dân Việt lâu nay ăn lãi khủng” lại rộ lên. Tuy nhiên, thực tế tìm hiểu của PV Báo GĐ&XH lại không hoàn toàn như vậy.

Tiền nào, của nấy

Ngay sau khi có thông tin từ Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 - nơi có nhiều công ty nhập khẩu loại mực này qua cảng Cát Lái thì các tờ khai hải quan thể hiện là: Hàng là mực ống đông lạnh nguyên con có xuất xứ từ Indonesia, Hàn Quốc, Đài Loan. Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Cơ quan Thú y vùng 6 cho biết, 100% các lô hàng này đều được kiểm dịch rất chặt chẽ trước khi thông quan. Vì vậy, không có chuyện chất lượng của những loại mực này không được kiểm soát. Thông tin này lan rộng khiến loại mực nhập khẩu với mức giá siêu rẻ này được bán khá chạy.

Tại các chợ trên địa bàn Hà Nội như chợ Hôm, Ngọc Hà, Nghĩa Tân, Cầu Giấy… bày bán khá nhiều mực có giá dưới 100.000 đồng/kg. Hễ có khách đảo mắt đến mẹt mực là các chủ hàng lại đon đả: “Mua mực đi, có 70.000 đồng/kg thôi, đảm bảo tươi ngon hết ý”. Tuy nhiên, thực tế tìm hiểu những người đã mua loại mực này, chúng tôi lại nhận được câu trả lời hoàn toàn khác.

Bà Lê Thị Lan, phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm chia sẻ: “Mực là một trong những món khoái khẩu của nhà tôi. Hôm đầu tiên thấy có mực rẻ, mua về ăn, lúc đó cứ tưởng mình mua mực không chuẩn, không tươi vì ăn thấy mềm nhẽo, không có độ ngọt. Nhưng mấy hôm sau đi chợ sớm, thấy mẹt mực tươi rói của chị bán hàng quen nên lại mua. Nhưng về ăn vẫn không thấy khác đợt trước. Hôm tôi ra thắc mắc mực sao không ngon, chị bán hàng thản nhiên bảo: “Tiền nào của nấy, mực ngon giá phải 250.000 đồng/kg”. Lúc này mới biết chất lượng loại mực này có vấn đề”.

Mực Đài Loan chỉ có thể làm món nướng mang đi bán rong khắp phố. Ảnh: T.G
Mực Đài Loan chỉ có thể làm món nướng mang đi bán rong khắp phố. Ảnh: T.G

Còn chị Hà Thị Bằng, trú tại phố Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân cho biết: “Tôi đi chợ thường xuyên, vẫn biết có mực giá rẻ xuất hiện nhưng không dám mua vì sợ không an toàn. Cách đây ít hôm nghe con gái về nói đó là mực nhập khẩu và cơ quan chức năng đã khẳng định là mực nhập chính ngạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên mua về. Nhưng ăn rồi mới thấy thà chọn loại rau ngon ăn còn đỡ bực mình vì nó nhạt lắm, nấu lên chỉ có hương mực mà ăn không cảm nhận được độ ngon của vị mực như bình thường”.

Còn với những người chưa từng nếm thử loại mực siêu rẻ này lại có quan điểm khác. Bà Trần Hồng Vân, phố Kim Mã, quận Ba Đình bảo: “Tôi biết có mực giá rẻ nhưng sợ chất lượng không đảm bảo nên không dám mua, đến khi nghe thông tin truyền thông nói đó là mực nhập khẩu chính ngạch chất lượng tốt thì thấy yên tâm. Nhưng từ thực tế giá mực nhập ngoại này tôi thấy ngư dân Việt Nam đã ăn lãi từ người tiêu dùng quá lớn hoặc giá mực mua sỉ từ ngư dân nước ta quá cao?”.

Vì sao mực đánh bắt trong nước cao gấp 4-5 lần?

Để có câu trả lời xác đáng trong chuyện mực giá siêu rẻ này, chúng tôi đã phỏng vấn một số ngư dân hành nghề câu mực trong nước. Hầu hết các ngư dân đều cho biết, để câu được mực không đơn giản chút nào. Trước hết, cần phải có kinh nghiệm đi biển, biết được chỗ có mực. Sau đó dùng lưỡi câu chùm gắn trên một cục chì, được sơn lên những màu sắc khác nhau thả câu rồi làm các động tác để con mồi nhựa nhảy tung tăng nhử mực đến. Khi mực cắn mồi, cuốn dây, giữ con mồi dưới mặt nước, phải khéo léo thu hút để những con mực “quây quần” bên con mồi. Có hai cách để có thể bắt được mực: Hoặc là chờ đợi cho mực cắn câu, hoặc là dùng vợt để bắt mực.

Ông Hoàng Văn Hoa, khối 10, phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An cho biết: “Mực bây giờ khan hiếm hơn trước, cách đây một năm chọn  đúng nơi có mực thì có thể câu được 50 - 70kg/đêm, thậm chí hôm trúng mánh có thể câu được 1 tạ/đêm. Bây giờ thì ngay cả khi chọn đúng nơi có mực cũng chỉ câu được trên dưới 10 kg/đêm. Giá bán sỉ tại thuyền rẻ nhất cho các chủ buôn thường là 150.000 – 200.000 đồng/kg, tùy loại lớn hay nhỏ”.

Cũng theo ông Hoa, mực câu về bao giờ cũng bán hết trước vì người dân thích ăn loại mực này. Ông Hoa bảo mực phải được đánh bắt ở vùng nước có độ mặn vừa phải thì mới ngon. Trong đó,  vùng biển được đánh giá là có độ mặn tốt nhất chính là ở miền Trung như vùng Cửa Lò (Nghệ An), Nhật Lệ (Quảng Bình) và Phan Thiết… “Còn mực ở Đài Loan, Hàn Quốc… họ thường đánh bắt bằng tàu ngoài đại dương, một đêm được mấy chục tấn. Do đánh mực ở nước sâu, biển mặn chát nên mực ăn không ngon”, ông Hoa khẳng định.

Chị Hoàng Thị Bích, từng đi xuất khẩu lao động ở một nhà máy dệt ở Đài Bắc (Đài Loan) cho biết: “Mực ở Việt Nam là đặc sản bởi mùi vị thơm ngon, hấp dẫn nhưng ở Đài Loan thì mực cũng chỉ là món bình dân được bán với giá rất rẻ. Nếu mực Đài Loan mà làm những món như hấp, luộc, xào thì ăn gần như khoai sống, không thơm ngon. Mực ở đây phải cho thêm gia vị và ăn mực là hấp dẫn ở gia vị chứ không phải con mực. Vì vậy, ở đó người ta hay làm món mực nướng mà ai đến Đài Loan cũng dễ dàng tìm được các xe hàng rong bán mực nướng ở mọi nơi”.

Mực ở Đài Loan ăn như khoai sống

“So sánh mực nhập khẩu giá rẻ từ Đài Loan, Hàn Quốc với mực của Việt Nam không khác gì so sánh thứ phẩm với đặc sản. Tôi từng đi đánh mực thuê ở Đài Loan nên biết, họ đánh bằng tàu ở vùng biển sâu nên mực ăn như khoai sống, không có độ giòn, ngọt thơm. Mực ở Đài Loan, Hàn Quốc nhập về nhìn là chúng tôi nhận ra ngay bởi có màu đỏ như gạch nung, ăn rất nhạt”.

Anh Võ Văn Long, khối 5, phường Nghi Thủy, TX Cửa Lò, Nghệ An

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại