Quyền được chết đã có, chỉ chưa đưa vào luật?

Phương Thúy |

Đề xuất đưa quyền được chết vào trong luật của Bộ Y tế có thể sẽ vấp phải nhiều ý kiến tranh cãi của dư luận cũng như trong ngành. Tuy nhiên ở góc độ nào đó nó lại được xem là nhân đạo.

Ai là người có quyền quyết định được chết?

Bà Nguyễn Thị Lựu quê ở huyện Kiến Xương, Thái Bình đang chăm sóc chồng bị ung thư phổi ở Bệnh viện K cơ sở 3, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội mệt mỏi nói:

"Ông nhà tôi bị ung thư phổi giai đoạn muộn. Đến nay chụp trên phim có di căn ra trung thất và một số nơi. Ông ấy đau đớn lắm. Có lúc ông bảo xin về nhà chứ ở viện tốn kém mà bệnh chẳng thuyên đỡ.

Hiện nay, ông chỉ dùng thuốc giảm đau để kéo dài sự sống. Nhìn ông ấy héo mòn, kiệt quệ và đau đớn, đôi lần muốn ngỏ xin bệnh viện cho ông về nhà nhưng lại nghĩ về nhà đau quá cũng khổ nên đành thôi".

Con cái của bà Lựu thì cho rằng cứ để bố ở bệnh viện điều trị. Dù biết bệnh không cứu được nhưng chất lượng cuộc sống cũng tốt hơn vì được chăm sóc về y tế.

Khi nghe chúng tôi kể về câu chuyện "quyền được chết", bà Lựu thở dài: "Ở mình làm sao xin được chết chứ. Chỉ có sống đến khi trời gọi về"

Trường hợp của anh Phạm Hữu Chung – quê Thanh Hà, Hải Dương cũng như thế. Anh Chung kiệt sức vì căn bệnh u trung thất. Cho đến lúc này, anh Chung thực sự muốn từ chối điều trị về nhà chờ chết.

Mới phát hiện bệnh từ tháng trước nhưng số tiền điều trị đã lên đến trăm triệu đồng vì không có bảo hiểm. Mỗi lần tràn dịch màng phổi, anh phải nằm phòng cấp cứu vài ngày. Đau đớn, khó thở và thương vợ con tốn kém, anh Chung chỉ mong về nhà để chờ chết.

Tuy nhiên, vợ anh thì không muốn, chị vẫn cố gắng còn nước còn tát. Dù bác sĩ nỗ lực, người thân nỗ lực nhưng người bệnh chỉ muốn chết thì cũng khó có kết quả khả quan. Anh Chung tử vong sau hơn 1 tháng điều trị u trung thất.

Vậy trong trường hợp này ai sẽ là người được quyết định quyền được chết của người bệnh? Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cho biết trường hợp như gia đình anh Chung sẽ có rất nhiều khi người bệnh muốn xin về nhưng người thân thì không.

Vì thế, Bộ sẽ cân nhắc và đưa vào dự thảo trình Quốc hội để lấy ý kiến nhân dân đưa ra được quyền cụ thể nhất và trường hợp nào mới được sử dụng "quyền được chết".

Còn Tiến sĩ Dương Đức Hùng - Trưởng đơn vị Phẫu thuật tim mạch, Viện Tim mạch quốc gia, - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ở trường hợp người bệnh muốn xin về nhưng người thân muốn còn nước còn tát thì không bác sĩ nào dám cho bệnh nhân về.

Lúc này người thân của họ mới có quyền quyết định. Nếu bác sĩ cho về, người bệnh mất thì người thân của họ có thể kiện bác sĩ.

Cái chết êm ái là cái chết nhân đạo

Nói về quyền được chết, TS Hùng cho rằng "Cái đó là cần thiết và nhân đạo. Vì pháp luật đã quy định là bệnh nhân có quyền được khám chữa bệnh.

Điều cơ bản trong hiến pháp con người có bệnh được quyền nhập viện, có quyền được chăm sóc, được điều trị. Nhưng khi họ muốn từ chối quyền đó thì không ai có quyền ngăn cản họ. Bởi khi bị bệnh chỉ bệnh nhân mới biết thế nào là hạnh phúc.

Ví dụ bệnh nhân ung thư ở giai đoạn cuối đã bị di căn, sự sống chỉ tính bằng từng ngày, từng tháng nhưng cái đau đó nó lan sang cho gia đình, cho người thân, tốn kém tài chính cho gia đình, cho xã hội.

Khi họ yêu cầu chấm dứt điều trị, họ muốn ra đi chấm dứt đau đớn thì nên cho họ quyền được như thế. Đó là lựa chọn đúng đắn của họ và thực sự là nhân đạo với người bệnh.

Có những người bệnh bị ung thư, họ đau đớn ôm chân bác sĩ chỉ mong làm sao cho họ chết không còn chịu đau đớn.

Bệnh nhân nghèo về nhà không có tiền mua các thuốc giảm đau sâu thì những ngày cuối đời của họ thực sự kinh hoàng, chết trong đau đớn, kiệt quệ.

Những nước tiên tiến trên thế giới như Hà Lan, Bắc Âu họ đã ra luật đó từ lâu rồi. Người ta gọi là quyền được chết.

Ở Việt Nam từ trước đến nay vẫn có chuyện gia đình họ không muốn điều trị tiếp, bệnh viện vẫn cho về. Gia đình xin đưa người thân ra khỏi bệnh viện là biết sẽ chết nhưng nó vẫn chưa được cụ thể hóa thành luật".

Khi bệnh nhân đến, họ được quyền điều trị và trách nhiệm của cơ quan y tế là chia sẻ cho họ biết thông tin, tình trạng bệnh tật, cách thức chữa chạy, tiên lượng, chi phí.

Đánh giá về "dự thảo cái chết êm ái", TS Hùng cho biết: một chủ trương khi đưa ra không bao giờ thỏa mãn được mọi người dân nhưng chủ trương đó phải thỏa mãn được số đông trong cộng đồng, vì quan điểm cá nhân khác nhau.

Đây là vấn đề nhạy cảm, trước khi quyết định nên đưa ra bàn bạc trong nhiều giới, trong nhiều tầng lớp xã hội, thậm chí đối với bệnh nhân.

Nhóm bệnh nhân cũng cần chia nhóm ra như bệnh nhân bị bệnh mãn tính, bệnh ung thư, rồi lấy ý kiến về chủ trương này.

"Ở bất cứ chuyện gì mình nhìn ở góc độ tốt nó sẽ tốt, góc độ xấu nó sẽ xấu. Vấn đề mình xử lý như thế nào sẽ thành tốt. Khi họ yêu cầu chấm dứt điều trị thì mình cũng không thể cản được.

Có những trường hợp chưa thanh toán cũng phải linh động nhanh vì giữ lại thêm 1 tiếng nữa về bệnh nhân chết dọc đường không hay theo tâm lý của người Việt khi đưa xác về nhà người ta rất kỵ.

Lúc đó phải bảo nhân viên giải quyết linh động tạo điều kiện người thân đưa về nhà" - TS Hùng nói.

Quý độc giả có câu hỏi, thắc mắc hoặc yêu cầu tư vấn về các vấn đề sức khỏe, bài thuốc chữa bệnh xin gửi câu hỏi vào ô Bình luận ở dưới cuối mỗi bài viết.

Chúng tôi sẽ mời những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực y tế giải đáp, chia sẻ kinh nghiệm với quý độc giả. Trân trọng!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại