Bác sĩ Sheik Umar Khan, người đứng đầu cuộc chiến chống dịch Ebola tồi tệ nhất từ trước đến nay ở Sierra Leone, đã chết do nhiễm vi rút này hôm thứ ba tuần trước. Ông qua đời chưa đến một tuần sau khi có chẩn đoán nhiễm căn bệnh này. Bác sĩ Sheik Umar Khan đã đảm nhiệm việc điều trị cho hơn 100 bệnh nhân.
Cái chết của ông xảy ra sau khi hàng chục nhân viên y tế địa phương đã chết vì căn bệnh này, và hai nhân viên y tế người Mỹ ở nước láng giềng Liberia cũng bị nhiễm bệnh.
Tổ chức y tế thế giới gọi đây là “một trong những bệnh dễ gây chết người nhất từng được biết đến”.
Bệnh có thể gây tử vong đến 90% số người nhiễm.
Những người có nguy cơ mắc phải Ebola là những người phải tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh. Đó có thể là: người nhà bệnh nhân, những người tiếp xúc gần với bệnh nhân, người dự tang lễ bệnh nhân và có tiếp xúc trực tiếp với thi thể người nhiễm bệnh, người đi săn tiếp xúc với xác động vật chết do nhiễm Ebola và các cán bộ y tế chăm sóc người bệnh Ebola.
Ebola thường đặc trưng bởi sốt đột ngột, cực kỳ yếu mệt, đau cơ, đau đầu và đau họng. Tiếp theo đó là nôn, tiêu chảy, phát ban, suy thận và suy gan, và một số trường hợp bị chảy máu cả bên ngoài và bên trong, như chảy máu cam hoặc tiểu ra máu.
Biểu hiện lâm sàng của bệnh Ebola thay đổi theo từng giai đoạn: trong vài ngày đầu, bệnh nhân sẽ chỉ bị sốt hay viêm họng bình thường.
Ngày thứ 5 đánh dấu dấu hiệu khác lạ đầu tiên khi trên cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện các vết phát ban sần.
Cơ chế của loại virus này là can thiệp vào khả năng làm đông máu của cơ thể cũng như ảnh hưởng đến các lớp niêm mạc của mạch máu trong cơ thể người bệnh.
Khi căn bệnh tiến triển, người bệnh thường bị chảy máu ở các vị trí khác nhau trên cơ thể.
Thường thấy nhất là chảy máu ở các đường tĩnh mạc và màng nhầy. Bệnh trở nên trầm trọng hơn khi bệnh nhân bị thở gấp, hạ huyết áp, vô niệu (không thể đi tiểu) và cuối cùng dẫn đến hôn mê.
Hiện chưa có vắc-xin hoặc thuốc điều trị đặc hiệu cho cả người và động vật.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn nên hy vọng bởi theo một vài báo cáo của WHO thì đang có một vài loại vaccine được thử nghiệm, một trong những loại vaccine đó có hiệu quả khá hứa hẹn trên khỉ, và mong liều vắc-xin này sớm có trong tương lai gần.
WHO đã đưa ra thông báo về một trường hợp một người đàn ông dù đã sống sót khỏi căn bệnh quái ác này nhưng vẫn tìm thấy được virus Ebola trong tinh dịch 7 tuần sau khi hồi phục. Điều này giúp khẳng định thêm về tuổi thọ đáng ngạc nhiên của tác nhân gây bệnh chết người này.
Các nhà khoa học đã điều tra thấy rằng loại virus này có “sức sống” vô cùng mãnh liệt. Không giống như hầu hết các tác nhân gây bệnh khác sẽ chết khi chủ thể không còn hay chỉ tồn tại được một thời gian ngắn, virus Ebola vẫn “sống nhăn răng” dù cho người bệnh đã tử vong.