Những ca nhầm lẫn hi hữu của bác sĩ Việt Nam

Ngô Châu Anh (tổng hợp) |

Bệnh nhân mắc u bao hoạt dịch ở chân trái, bác sĩ mổ chân phải; bị thủng dạ dày, cắt ruột thừa; bị thoát vị bẹn, bác sĩ lại cắt bàng quang. Thậm chí bệnh nhân đau thận trái, bác sĩ cắt luôn thận phải.

Đó là những tình huống bé cái nhầm tai hại mà các bác sĩ đã mắc phải.

Đau chân trái, mổ chân phải

Đó là trường hợp bé Lê Nguyễn Quốc Hào (6 tuổi, ngụ xã Thanh Bình, H.Vũng Liêm, Vĩnh Long). Theo hồ sơ bệnh án, em Lê Nguyễn Quốc Hào nhập viện viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long vào sáng 27.7. 2015.

Sau khi làm bệnh án và xét nghiệm, em Hào được chuyển sang Khoa Ngoại - Tổng quát với chẩn đoán u bao hoạt dịch khoeo chân trái. 10 giờ 30 ngày 29.7, Hào được đưa vào phòng mổ.

Đến 10 giờ 55 cùng ngày, ca mổ hoàn thành. Hào được cho xuất viện ngày 31.7.

Bé Hào với cái chân bị mổ nhầm

Tuy nhiên, sau đó, cha của Hào là anh Lê Quốc Dũng đã trực tiếp đến bệnh viện phải ánh về việc Hào được chỉ định mổ chân trái nhưng lại BS lại mổ chân phải…

Ngày 7.8, BS Nguyễn Thành Nhôm, Giám đốc Bệnh viện, thừa nhận ê kíp mổ cho em có nhiều sai sót. Theo BS Nhôm, bé Hào được chẩn đoán bị u bao hoạt dịch ở cả 2 chân; chân trái to hơn nên chỉ định mổ chân trái.

Đồng thời, BS Nguyễn Minh Luân là người ban đầu được chỉ định mổ ca của bé Hào.

Tuy nhiên, do có ca mổ ruột thừa đột xuất nên lãnh đạo khoa đề nghị BS Luân mổ ca ruột thừa; ca bé Hào được chỉ định lại cho BS Phúc.

Thủng dạ dày, mổ ruột thừa

Cũng tại BV tỉnh Vĩnh Long một bệnh nhân xấu số khác chết oan uổng do bác sĩ tại đây cũng… chẩn đoán nhầm.

Theo đó, bệnh nhân bị thủng dạ dày nhưng 2 bác sĩ tại Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Vĩnh Long chẩn đoán bị đau ruột thừa, sau đó người bệnh đã tử vong khi đang chuyển lên BV Chợ Rẫy (TP HCM).

Di ảnh của ông Sang được người thân mang đến bệnh viện

Trước đó, tối 8/1/2015, anh Trần Thanh Sang (40 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long) bị đau bụng và được gia đình đưa đến trạm y tế xã rồi chuyển thẳng lên BV Đa khoa TP Vĩnh Long. Bác sĩ tại đây chẩn đoán ông Sang bị đau ruột thừa nên tiến hành mổ.

Đến ngày 9/1, BV thông báo ông Sang không bị đau ruột thừa mà bị thủng dạ dày. Lúc này, sức khoẻ ông Sang đã yếu đi. Trưa 10/1, ông Sang được chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) và tử vong trên xe cấp cứu.

Mổ thoát vị bẹn, cắt luôn bàng quang của bé trai

Bệnh nhi nam Tr.A.Đ (21 tháng tuổi), trú phường Cam Nghĩa, TP Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) là nạn nhân của ca mổ.

Bé Tr.A.Đ

Cháu Đ. nhập Bệnh viện đa khoa khu vực Cam Ranh sáng 23.10.2012, với chẩn đoán thoát vị bẹn, chỉ định mổ. Trưa 25.10, các bác sĩ Nghĩa và Toàn mổ cho cháu. Sau khi mổ, bụng cháu chướng lên, không tiểu được, rất nguy kịch.

Chiều 26/10, Bệnh đa khoa khu vực Cam Ranh quyết định chuyển bệnh nhi lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa mổ cấp cứu, xác định thay vì mổ thoát vị bẹn, bé đã bị bác sĩ cắt nhầm bàng quang.

3 ngày sau bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 TP HCM để tiếp tục điều trị.

Cuối tháng 12/2012, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế Khánh Hòa tổ chức cuộc hội chẩn liên Việt với sự tham gia của hơn 20 chuyên gia đến từ 9 bệnh viện lớn trong cả nước, bàn các phương án phẫu thuật tái tạo bàng quang cho bé.

Hầu hết chuyên gia thống nhất cần mổ sớm cho cháu để tránh nguy cơ nhiễm trùng ngược. Giáo sư Liêm khi ấy kết luận sẽ mổ tái tạo bàng quang cho bé sau 6-12 tháng, khi sức khỏe cho phép. 

Hội đồng Y khoa kết luận kíp mổ đã có sai sót trong việc thực hiện ca mổ cho cháu bé.

Đau thận trái, cắt luôn thận phải

Đó là trường hợp bệnh nhân Hứa Thị Cẩm Tú (38 tuổi) ngụ tại thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ đã từng bị những cơn đau thận hành hạ lâu năm.

Sau nhiều năm chạy chữa không khỏi bệnh, vào cuối năm 2011 chị Tú nhập viện BVĐK Cần Thơ để phẫu thuật điều trị bệnh sỏi thận.

Qua những xét nghiệm ban đầu của các bác sĩ kết luận cuối cùng là phải phẫu thuật cắt bỏ quả thận bên trái của chị vì quả thận này đã không còn chức năng hoạt động nữa.

Bệnh nhân Hứa Thị Cẩm Tú

Ca mổ đầu tiên của chị Tú được bác sĩ Trần Văn Nguyên làm trưởng kíp mổ thực hiện vào ngày 6.12.2011. Sau ca phẫu thuật các bác sĩ cho anh Nguyễn Thiện Trí là chồng của chị Tú biết ca phẫu thuật đã thành công.

Thế nhưng qua đến ngày hôm sau anh Trí mới gặp được vợ trong tình trạng toàn thân sưng phù và sức khỏe rất yếu. Anh Trí hốt hoảng đưa vợ đi siêu âm và bàng hoàng phát hiện vợ mình không còn quả thận nào.

Vụ việc sau đó đã được ban lãnh đạo BVĐK Cần Thơ giải thích và thừa nhận việc cắt nhầm hai quả thận của chị Tú là do… sơ suất của bệnh viện.

Bác sĩ Nguyên, trưởng kíp mổ thừa nhận một phần trách nhiệm và cho rằng đây là một rủi ro trong nghề nghiệp vì quả thận của chị Tú bị dị tật hình móng ngựa (hai quả thận dính liền nhau bằng một eo nhỏ), khi phẫu thuật đã làm rách thận phải và không cầm máu được nên bác sĩ đã tự quyết định cắt luôn thận phải vì không còn cách lựa chọn.

Quên mũi khoan trong người bệnh nhân

Ngày 31/1/2010, em Đinh Trọng Hiếu, học sinh lớp 12, trường THPT Quang Trung (huyện Sa Thầy, Kon Tum) được gia đình đưa đến bệnh viện Đa khoa Kon Tum điều trị gãy chân do bị ngã xe.

Theo chẩn đoán,  Hiếu bị gãy kín xương đùi trái. Phương pháp điều trị là mổ kết hợp kháng sinh, giảm đau. Sau đó, bệnh viện đã tiến hành bắt nẹp vít xương đùi cho Hiếu.

Bệnh nhân Hiếu

Ngày 9/2/2010, Hiếu được xuất viện với lời hẹn tái khám sau 3 tuần. Theo lời dặn của bác sĩ, em đến tái khám đúng hẹn. Kết quả tái khám cho thấy vết thương ổn định.

Riêng việc mổ tháo nẹp vít, ông Đinh Tiến Hóa, bố em Hiếu, cho biết: “Bác sĩ Dương, người mổ cho con tôi có dặn: Tốt nhất là sau một năm và mổ ở đâu cũng được”.

Sau đó gần 1 năm, ngày 19/7/2011, gia đình đưa em Hiếu đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định để tháo nẹp vít. Tuy nhiên, sau khi xuất viện, chỗ vết thương của em Hiếu vẫn chảy dịch và nổi u lên.

Ngày 19/9, khi đưa em Hiếu đi chụp X quang lại, gia đình “tá hỏa” khi biết trong chân em Hiếu có một mũi khoan bị gãy nằm sâu trong xương đùi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại