Nước dừa là loại nước giải khát có nguồn gốc tự nhiên rất được ưa thích. Trong nước dừa có nhiều vitamin, khoáng chất như kali, canxi, chloride có tác dụng bồi dưỡng cơ thể. Theo Đông y, nước dừa có tính hàn, tác dụng làm mát, giải nhiệt cơ thể.
Nhiều người cho rằng nước dừa vừa bổ dưỡng vừa vô trùng, không có hóa chất độc hại nên dùng rất thường xuyên và lâu dài. Tuy nhiên, những trường hợp lạm dụng nước dừa sẽ đem lại kết quả không tốt cho sức khỏe.
Bởi vậy, khi dùng nước dừa làm nước giải khát, cần phải chú ý những điều sau đây:
- Uống vào buổi tối rất hại:
Đông y cho biết, nước dừa thuộc âm, buổi tối cũng là thời điểm mang tính âm, lúc này cơ thể con người đã mệt mỏi, cần được nghỉ ngơi, nếu uống nước dừa vào dễ khiến cơ thể bị lạnh.
Đặc biệt, nếu uống nước dừa được ướp lạnh hoặc bỏ đá, 3 yếu tố âm cộng lại sẽ khiến người uống dễ bị mắc bệnh khiến gân cốt rã rời, sức khỏe không bền.
Thời điểm uống nước dừa thích hợp nhất là buổi sáng hoặc buổi trưa (là thời điểm thuộc dương) để cân bằng 2 yếu tố âm - dương sẽ tốt cho sức khỏe hơn.
- Lạm dụng nước dừa vô cùng nguy hiểm:
Theo GS.TSKH Bùi Quốc Châu, nước dừa rất có hại cho sức khỏe nếu uống 3 - 4 trái/ngày và uống liên tục nhiều ngày.
Vì nước dừa tính giải nhiệt, làm mát, nếu uống với lượng nhiều nhất định sẽ làm giảm huyết áp, mềm yếu gân cơ.
Những người bị bệnh trĩ, huyết áp thấp, nhức đầu do huyết áp thấp, cảm lạnh, thấp khớp, mệt tim do lạnh thì không nên dùng vì có thể gặp những tai hại khôn cùng.
Lương y Vũ Quốc Trung, phòng khám Y học cổ truyền chùa Cảm Ứng cũng cảnh báo, trong nước dừa hàm lượng chất béo rất cao (2%) nên dùng hạn chế, uống nhiều sẽ gây đầy bụng, khó tiêu.
- Dễ sinh bệnh nếu đi nắng về uống nước dừa:
Theo kinh nghiệm dân gian, nước dừa không phải loại nước có thể dùng để uống khi đi nắng về, vì dễ gây "trúng gió". Các triệu chứng thường gặp trong trường hợp này là ớn lạnh, đầy bụng, hâm hấp sốt, thậm chí sốt cao.
Đặc biệt, nếu vừa thi đấu thể thao hoặc làm những công việc nặng nhọc, mất sức, không nên vội vã uống nước dừa, vì sẽ làm cho chân tay buồn rũ, giảm sức dẻo dai và phản xạ nhanh nhẹn. Nếu có dùng, cần phải uống từ từ từng chút một.
Lương y Vũ Quốc Trung cho rằng dừa có tính làm mát (ẩm, thấp), khi đi nắng về ta không nên ăn, uống nhiều vì Đông y cho rằng "ẩm khốn tỳ", ẩm nhiều gây hại tỳ vị, đầy bụng, khó tiêu, người ớn lạnh, đặc biệt có hại cho đường tiêu hóa và lá lách.