Theo cập nhật mới nhất của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đến nay đã có 19 quốc gia trên thế giới ghi nhận bệnh nhân mắc viêm đường hô hấp cấp tính nguy hiểm (MERS - CoV), trong đó 145 trường hợp đã tử vong.
Tỷ lệ tử vong trên 50%
Theo các chuyên gia y tế, bệnh MERS - CoV đang được so sánh với bệnh SARS đã cướp đi sinh mạng của trên 800 người năm 2003. Giống như SARS, phần lớn bệnh nhân mắc MERS - CoV có biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp gây viêm phổi, sốt cao, ho và khó thở. Nguy hiểm hơn, virus có thể gây suy thận, thời gian ủ bệnh có thể kéo dài đến 2 tuần (lâu hơn cả SARS) và tỷ lệ tử vong ở người nhiễm bệnh lên tới hơn 50%. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, 75% ca bệnh gần đây lây nhiễm thứ phát do có sự lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc.
Lãnh đạo Bộ Y tế kiểm tra khả năng phòng, chống dịch tại Bệnh viện các Bệnh nhiệt đới T.Ư. Ảnh: Thanh Hằng
Hiện nay, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vaccine chống lại loại virus gây bệnh MERS - CoV. Tổ chức Y tế thế giới nhận định, trong thời gian tới, bệnh có nguy cơ sẽ lây lan sang nhiều quốc gia khác do quá trình đi lại, du lịch của cư dân.
Tăng cường giám sát tại sân bay, cửa khẩu
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết, đến thời điểm này, Việt Nam chưa có bệnh nhân mắc MERS - CoV, nhưng không thể loại trừ các trường hợp du khách quá cảnh đi qua khu vực Trung Đông rồi vào nước ta. Bên cạnh đó, một số lượng lớn người Việt Nam xuất khẩu lao động tại khu vực này, khi trở về có thể mang theo mầm bệnh. Đáng ngại là, ở khu vực Đông Nam Á, Malaysia và Philippines đã ghi nhận các trường hợp mắc MERS - CoV sau khi trở về từ khu vực Trung Đông. Indonesia cũng đã công bố, một người đàn ông 54 tuổi, trở về từ Ả Rập nghi mắc MERS - CoV và tử vong tại bệnh viện nước này. "Chủng virus này là mối đe dọa với tất cả mọi người. Trong đó, người già, nam giới, những người có bệnh mãn tính kèm theo thường có nguy cơ cao hơn" - ông Phu cảnh báo.
Trước tình hình này, Bộ Y tế đã có văn bản khẩn gửi giám đốc sở y tế các địa phương yêu cầu kiểm tra, giám sát người nhập cảnh Việt Nam tại tất cả các cửa khẩu, trong đó đặc biệt chú ý những người gần đây đi du lịch hoặc trở về từ các quốc gia đang có dịch bệnh. Hiện, tại các sân bay và cửa khẩu, máy đo thân nhiệt đã được lắp đặt nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát du khách nhập cảnh Việt Nam, nhất là những người đến từ các quốc gia khu vực Trung Đông... Riêng với các du khách bị sốt, viêm đường hô hấp không rõ nguyên nhân sẽ được lực lượng y tế sân bay khám bệnh, lấy mẫu xét nghiệm tại chỗ và tổ chức cách ly khi có dấu hiệu nghi ngờ.
Để phòng tránh virus gây bệnh MERS - CoV, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư Nguyễn Trần Hiển khuyến cáo, người dân nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn; Che mũi và miệng khi ho và hắt hơi, tránh tiếp xúc với mắt, mũi, miệng khi tay chưa được rửa sạch; Tránh tiếp xúc gần (ăn, uống chung cốc chén…) với người nhiễm bệnh; Thường xuyên khử khuẩn bề mặt tiếp xúc như đồ chơi, sàn nhà, tay nắm cửa… Khi phát hiện người có các dấu hiệu nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp như: Sốt trên 38oC, ho, nghi ngờ bệnh viêm phế quản phổi, trước đó có tiền sử đến vùng bán đảo Ả Rập hoặc các nước láng giềng trong vòng 14 ngày cần đến ngay cơ sở y tế khám và điều trị.