Đầu tháng 4, chị PTHG, 28 tuổi, nhà ở huyện Cái Bè, Tiền Giang, sinh ra một bé trai, nặng 2 kg, lòng bàn tay và bàn chân bé xuất hiện nhiều vết phỏng nước nên bệnh viện huyện chuyển đến Bệnh viện đa khoa Tiền Giang.
Sau khi thăm khám, bác sĩ nghi ngờ cháu bị giang mai bẩm sinh nên cho làm xét nghiệm tìm kháng thể giang mai (VDRL). Kết quả xét nghiệm kháng thể giang mai dương tính.
Khi hỏi về hoàn cảnh gia đình của cháu, ba cháu cho biết là anh làm nghề lao động phổ thông, cũng có nhiều bạn tình, đã từng mắc một bệnh da liễu nhưng không biết loại gì mà bác sĩ chuyên khoa cho uống thuốc tới một tháng trời mới ngưng.
Còn mẹ thì trong thời gian mang thai không có đi khám thai vì gia cảnh quá khó khăn.
Đây là một trường hợp bệnh nhân bị bệnh giang mai bẩm sinh do mẹ truyền sang qua nhau thai từ tháng thứ 4 trở đi. Bệnh giang mai là bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, gây ra bởi một loại vi khuẩn có tên là Treponema pallidum.
Nó được truyền từ người này sang người khác trong quá trình quan hệ tình dục không an toàn (âm đạo, hậu môn và quan hệ tình dục bằng miệng), nó cũng lây qua đường máu và qua nhau thai giữa mẹ và con trong khi mang thai.
Triệu chứng giang mai bẩm sinh thường gặp: trẻ sinh ra bị suy dinh dưỡng bào thai, cân nặng nhỏ hơn 2,5 kg.
Trên da có nhiều bọng nước lớn, khu trú ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, nhiều khe nứt ở miệng, hậu môn, chứng sổ mũi, mủ và máu do loét các xương sụn ở mũi, loét họng làm tiếng trẻ khóc khàn trầm lạ tai, có nhiều hồng ban và sần ngoài da.
Còn thấy nhiều tổn thương khác như: xương khớp gặp trong 80% các tổn thương giang mai bẩm sinh, viêm xương sụn vào tháng thứ 2-3 sau sinh, gan to và xơ hóa, lách to, viêm thận, viêm tinh hoàn, viêm màng não, viêm dây thần kinh thị giác, thiếu máu.
Một điều cần lưu ý là giang mai bẩm sinh tiềm tàng chỉ được xác định dựa trên xét nghiệm chẩn đoán huyết thanh dương tính ở người mẹ chứ không dựa vào xét nghiệm chẩn đoán ở trẻ sơ sinh.
Bởi vì một bé sinh từ mẹ có bệnh dù đã được điều trị vẫn có thể mang những kháng thể tồn dư từ người mẹ suốt thời gian vài ba tháng. Do đó trẻ sơ sinh vẫn phải được theo dõi và điều trị.
Đối với phụ nữ mắc bệnh giang mai thì nên điều trị bệnh trước khi mang thai. Còn nếu trong trường hợp mang thai rồi mới mắc bệnh giang mai thì càng cần phải theo dõi và thực hiện chặt chẽ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Khi đến thời điểm sinh nở thì nên sinh mổ để tránh lây bệnh cho thai nhi khi bé chui qua cổ tử cung.
Hiện nay vẫn chưa thuốc chủng ngừa bệnh giang mai, vì vậy để phòng bệnh thì không nên quan hệ tình dục hay tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết, vết loét của người bị bệnh.
Giang mai không lây qua việc dùng chung nhà vệ sinh, các hoạt động hàng ngày, bồn tắm hay dụng cụ ăn uống.
Quý độc giả có câu hỏi, thắc mắc hoặc yêu cầu tư vấn về các vấn đề sức khỏe, bài thuốc chữa bệnh xin gửi câu hỏi vào ô Bình luận ở dưới cuối mỗi bài viết.
Chúng tôi sẽ mời những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực y tế giải đáp, chia sẻ kinh nghiệm với quý độc giả. Trân trọng!