Bi kịch đau lòng nhất là của các cặp vợ chồng có lẽ là “vô sinh”. Hành trình đi “kiếm tìm” một mụn con vô cùng gian nan, vất vả, nhiều người “chết mòn” trong nỗi tuyệt vọng. Những năm gần đây, bác sĩ Nguyễn Phú Lâm, ngụ khóm 1, thị trấn Cái Nhum (Mang Thít, Vĩnh Long) đã giúp hàng trăm cặp vợ chồng trên cả nước sinh được con.
Trong đó, “kỳ diệu” như cặp vợ chồng 3 lần thụ tinh ống nghiệm không thành công, nhờ sự “mát tay” của “thầy lang quê” đã thỏa lòng mong ước.
Hạnh phúc của cặp vợ chồng 3 lần thụ tinh ống nghiệm bất thành
Câu chuyện hạnh phúc đó là trường hợp gia đình chị Phạm Thanh Quyên, khu dân cư vượt lũ, phường 8, TP Vĩnh Long (xin không nêu tên người chồng vì lý do nhạy cảm) cũng bị áp lực nối dõi tông đường rất nặng khi chồng chị là con trai duy nhất.
Chị Quyên chia sẻ: “Tôi lập gia đình năm 24 tuổi, suốt 8 năm chung sống vợ chồng không sinh nổi một mụn con. Những năm đầu mới cưới mỗi khi về nhà thăm ba mẹ chồng thì áp lực con cái đối với bên chồng rất nặng nề.
Lúc đầu có thai là hư không giữ được. Sau mấy lần hư thì vợ chồng đã đi lên Bệnh viện phụ sản lớn ở TP.HCM nhờ bác sĩ can thiệp, khi đó xét nghiệm tinh dịch đồ ông xã bị “tinh trùng yếu”. Khi đó bác sĩ mới can thiệp bằng cách thụ tinh trong ống nghiệm nhưng vẫn không thành công. Sau đó, tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm 2 lần nữa tốn hơn 200 triệu đồng vẫn không thành công.
Khi đó, bản thân không còn hy vọng gì đến chuyện sinh con. Rồi bẵng đi một thời gian thì nghe bà con bàn tán xôn xao về tài chữa vô sinh của bác sĩ Lâm. Hy vọng của chúng tôi lại lóe lên”.
Theo đó, vợ chồng chị Quyên tìm đến nhờ bác sĩ Lâm chữa trị. Sau khi xem hồ sơ, kết quả xét nghiệm, bác sĩ Lâm bốc thuốc, hướng dẫn vợ chồng chị Quyên ngâm rượu thuốc để uống. Thang thuốc này có tác dụng “bổ thận tráng dương, sinh tinh khí”.
“Khi đó hai vợ chồng cùng uống, chồng thì uống không sao, còn em thì uống vào là là đà do nồng độ rượu quá mạnh. Tôi nói với ông xã kiểu này thì làm sao có con trong khi đó chồng không ở nhà thường xuyên, vậy mà uống được một tháng, thì phát hiện có tin vui, khiến cả gia đình ngỡ ngàng sung sướng, cứ nghĩ là nằm mơ”, chị nói.
Lương y – Bác sĩ Nguyễn Phú Lâm khám cho bệnh nhân vô sinh, hiếm muộn.
Sau này, khi sinh con, vợ chồng chị Quyên đặt tên con là Ngọt, với ý nghĩa là sự ngọt ngào sau 8 năm vợ chồng chị chạy chữa khắp nơi “tìm con”. Hiện tại, Bé Ngọt được gần 2 năm tuổi, rất kháu khỉnh, dễ thương. Mang ơn “thầy lang mát tay” Nguyễn Phú Lâm, những ngày lễ, tết vợ chồng chị Quyên lại đưa con về thăm ân nhân của mình.
“Tài sản vô giá”
Trong hành trình chạy chữa vô sinh, hiếm muộn, vợ chồng anh Nguyễn Hồng Kỳ (vợ là Nguyễn Hồng Thụy), ngụ ấp Phước Thới C, xã Bình Phước (Mang Thít, Vĩnh Long) phải cho thuê 2ha đất lấy tiền dắt díu nhau đi chữa bệnh. Suốt 1 năm lăn lộn kiếm sống ở “Sài thành” và điều trị ở bệnh viện phụ sản lớn, nhưng thất vọng vẫn hoàn thất vọng.
“Lập gia đình năm 2001 nhưng mãi đến năm 2004, vợ chồng tôi vẫn không thấy có tin vui nên mới dắt nhau đi lên Sài Gòn khám bệnh. Khi đó bệnh viện khám và làm mọi xét nghiệm “tinh dịch đồ”, kết quả bác sĩ cho biết tinh trùng của tôi rất yếu, rất khó có khả năng sinh được con nếu không có sự can thiệp của y học. Bởi không có nhiều tiền chạy chữa, vợ chồng lại về quê làm mướn, hai năm sau có được một khoản kha khá, với cho thuê 2ha đất ruộng thế là đi chữa trị”, anh kể.
Ngày đó, vợ chồng anh Kỳ vừa mần mướn, vừa chạy chữa suốt 1 năm ở TP.HCM nhưng vô vọng. Trở về, được một người bà con chỉ dẫn, anh Kỳ nhờ người này đến gặp bác sĩ Lâm hốt giùm 2 thang thuốc. Kỳ diệu, sau khi ngâm rượu theo lời dặn của bác sĩ, uống được 3 tháng, anh Kỳ đi tái khám, kết quả tinh trùng đạt mức trung bình, tỷ lệ tiến tới, nhanh tăng được 7%. Vậy nhưng, lúc này, không may vợ anh Kỳ lại bị khối u ở tuyến yên.
Vẫn lời anh Kỳ, khi này, vợ chồng anh quyết định theo trị khối u tuyết yên và chuẩn bị 30 triệu đồng để làm thụ tinh nhân tạo dù Bệnh viện cam kết kết quả thụ tinh nhân tạo chỉ đạt 30%.
“Vợ chồng mà không có con thì bị rất nhiều áp lực tiếng đời dị nghị đau đầu lắm. Có tiền đi trị bệnh thì không nói gì, không có tiền đi trị nữa chừng hết tiền thì lại càng bất mãn, đau khổ hơn. Khổ hơn là nhà chỉ có 2 anh em trai, người anh chưa vợ, tôi thì có vợ mà không con người ta càng nói này nói nọ. Khi bệnh viện nói giá 30 triệu đồng thì hai vợ chồng tui hụt hẫng vì vào thời điểm đó số tiền trên trị giá gần 3 cây vàng”.
Bởi chưa có nhiều tiền ngay, hai vợ chồng về quê tìm cách vay mượn anh em, họ hàng. May mắn, trong thời gian 2 tháng ở quê gom tiền, anh Kỳ vẫn uống “rượu thuốc” đã mua của bác sĩ Lâm, một ngày, vợ anh thấy trong người khác lạ, đi kiểm tra mới sung sướng biết tin vui đã có thai.
“Lúc này, vợ chồng tui chưa làm thụ tinh nhân tạo, chỉ mới lấy thuốc điều trị khối u tuyến yên (điều trị nội tiết). Vừa mừng, vừa lo, vợ chồng anh Kỳ đưa nhau lên TP.HCM khám thai. Sau khi khám, bác sĩ nói: “Chị bị u tuyến yên có thai, nếu khối u lớn theo bào thai thì sẽ khó giữ được em bé”.
Câu nói đó, khiến vợ chồng anh Kỳ lo lắng mất ăn, mất ngủ. Tuy nhiên, vì hiếm muộn nhiều năm, dù vợ mang bệnh trọng, nhưng có thai là niềm vui khôn tả lúc bấy giờ, vợ chồng anh Kỳ quyết giữ thai nhi dù có bất cứ chuyện gì xảy ra.
Thế là, may mắn lại mỉm cười, đến kỳ sinh nở, người vợ sinh cho anh Kỳ một bé trai kháu khỉnh trong niềm vui mừng khôn xiết. Lại nói, sau khi sinh con được 1 năm, vợ chồng anh Kỳ đi khám lại, khối u trong người vợ anh vẫn không phát triển. “Cứ tưởng mình bị hiếm muôn rất khó sinh được lần nữa nên không kế hoạch thế là lại sinh thêm được đứa nữa”, chị Thụy phấn khởi chia sẻ.
Bây giờ hai con trai (Trí Thông, Thiên Phúc) là tài sản vô giá mà hai vợ chồng anh Kỳ nâng niu, chăm sóc. Sau hơn 6 năm gian nan chạy chữa, may nhờ “gặp thầy gặp thuốc”, vợ chồng anh tìm được hạnh phúc “làm cha làm mẹ”.
Trở lại với tâm sự của bác sĩ Lâm, trong gần chục năm chữa trị vô sinh, có biết bao vui buồn, trăn trở và những kỷ niệm không bao giờ quên như vợ chồng anh Nguyễn Văn Quang (số 14, đường Bàu Bàng, phường 13, quận Tân Bình, TP. HCM). Trước khi nhờ bác sĩ Lâm chữa trị, cả hai vợ chồng anh Quang đều mắc bệnh. Người chồng thì tinh trùng yếu, thiếu, dị dạng và di chuyển kém; người vợ bị “chu kỳ” không đều (40 – 45 ngày mới có) nên hiếm muộn.
Vợ chồng anh Quang đã thụ tinh ống nghiệm 4 lần mà không đem lại kết quả. Gặp bác sĩ Lâm, anh Quang buông lời “thách đố”: “Thầy chữa cho vợ chồng tôi có con, tôi sẽ cõng thầy qua cầu Mỹ Thuận (dài 1.500m – PV) để tạ ơn”.
Đến nay, anh Quang mới sung sướng chào đón sự ra đời của cậu “quý tử”. Sắp tới, anh này chuẩn bị thực hiện lời hứa “cõng ân nhân qua cầu Mỹ Thuận” để cảm tạ.
(Còn nữa)