Cậu bé đã chết vào ngày 6/12 năm ngoái, chỉ vài ngày sau khi ngã bệnh tại một ngôi làng ở Guéckédou, phía đông nam Guinea.
Guéckédou lại là nơi giao nhau giữa ba quốc gia Sierra Leone, Liberia và Guinea nên khi bùng phát, dịch dễ dàng lan ra các nơi trong vùng.
Một tuần sau đó, mẹ của cậu bé qua đời, rồi tới lượt người chị gái 3 tuổi, và bà ngoại của cậu bé. Tất cả những người này đều có cùng triệu chứng sốt cao, nôn mửa, tiêu chảy, nhưng không ai biết căn bệnh đã khiến họ mất mạng là gì.
Ở Guéckédou nơi mà dịch bùng phát, ‘cảm giác thật là’ – bác sĩ Kalissa N’fansoumane, giám đốc bệnh viện, nói. Ông phải thuyết phục các nhân viên đi làm.
Tới ngày 31/3/2014, tổ chức các Bác sĩ không biên giới từng ra tay trong nhiều đợt bùng phát Ebola, đã phải gọi đại dịch lần này là ‘chưa từng có bao giờ’, và cảnh báo dịch phát ở rất nhiều nơi, do đó công việc dập dịch là vô cùng khó khăn.
Giờ đây, khi con số ca nhiễm bệnh lên tới 1.779 và gần 1.000 người thiệt mạng, dịch bệnh đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát và ngày một nghiêm trọng hơn. Đây không chỉ là đại dịch lớn nhất từ trước tới nay, mà dường như còn vượt qua tổng số hàng chục lần bùng phát khác cộng lại. Các nhà dịch tễ học dự đoán rằng việc khống chế dịch mất tới hai tháng, có thể là nhiều tháng, vì phải cần tới hàng ngàn nhân viên y tế tham gia chiến dịch.
Các bác sĩ không biên giới tham gia dập dịch Ebola ở tây Phi. Ảnh: NYT
Cùng với đó, khu vực này của châu Phi chưa từng xảy ra dịch Ebola. Các nhân viên y tế không nhận ra sự xuất hiện của loại virus này và cũng chưa từng được tập huấn cũng như có trang thiết bị để phòng tránh lây nhiễm. Các bệnh viện thiếu nước và găng tay, đây cũng là những điều kiện thuận lợi để dịch bùng phát mạnh.
Trở lại Guéckédou, hồi giữa tháng Ba, Bộ Y tế Guinea đã nhờ tổ chức Các bác sĩ không biên giới tới giúp đỡ.
Ban đầu, các chuyên gia của nhóm nghi ngờ đây là sốt Lassa, một loại dịch rất phổ biến ở tây Phi. Nhưng bệnh lần này còn trầm trọng hơn thế. Các đơn vị cách ly được dựng lên, và xét nghiệm xác nhận dịch Ebola.
Cũng giống như nhiều thành phố và thị trấn ở châu Phi, khu vực này đầy các loại xe ôm và xe hơi chở khách loại nhỏ nhồi nhét đầy hành khách.
Chính kiểu di chuyển như vậy đã khiến cho công việc kiềm chế bệnh dịch ở cấp cơ sở trở thành nhiệm vụ bất khả. Cách duy nhất để chặn dịch là phải cách ly những bệnh nhân nhiễm virus, lần theo các mối liên lạc, cách ly những người ốm và lặp lại quy trình trên cho tới khi nào mà sau cùng không còn ca nào mới.
Nhưng riêng việc lần theo 500 tên người trong danh sách đáng ra phải tìm và kiểm tra nhiệt độ suốt 21 ngày sẽ phải thực hiện ra sao? Đa số những người này sẽ phải đi làm ruộng, số khác có điện thoại nhưng mạng rất chập chờn, số nữa thì ngại phiền hà, hoặc giả họ muốn nói dối và tự uống thuốc …- đó là những vấn đề mà bác sĩ phải đối mặt.
Như mọi đợt bùng phát Ebola trước đó, không ai rõ được người đầu tiên vì sao lại nhiễm bệnh, và làm thế nào mà virus lan khắp khu vực. Những con khỉ hoặc tinh tinh bị nhiễm bệnh, và nhiều lần trước đó được cho là bắt đầu khi mà có ai đó dính phải máu của con vật bị bệnh.
Khi chế biến, nhiệt độ sẽ làm virus chết, vậy rủi ro sẽ không phải là khi ăn thức ăn đã qua chế biến, mà là khi tiếp xúc với thực phẩm sống. Một số loại dơi ăn quả cũng có thể nhiễm Ebola mà không hề hấn gì, nhưng nếu người ăn thịt dơi thì vẫn gặp phải nguy cơ tương tự. Một số nhà nghiên cứu cho rằng người vẫn bị nhiễm virus nếu ăn phải trái cây hoặc thực phẩm chưa nấu chín có nhiễm virus do các con dơi nhiễm bệnh đánh rơi.
Bệnh dịch này tuy không lây nhiễm qua đường hô hấp, nhưng một giọt máu của người nhiễm bệnh có chứa hàng triệu con virus, và cơ thể sẽ giống như một quả bom đầy virus.
Nhóm nghiên cứu đã lần về ca nhiễm bệnh đầu tiên ở Guinea, được cho là từ một em bé 2 tuổi ở Guéckédou. Chưa từng có xét nghiệm nào xác nhận bé trai cùng gia đình nhiễm Ebola, nhưng các triệu chứng của họ lại trùng khớp với các dấu hiệu của bệnh.
Tuy vậy, chưa ai có thể giải thích vì sao một em bé ở tuổi đó lại là người đầu tiên nhiễm bệnh. Một khả năng đề cập có thể là do bé ăn phải hoa quả nhiễm Ebola. Khả năng khác có thể là do bé chạm phải đầu kim có nhiễm bệnh.
Sylvain Baize, một thành viên của nhóm nghiên cứu, nói rằng có thể trước đó đã có một ca nhiễm bệnh khác mà không ai biết.
“Chúng tôi cho rằng ca đầu tiên nhiễm bệnh sau khi đã tiếp xúc với các con dơi. Có thể là vậy, nhưng chúng tôi cũng không chắc” – Baize nói.