"Kẻ giết người vô hình" nguy hiểm hơn Amiăng mọi nhà cần đề phòng

Hoàng Hương |

Khí radon - nguyên nhân thứ hai gây ra ung thư phổi, sau thuốc lá có thể thấm vào nhà từ mặt đất, các vết nứt trên tường hoặc lỗ thông hơi.

Khí Radon là một chất phóng xạ, không mùi, không màu, sinh ra từ sự phân rã phóng xạ của Urani và có ở hầu khắp mọi nơi trong lớp vỏ Trái Đất.

Khi thực hiện nghiên cứu dịch tễ học về sức khỏe của các thợ mỏ vào những năm 1950 và 1960, các nhà khoa học thuộc Trung tâm sức khỏe cộng đồng Mỹ đã phát hiện ra mối liên hệ giữa khí Radon và căn bệnh ung thư phổi.

Phát ra từ mặt đất, khí Radon nhanh chóng hòa lẫn vào bầu khí quyển với nồng độ tương đối vô hại. Nhưng trong một không gian hẹp và không có luồng thông gió như trong các tòa nhà, tầng hầm và các hầm mỏ dưới lòng đất, khí Radon trở nên cực kỳ nguy hiểm.

Trong khi đó, những nghiên cứu được thực hiện vào những năm 1970 và  1980 ở Anh cho thấy, nồng độ khí Radon trong mỗi ngôi nhà và các công trình đạt mức có thể làm những người sống trong đó mắc bệnh ung thư phổi.

Nguy hiểm hơn cả Amiăng?

Mới đây, Chính phủ Anh công bố khoảng 1.100 các ca tử vong do ung thư phổi được xác định nguyên nhân là từ khí Radon. Con số này còn cao hơn là số trường hợp tử vong do ung thư phổi liên quan đến amiăng.

Còn Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ cũng nhận định, khí radon là nguyên nhân lớn thứ hai dẫn đến ung thư phổi và gây nên cái chết của khoảng 20.000 người Mỹ mỗi năm.

Thông thường, nồng độ khí radon trong không khí ngoài trời thấp hơn trong nhà. Các mức radon thường phụ thuộc vào dòng khí lưu thông qua nhà.

Nếu không khí trong nhà không được điều hòa đúng cách, nồng độ khí radon trong nhà có thể đạt đến mức độ nguy hiểm.

Chúng ta nên làm gì?

Tính đến thời điểm này, Việt Nam chưa có một văn bản chính thức nào khuyến cáo mức nồng độ radon an toàn trong mỗi ngôi nhà. Còn Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ khuyến cáo, nồng độ radon trong nhà ở mức can thiệp khi vượt quá 148Bq/m3.

Tuy nhiên, ở Anh, nơi có nồng độ randon trung bình là 21Bq/m3 và ở một số quốc gia châu Âu khác là 55Bq/m3, vẫn có hàng nghìn ca tử vong do ung thư phổi có liên quan đến radon mỗi năm.

Nếu đang lo lắng kẻ giết người vô hình đang rình rập khắp nhà, trước hết, bạn hãy tìm hiểu xem ngôi nhà  của mình có bị ảnh hưởng hay không. Để xác định được hàm lượng radon cần phải có thiết bị chuyên dụng.

Trung tâm Hạt nhân thành phố Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt, Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân Hà Nội là các đơn vị được uỷ quyền trong lĩnh vực này.

Nếu là có, bạn cũng không nên quá hoảng sợ. Hãy tăng cường thông gió cho không gian sống bằng cách mở rộng các ô thông gió, nhằm tạo sự chuyển dịch không khí tự nhiên được dễ dàng hoặc lắp đặt lỗ thoát khí chuyên biệt

Vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là quá ít người hiểu được những rủi ro do khí vô hình này gây ra.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại