Nhiều trẻ sơ sinh đã tử vong vài tuần sau khi sinh vì mắc một loại virus lây qua đường tiếp xúc, những nụ hôn của người lớn.
Virus này ở người lớn không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng ở trẻ sơ sinh sức đề kháng còn yếu nó có thể dẫn đến suy đa phủ tạng, tử vong.
Tử vong vì nụ hôn
Y học thế giới đã ghi nhận nhiều trường hợp trẻ tử vong sau nụ hôn của cha mẹ và các bác sĩ chuyên khoa nhi cũng cảnh báo những nguy hiểm khôn lường có thể xảy ra từ nụ hôn của bé. Năm 2014, một em bé ở nước Anh đã tử vong vì bị người đến thăm hôn.
Em bé Eloise Lampton chào đời khoẻ mạnh ngày 1/11/2014 bằng phương pháp sinh mổ tại Bệnh viện Mackay ở phía Bắc Queensland (Anh).
Vậy nhưng chỉ kịp tồn tại 24 ngày ngắn ngủi, em đã đột ngột tử vong sau khi vô tình bị nhiễm virus Herpes Simplex từ một nụ hôn của ai đó bị loét miệng.
Eloise đã được cứu chữa tận tình nhưng vì não và nội tạng gần như đã ngừng hoạt động, các bác sỹ đành phải rút ống thở của em bé dũng cảm.
Cái chết của Eloise là một cú sốc lớn không chỉ với gia đình mà còn với tất cả các bà mẹ Anh Quốc và rất nhiều bà mẹ trẻ khác.
Bác sỹ Lương Quốc Chính, Bệnh viện Bạch Mai kiêm quản trị diễn đàn Bác sĩ nội trú cho biết: Virus herpes simplex, còn được gọi là HSV, là một bệnh nhiễm trùng gây ra bệnh herpes.
Herpes có thể xuất hiện ở các bộ phận khác nhau của cơ thể, thường gặp nhất trên bộ phận sinh dục hay miệng. Virus Herpes simplex có hai loại HSV-1 và HSV 2 trong đó chủng HSV - 1 rất nguy hiểm có thể gây ra các bệnh viêm màng não.
HSV - 1 còn là thủ phạm gây ra chứng lở miệng, mụn rộp ở miệng. Mụn rộp ở miệng có thể không ảnh hưởng đến người lớn nhưng lại vô cùng nguy hiểm ở trẻ nhỏ. Trong khi đó không phải ai mang vi rút này cũng có triệu chứng mụn rộp.
Triệu chứng chính là: tình trạng ngứa, bỏng rát và mụn nhọt tại khu vực quanh miệng xuất hiện vài ba ngày sau nụ hôn. Bệnh này cũng chưa có vaccin phòng chống.
Theo thống kể có khoảng 90% viêm não HSV ở người lớn và trẻ em là do HSV-1. Viêm não do HSV gặp ở bất kì tuổi nào, tuy nhiên đỉnh cao là dưới 20 tuổi và trên 50 tuổi.
Nhóm viêm não do HSV trẻ tuổi thường tương ứng với nhiễm trùng tiên phát, trong khi phản ứng tái hoạt hóa HSV tiềm ẩn thường xảy ra ở nhóm bệnh nhân lớn tuổi.
Viêm não do HSV rất nguy hiểm có tỉ lệ tử vong rất cao, khoảng 70% nếu không được điều trị.
Trường hợp điều trị kịp thời thì tỉ lệ tử vong khoảng 19% và hơn 50% số trường hợp sống sót có sự thiếu sót thần kinh mức độ vừa đến nặng, tỉ lệ phục hồi hoàn toàn sau viêm não không quá 3%.
Triệu chứng lâm sàng đặc trưng với khởi đầu là sốt, nhức đầu, co giật, suy giảm nhận thức. Virus này gây bệnh viêm não với tỉ lệ tử vong đáng kể. Ở trẻ sơ sinh, viêm não herpes có thể được gây ra bởi hoặc HSV-1 hoặc HSV-2.
Nhiều bệnh lây nhiễm khác
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thường - Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn hầu như ai cũng có thói quen âu yếm và hôn hít trẻ. Nhất là với trẻ sơ sinh mọi người thường có thói quen thể hiện tình cảm bằng hôn các em thậm chí hôn vào miệng các cháu.
Việc âu yếm, thể hiện tình yêu thương với con trẻ là việc làm cần thiết, nếu không trẻ sẽ không có sự gần gũi với cha mẹ và có thể ảnh hưởng tới tâm lý trong quá trình phát triển của trẻ. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần biết các yếu tố nguy cơ có thể gây hại cho trẻ.
Bác sĩ Thường khuyến cáo không chỉ có virus Herpes Simplex đe dọa bởi những nụ hôn mà còn tất cả các loại bệnh lây truyền đều có khả năng lây từ người lớn sang trẻ con, nhất là các bệnh cúm, sởi, thủy đậu, quai bị, chân tay miệng, sốt xuất huyết…
Trẻ nhỏ đặc biệt là trẻ sơ sinh hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện nên dễ mắc bệnh và khi mắc bệnh thì biểu hiện bệnh nặng hơn người lớn.
Vì vậy, khi mắc phải những bệnh trên bạn cần hạn chế việc âu yếm, gần gũi với trẻ để tránh lây bệnh cho trẻ nhất là người ngoài.
Nếu cha mẹ các cháu đã từng mắc các bệnh truyền nhiễm, hoa liễu càng hạn chế hôn hít con vì rất nhiều bệnh ẩn vào trong máu không có biểu hiện nhưng lại lây qua vết thương hở, có tiếp xúc.
Khi trẻ có biểu hiện sốt, co giật cần đưa con đến bác sĩ ngay bởi bệnh của trẻ nhỏ khác người lớn, bệnh biến biến rất nhanh có thể gây tử vong bất cứ lúc nào.