Cứu người bị rắn cắn bằng "ngọc rắn"

HOÀNG TIẾN SỸ |

Gần 30 năm nay, ông Hồ Văn Cận, ở bản Ba De, xã Linh Thượng , huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã cứu sống hàng chục người chẳng may bị các loài rắn cắn.

Dụng cụ chữa rắn cắn là viên đá màu đen mà ông bảo rằng đó là viên “ngọc rắn” cùng nhiều loại lá mà ông phải đích thân lặn lội cả tuần trong rừng mới kiếm được.

“Chú hỏi ông Cận cả bản Ba De không ai biết đâu. Tên Cận là tên trong giấy khai sinh thôi còn tên mà dân bản thường gọi là "thầy Thăng chữa rắn cắn". Dân bản Ba De nhiều người bị rắn cắn nếu không có thầy Thăng cứu chữa kịp thời thì khó mà thoát chết. Thầy có viên “ngọc rắn” linh nghiệm lắm”- bà cụ bán tạp hóa đầu bản đã cho tôi biết như vậy khi tôi loanh quanh hỏi đường vào nhà ông Cận.

Thấy khách đường đột tới thăm, ông Cận vồn vã hỏi han xởi lởi rồi chậm rãi kể : “Bí quyết cứu giúp những người bị rắn cắn thoát chết do anh trai tôi (đã mất) truyền lại cho tôi. Tôi chỉ là người thừa kế phương thuốc và viên “ngọc rắn”. Chung quanh viên “ngọc rắn” này cũng có nhiều chuyện hoang đường mà người dân trong bản Ba De thường rỉ tai nhau.

Họ bảo anh tôi lấy được viên “ngọc rắn” từ con rắn lớn như cột nhà đã sống hàng trăm năm trong hang động mãi tận rừng bên Lào. Hồi anh tôi còn sống, nhiều lần tôi tò mò hỏi anh thì anh bảo “ngọc rắn” thì có, còn chuyện bắt được rắn rồi lấy “ngọc rắn” chỉ là dân bản thêu dệt thêm. Viên “ngọc rắn” mà anh tôi có được là do người bạn tặng. Với riêng tôi chỉ biết rằng khoảng đầu năm 1980, anh tôi lâm bệnh nặng đã thều thào gọi tôi đến bên giường rồi lấy từ ngực áo ra gói giấy bảo tôi cầm lấy sau này rủi có bị rắn cắn thì tự cứu lấy tính mạng của mình.

Tôi mở ra xem thì thấy viên đá màu đen to bằng ngón chân cái. Anh tôi nói đó là viên “ngọc rắn” có thể mài để uống hoặc chườm lên vết rắn cắn sau đó đắp vết thương bằng các loại lá rừng có công dụng chữa rắn cắn. Phải hai năm sau ngày anh tôi mất, tôi mới tự tay cứu chữa ca bị rắn cắn đầu tiên. Đó là trường hợp một chị ở trong bản ra đồi chăn trâu vô tình dẫm lên con rắn hổ phì bị nó đớp vào chân phải. Người nhà nghe tiếng chị kêu cứu lên đồi cõng chị về thì chị đã bắt đầu có dấu hiệu tê cứng lưỡi, quai hàm…

Biết chuyện, tôi vội đến nói với người nhà nạn nhân là để tôi cứu chữa cho chị chứ mang chị đi bệnh viện vào lúc đó, chắc không kịp và chỉ có chết. Nói thì nói vậy, chứ lúc đó tôi vừa làm vừa run...Cố trấn tĩnh, tôi lấy viên “ngọc rắn” liên tục chườm lên vết thương của chị sau đó đắp thuốc lên vết thương. Cứ chườm rồi đắp lá liên tục chín ngày, chín đêm thì chị ấy mới thoát chết đó. Từ đó, người dân bản Ba De rồi nhiều thôn, bản khác cứ bị rắn cắn là tìm đến tôi nhờ cứu giúp”.

Như để chứng minh, ông vào buồng mang ra viên đá rồi nhẹ nhàng đặt xuống mảnh giấy trắng được trải trên mặt chiếu cói. Ông cho biết: “Người mới bị rắn cắn mà biết buộc ga rô vết thương lại thì khi mang đến, tôi chỉ cần chườm viên “ngọc rắn” này lên mấy lần sau đó đắp lá kín vết thương là có thể về nhà. Còn người nào bị rắn cắn mà nọc độc của rắn nhất là nọc độc các loại rắn như cạp nong, cạp nia, hổ mang, rắn ráo, hồ phì…đã đi vào máu thì phải chườm “ngọc rắn” kết hợp đắp lá liên tục mới rút hết nọc độc trong người. Từ ngày cứu chữa ca bị rắn cắn đầu tiên đến nay, tôi đã chữa cho hàng chục người, hàng trăm con trâu, bò bị rắn cắn bằng viên “ngọc rắn” này”.

Trong nhiều ca bị rắn độc cắn do chính tay ông cứu chữa, ông chỉ nhớ tên của một vài người. Đó là trường hợp anh Toản, ở Gio Sơn, huyện Gio Linh đi rừng bị rắn hổ mang bành tấn công, đã tím tái hết người. Giống hổ mang cắn không ra máu, chỉ hơi nhoi nhói như cái gai cây xấu hổ đâm nên khó phát hiện; nạn nhân không uống rượu, không ngâm bùn thì phải 6-7 giờ sau mới phát. Người nhà mang anh Toản đến khi nọc độc bắt đầu ngấm vào máu. Lập tức, ông Cận dùng viên “ngọc rắn” chườm lên vết thương rồi tức tốc vào rừng tìm lá về đắp vết thương.

Rồi trường hợp anh Minh, ở xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Linh bị rắn hổ phì cắn khi đang làm ruộng. Về đến nhà, anh Minh nằm vật ra rồi lịm dần. Người nhà hỏi, anh mới khó nhọc cho biết là bị rắn cắn, bèn tức tốc chạy xe máy lên mời ông về chữa bệnh. Cũng bằng cách chữa nói trên, anh Minh thoát chết.

Ông Cận cảnh báo: “Nguy hiểm nhất trong các loài rắn độc là rắn cạp nia. Giống cạp nia cắn không thấy đau nên nạn nhân thường chủ quan vì nọc độc của nó 5-6 tiếng sau mới phát. Đàn ông bị cạp nia đớp mà lại làm thêm vài chén rượu vào thì nọc độc ngấm vào máu nhanh lắm. Nhiều người bị cạp nia cắn khi đã phát là đau cứng họng, tê lưỡi... dần dần đồng tử mắt dãn ra...là chết. Do đó khi bị rắn cắn phải sớm đưa đi cấp cứu”.

Khi tôi hỏi ông chuyện tiền nong mỗi lần chữa bệnh cho người bị rắn độc cắn, ông cười rồi nói: "Người ta nhờ đến mình thì mình cứu chữa tôi. Khỏi bệnh, có người thì biếu chai rượu, có gia đình khá giả thì đặt lên bàn thờ tổ tiên năm chục, một trăm. Người bệnh cần cấp cứu, nếu mình lơ đễnh một chút thì thất thiệt tính mạng, sẽ phải ân hận suốt đời. Tôi chưa bao giờ đòi hỏi bất cứ thứ gì của gia đình nạn nhân. Cứu người là làm phúc cho con cháu. Còn sống ngày nào, tôi còn tiếp tục làm công việc này để tích đức cho con, cháu" - ông Hồ Văn Cận tâm sự với tôi như vậy.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại