Củ ấu: Bệnh gì tuyệt đối không ăn?

Cần lưu ý, tuy củ ấu là vị thuốc, ăn ngon, nhưng ăn nhiều sẽ gây trệ khí, do đó những người có u cục ở ngực bụng, không dùng.

Củ ấu còn gọi là ấu trụi, ấu nước, kỵ thực, hạt dẻ nước, năng thực (Trung Quốc). Tên Hán là thủy lật ký thực, lăng giác sa giác, vì quả gần hình cầu có gai.

Theo sách Trung Quốc, vùng Giang Nam có ấu đặc sản tên thủy hồng là loại ngon bổ nhất trong họ nhà ấu, lúc mới thu hoạch ngọt như ngó sen, giòn như lê. Tên khoa học: Trapa bicornis L- Hydrocaryaceae, họ củ ấu Trapaceae.

Là loại cây sống dưới nước, loại thực vật thủy sinh, mọc trong ao đầm thân ngắn, có lông. Có hai thứ lá: Lá nổi có phao ở cuống, hình quả trám, mép trên có răng cưa, dài 4 – 5cm, rộng 6 – 7cm, cuống dài 6 – 15cm, giữa có phao; lá chìm thì phiến lá giảm, phiến xẻ lông chim nhưng rất nhỏ nên trông chỉ còn có các đường gân.

Quả thường gọi là “củ” có hai sừng, quả cao 35mm, rộng 5cm, sừng dài 2cm, đầu sừng hình mũi tên, sừng do các lá đài phát triển thành. Trong quả chứa một hạt ăn được, có vị ngọt mát, bùi, giàu dinh dưỡng. Củ ấu có 4 loại là ấu đỏ, ấu 2 sừng, ấu 3 sừng và ấu 4 sừng...

Củ ấu: Bệnh gì tuyệt đối không ăn? 1

Công dụng và liều dùng:

Củ ấu chủ yếu được nhân dân dùng luộc ăn hoặc chế biến thành bột trộn với mật hay đường làm bánh. Quả sao cháy dùng chữa nhức đầu, choáng váng và cảm sốt. Ngày dùng 3-4 quả dưới dạng thuốc sắc.

Vỏ quả sao cho thơm, sắc uống chữa sốt chữa mệt nhọc khi bị sốt rét, còn dùng chữa loét dạ dày, loét cổ tử cung.

Toàn cây chữa trẻ con sài đầu, giải độc rượu, làm cho sáng mắt. Ngày dùng từ 10 – 16g dưới dạng thuốc sắc.

Dùng ngoài không kể liều lượng. Cần lưu ý, tuy củ ấu là vị thuốc, ăn ngon, nhưng ăn nhiều sẽ gây trệ khí, do đó những người có u cục ở ngực bụng, không dùng.

Dưới đây là một số cách trị bệnh từ cây, củ ấu:

Củ ấu: Bệnh gì tuyệt đối không ăn? 2

* Chữa nhức đầu, choáng váng, cảm sốt: Lấy 3 – 4 củ ấu sao cháy, sắc uống, ngày 1 thang (Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam)

* Sốt, sốt rét, loét dạ dày: Vỏ củ ấu sao thơm, sắc uống (Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam).

* Giải độc rượu, làm cho sáng mắt, chữa sài đầu trẻ: Lấy 10-16g toàn cây, sắc uống (Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam).

* Rôm sảy, da khô sạm: Dùng củ ấu tươi, giã nát, xoa lên da (Chữa bệnh bằng cây lá).

* Viêm loét dạ dày: Thịt củ ấu 30g, củ mài 15g, Hồng táo 15g, Bạch cập 10g, gạo nếp 100g, nấu cháo, cho thêm 20g mật ong, trộn đều ăn (Sách Trung Quốc: Những bài thuốc trị bệnh bằng trái cây).

* Hư nhược phiền khát: Thịt củ ấu tươi 50g, Địa cốt bì 15g, Câu kỷ tử 6g, Hoàng cầm 6g, Cam thảo chế 6g, sắc uống (Sách Trung Quốc: Những bài thuốc trị bệnh bằng trái cây).

* Trị say rượu: Thịt củ ấu tươi 250g, nhai nuốt (Sách Trung Quốc: Những bài thuốc trị bệnh bằng trái cây).

* Trị tỳ vị hư nhược: Thịt củ ấu 50g, Bạch truật 15g, Hồng táo 15g, Sơn tra 10g, Sơn dược 15g, màng mề gà 6g, cam thảo chế 3g, sắc uống (Sách Trung Quốc: Những bài thuốc trị bệnh bằng trái cây).

* Trị đại tiện ra máu: Vỏ củ ấu 60g, Địa du 15g, Tiêu sơn căn 6g, ô mai 10g, cam thảo chế 6g, sắc uống (Sách Trung Quốc: Những bài thuốc trị bệnh bằng trái cây).

* Trị bệnh trĩ, nhọt nước: Vỏ củ ấu sấy khô, đốt tồn tính, tán thành bột, trộn đều với dầu vừng, bôi hoặc đắp.

BS HOÀNG XUÂN ĐẠI

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại