Có nguy hiểm khi ăn thit lợn bị tiêm thuốc an thần?

Các trang báo điện tử có dẫn lời một số chuyên gia cho biết nếu thuốc an thần tồn dư trong thịt lợn tích tụ lâu dần trong cơ thể người dùng có thể dẫn tới một số bệnh như hại gan thận, trẻ đần độn, quấy khóc… khiến dư luận hết sức hoang mang, xuất hiện tâm lý tẩy chay loại thực phẩm quen thuộc này

Phản ứng mạnh từ thị trường phía Bắc

Các trang báo điện tử có dẫn lời một số chuyên gia cho biết nếu thuốc an thần tồn dư trong thịt lợn tích tụ lâu dần trong cơ thể người dùng có thể dẫn tới một số bệnh như hại gan thận, trẻ đần độn, quấy khóc… khiến dư luận hết sức hoang mang, xuất hiện tâm lý tẩy chay loại thực phẩm quen thuộc này.

Chị Lê Thùy Lan (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Khi nghe thông tin lợn bị tiêm thuốc an thần tôi hoảng quá, nhà đang có con nhỏ, cho con ăn vào rồi con ốm đau, quấy khóc thì chết, còn nghe nói chất này còn làm cho trẻ đần độn đi nữa, thế này thì chả bằng hại con. Từ nay hạn chế tối đa, tuần chỉ ăn một bữa thịt lợn thôi”.

Cùng hoàn cảnh với chị Lan, anh Nguyễn Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) thường được vợ giao cho nhiệm vụ đi chợ, anh không biết nhiều loại thực phẩm nên chỉ có món dễ nhất là thịt lợn ngày nào anh cũng cho cả nhà thưởng thức. Tuy nhiên lâu nay hết thông tin lợn siêu nạc, nay lại lợn bị tiêm thuốc an thần nên vợ anh quán triệt: tuần ăn thịt lợn 1 lần khiến anh rất khổ sở mỗi lần đi chợ. Tuy nhiên vì nghĩ đến sức khỏe cả nhà nên anh cũng đành chấp nhận khó khăn.

Tác hại của thuốc an thần Prozil:

- Gây rối loạn tiêu hóa

- Ảnh hưởng đến tim mạch, thay đổi huyết áp, nhức đầu, chóng mặt.

- Có khả năng gây ung thư xương nếu dư lượng thuốc tích trữ trong cơ thể nhiều và lâu ngày.

- Tác hại dến thần kinh gây ra các hội chứng đãng trí, trầm uất và run tay chân.

Cô Bùi Thị Hiền (Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) cũng là trường hợp điển hình tẩy chay món thịt lợn. Cô có cậu con trai kén ăn, thường chỉ thích các món thịt trong đó thịt lợn là món “cuồng”. Tuy nhiên gần đây có quá nhiều thông tin về thịt lợn khiến cô e ngại, dần dần cắt giảm bớt thịt lợn trong khẩu phần ăn của con. Lần này nghe tin lợn bị tiêm thuốc an thần nữa thì cô quyết định “cạch” món ăn phổ thông này.

“Bình thường cô cũng chỉ chọn mua thịt lợn ở những hàng quen, họ chở từ quê ra. Người bán luôn khẳng định là thịt lợn sạch, nhưng cũng chỉ tin được một mức độ nào đó thôi. Người ta mổ lợn thì cũng phải đi mua từ các trang trại lợn về, làm sao biết ở đó họ cho ăn những gì. Nghe nói hầu hết lợn trước khi vận chuyển đều được tiêm thuốc an thần, ăn vào sẽ hại gan hại thận, gây đãng trí, hại xương…Thôi thì từ nay cố ép con ăn những món khác chứ cứ cho ăn nhiều thịt lợn thì sợ lắm” - Cô Hiền chia sẻ.

Quan sát tại chợ cầu Lủ chúng tôi thấy các sạp hàng thịt lợn người mua khá thưa thớt. Tới gần trưa mà nhiều sạp hàng vẫn còn đầy ắp. Chị Nguyễn Thy, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ này cho biết: “Thời gian gần đây thịt lợn bán chậm lắm, trước sạp hàng của chị vào giờ này đã bán gần hết nhưng bây giờ ít người mua, hàng vẫn còn đầy ra đấy”.

Chị Phạm Thị Liên, tiểu thương tại chợ Phùng Khoang cũng lắc đầu: “Bây giờ cái gì cũng độc, không ăn thì chắc phải kiêng hết, hoặc về quê kết hợp mô hình vườn – ao – chuồng. Báo chí cứ đưa tin chất độc này chất độc kia khiến khách hàng lúc nào cũng e ngại. Cả con lợn của tôi vẫn chưa bán được bao nhiêu đây này”.

Khi các cơ quan chức năng ậm ừ

Trước tâm lý hoang mang của người tiêu dùng, PGS.TS Bùi Thị Tho (Trường ĐH Nông nghiệp I) khẳng định, loại thịt lợn đã từng bị tiêm thuốc an thần này không gây nguy hiểm.

PGS.TS Bùi Thị Tho cho biết, lợn khi xuất chuồng, vận chuyển tới các lò giết mổ thường rất hoảng loạn, chạy lồng lộn, gây khó khăn cho công tác vận chuyển. Vì vậy người ta thường tiêm thuốc an thần vào bắp chân lợn để chúng ngoan hơn, không gây rối loạn. Theo quy trình thì khi lợn sau khi xuất chuồng phải để một, hai ngày mới đem đi giết mổ, thời gian này đủ để thuốc an thần tiêm trước đó được đào thải ra ngoài qua đường tiêu hóa. Vì vậy, sau khi giết mổ, thịt lợn không còn tồn dư thuốc an thần này nên thịt lợn này là an toàn, con người có thể sử dụng được.

Vì vậy, PGS.TS Bùi Thị Tho khẳng định, khi vận chuyển người ta hoàn toàn có thể sử dụng loại thuốc an thần này cho lợn mà không ảnh hưởng tới chất lượng thịt lợn và gây hại cho người sử dụng.

Hiện nay nhu cầu tiêu thụ thịt lợn ở Việt Nam vẫn là cao nhất so với các loại thịt khác. Trong tổng số 4 triệu tấn thịt tiêu thụ hằng năm ở Việt Nam đã có tới 3 triệu tấn là thịt lợn. Dù người tiêu dùng có vì sợ mà tẩy chay thịt lợn như hiện nay thì tình cảnh đó cũng khó kéo dài. Thiết nghĩ, với những vấn đề mang tính thời sự nóng như thế này, câu trả lời thẳng thắn và nhanh chóng từ các cấp quản lý sẽ là điểm tựa để người tiêu dùng thoát khỏi cảnh hoang mang không đáng có.

 

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại