Trước đây, nhiều chuyên gia y tế châu Á, đặc biệt là chuyên gia y tế Hồng Kông và Trung Quốc không quá lo ngại đến đại dịch Ebola vì họ cho rằng với trang bị hàng trăm phòng bệnh hiện đại sau đại dịch SARS năm 2003, vi rút Ebola khó có thể lây nhiễm đến các khu vực này. Tuy nhiên, sự tin của các chuyên gia y tế bắt đầu lung lay cách đây hai tuần khi hai y tá ở Dallas (Mỹ) và một y tá ở Mandrid (Tây Ban Nha) bị lây nhiễm Ebola khi tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Ebola ở Tây phi. Hiện nay, chính phủ các nước châu Á hết sức lo lắng các thành phố lớn của châu Á đang đối mặt với nguy cơ bị lây nhiễm Ebola bởi vì vẫn có nhiều người từ vùng dịch ở châu Phi đến châu Á. Louis Shih, Chủ tịch của Hiệp hội Y khoa Hong Kong nói: "Những gì diễn ra ở Mỹ khiến chúng ta lo lắng".
Theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, qua phân tích dữ liệu các chuyến bay từ ngày 01/9/2014 đến ngày 31/12/2014 và số liệu chuyến bay năm 2013, có điểm xuất phát từ 3 nước bị ảnh hưởng dịch Ebola nặng nhất là Guinea, Liberia và Sierra Leone, kết quả cho thấy 6 trên 9 điểm đến dự kiến của hành khách là châu Phi, điểm đến tiếp theo sẽ là Đức, Pháp và Bỉ. Nhưng điểm đến thứ 10 và thứ 13 của hành khách từ vùng dịch Ebola lần lượt là hai nước châu Á: Trung Quốc và Ấn Độ. Một nước ở tây Phi là Mali cũng đã ghi nhận một bệnh nhân Ebola chết tuần qua là điểm đến thứ 11 và Mỹ là điểm đến thứ 12. Ngoài Ấn Độ và Trung Quốc, không có nước châu Á nào trong danh sách 20 điểm đến của hàng khách từ vùng dịch Ebola. Đến nay, châu Á chưa ghi nhận bất trường hợp nào bị lây nhiễm Ebola.
Tuy nhiên, các nhà chức trách Ấn Độ và Trung Quốc đang chuẩn bị cơ sở y tế để sẵn sàng đối phó với nguy cơ lây nhiễm dịch Ebola.Tại Ấn Độ, ngày 16/10/2014, các quan chức cao cấp đứng đầu các ngành y tế, hàng không và vận tải biển đã tổ chức một cuộc họp để lên kế hoạch phối hợp đối phó với đại dịch Ebola. Ở Trung Quốc, Ủy ban Sức khỏe và Kế hoạch hóa Gia đình đã kêu gọi các cơ sở y tế trên toàn quốc nâng cấp các biện pháp chống lây nhiễm dịch bệnh. Hiệu trưởng Trường Y thuộc trường Đại học Hồng Kông, tiến sỹ Malik Peiris lo ngại nói rằng điều đầu tiên xuất hiện trong đầu của mọi người hiện nay là Ebola. Tiến sỹ Peiris đưa ra tuyên bố trên sau cuộc họp với các quan chức y tế của Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh Trung Quốc tuần qua. Tiến sỹ Peiris được biết đến là người tiên phong trong cuộc chiến chống dịch SARS năm 2003.
Chôn cất nạn nhân Ebola ở Liberia (Ảnh: BBC)
Các chuyến bay và hoạt động thương mại giữa châu Á và khu vực tây Phi cho thấy năm thành phố trong tuyến đầu ngăn chặn sự lây lan Ebola sang châu Á là Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Hồng Kông của Trung Quốc và thành phố Mumbai ở Ấn Độ. Trung Quốc và Hồng Kông đã có kinh nghiệm trong phòng chống các đại dịch lớn như dịch SARS năm 2003 và dịch cúm. Ngoài ra, Hồng Kông, Quảng Châu, Thượng Hải và Bắc Kinh cũng đã đầu tư nâng cấp trang thiết bị y tế hiện đại kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh. Sau đại dịch SARS năm 2003, Hồng Kông đã đầu tư trang bị hơn 1400 gường bệnh hiện đại phục vụ chống các đại dịch và trang thiết bị này vẫn còn mới. Các phòng bệnh được bố trí hai giường bệnh, thông với một phòng phụ dùng để thải các thiết bị và quần áo bảo hộ, rất phù hợp để đối phó với Ebola.
Trong khi các chuyên gia y tế ở Tây Ban Nha lên tiếng chỉ trích một quyết định của chính phủ nước này cho phép một công nhân Tây Ban Nha bị nhiễm Ebola trở về điều trị tại thành phố Mandrid, các bác sỹ và y tá Hồng Kông sẽ không phản đối nếu người dân Hông Kông cần trở về Hông Kông từ châu Phi để nhận được sự triều trị tốt nhất. Nhiều chuyên gia chống lây nhiễm dịch bệnh cho rằng các bệnh viện của Mỹ đã huấn luyện nhân viên không đúng cách trong điều trị bệnh nhân Ebola vì họ đang làm theo những hướng dẫn của liên bang vốn lỏng lẻo.
Tuy nhiên, Quảng Châu, một trung tâm thương mại lớn của Trung Quốc, đang trở thành mối lo ngại đặc biệt bị lây nhiễm Ebola bởi vì nơi đây sẽ diễn ra một cuộc triễn lãm thương mại lớn nhất thế giới với khoảng 200.000 du khách quốc tế sẽ tham dự, trong đó khỏng 10% lượng khách đến từ châu Phi.
Hầu hết các thành phố lớn của Trung Quốc đều được trang bị các bệnh viện hiện đại. Du khách đến từ châu Phi phần lớn nghỉ tại các thành phố này, nhưng hàng chục ngàn lao động Trung Quốc ở châu Phi sẽ trở về thăm quê hương trong dịp nghỉ Tết Nguyên Đán. Số lao động này chủ yếu trở về vùng nông thôn, nơi các trung tâm ý tế còn khá lạc hậu.
Trong khi đó, nếu dịch Ebola lây lan sang Ấn Độ, nó sẽ gây ra một đại dịch khó có thể kiểm soát. Số liệu phân tích chuyến bay từ châu Phi cho thấy Ấn Độ có nguy cơ lây nhiễm Ebola thấp hơn Trung Quốc. Tuy nhiên, sự lây nhiễm Ebola ở bất kỳ nơi nào ở châu Á sẽ trở thành một thảm họa nhân đạo. Các ca lây nhiễm Ebola có thể làm đình trệ hoạt động thương mại. Trong bài phát biểu ngày 20/10 vừa qua tại Hồng Kông, chuyên gia kinh tế Ben Simfendorfer cảnh bảo rằng châu Á đặc biệt đối mặt với nguy cơ lây nhiễm dịch Ebola bởi vì châu Á, đặc biệt là Trung Quốc có một số lượng lớn lao động đang làm việc ở nước ngoài sẽ trở về nhà trong kỳ nghỉ cuối năm. "Khu vực này đặc biệt dễ bị dịch, vì số lượng người đến và đi tại đây quá lớn" - ông nói.
Theo The New York Times