Cảnh giác các thuốc gây tăng đường huyết

DS. Minh Trung |

Việc sử dụng một số nhóm thuốc chữa bệnh có thể gặp tác dụng phụ làm giảm tiết insulin của tuyến tụy hoặc làm tăng đề kháng insulin, đều gây tăng đường huyết...

Việc sử dụng một số nhóm thuốc chữa bệnh có thể gặp tác dụng phụ làm giảm tiết insulin của tuyến tụy hoặc làm tăng đề kháng insulin, đều gây tăng đường huyết...

Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe của người bình thường và đặc biệt nguy hiểm với người bệnh đái tháo đường.

Các nhóm thuốc làm tăng đường huyết được cảnh báo gồm:

Thuốc điều trị tăng huyết áp

Các thuốc lợi tiểu như furosemide, bumetanide, acetazolamide, indapamide, hydeochlorothiazid, chlorothiazi điều trị tăng huyết áp, suy tim, có thể gây tăng đường huyết do trực tiếp làm giảm tiết insulin ở tụy và làm tăng đề kháng insulin.

Hầu hết các thuốc lợi tiểu này gây thải nhiều kali, làm hạ kali máu là yếu tố làm giảm tiết insulin của tuyến tụy.

Đặc biệt, diazoxide có tác dụng hạ huyết áp mạnh và cũng gây tăng đường huyết mạnh do tác dụng ức chế sản xuất insulin ở tuyến tụy.

Một số thuốc gây tăng đường huyết đặc biệt nguy hiểm với người bệnh đái tháo đường, vì vậy cần khám và kiểm tra đường huyết thường xuyên. Ảnh: Trần Minh

Các thuốc chẹn beta như propanolol và metoprolol dùng điều trị tăng huyết áp, suy tim, nhịp tim nhanh cũng gây tăng đường huyết nhẹ do làm tăng tạo glucose và giảm tiết insulin của tuyến tụy.

Thuốc chống viêm

Nhóm thuốc chống viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch (như các chế phẩm của corticoid: prednisolon, methylprednisolon, dexamethason…) được dùng điều trị nhiều bệnh liên quan đến phản ứng viêm (như viêm khớp hay dị ứng).

Các thuốc này không trực tiếp làm tăng đường huyết nhưng gián tiếp ảnh hưởng lên sự bài tiết insulin nên cũng làm đường huyết tăng.

Dạng thuốc tiêm hấp thu vào máu nhanh hơn nên cũng gây hạ đường huyết nhanh hơn dạng thuốc uống.

Glucocorticoid được sử dụng trong điều trị viêm khớp, hen phế quản, dị ứng... Dù được sử dụng theo đường uống hay tiêm truyền tĩnh mạch, tiêm tại khớp... thì thuốc này đều có thể làm tăng cao đường huyết.

Nguyên nhân là do glucocorticoid không những làm tăng tổng hợp glucose mà còn làm tăng đề kháng insulin.

Thuốc nội tiết

Levothyroxin, levothyrox, L-thyroxin... được dùng để điều trị cho những người bị suy giáp trạng. Những bệnh nhân được điều trị L-thyroxin liều cao sẽ gặp phải tình trạng tăng đường huyết do thuốc làm tăng đề kháng dẫn đến làm giảm tác dụng của insulin.

Tuy nhiên, việc tăng đường huyết chỉ xảy ra khi dùng với liều cao, còn nếu dùng liều thấp và trung bình thì không xảy ra các tác dụng bất lợi này.

Thuốc tránh thai estrogen, progesteron có khả năng gây tăng đường huyết do làm tăng đề kháng với insulin ở các mô. Đặc biệt, những phụ nữ thừa cân, béo phì hoặc có tiền sử bị tiểu đường thai kỳ cần lưu ý đặc biệt khi sử dụng thuốc này.

Thuốc an thần

Thuốc an thần như: olanzapine, quetiapine, risperidone… làm giảm tiết insulin, là nguyên nhân tăng đường huyết. Bệnh nhân đái tháo đường cao tuổi phải dùng đến thuốc an thần có nguy cơ tăng đường huyết, đặc biệt trong 2 tuần lễ đầu.

Tỷ lệ tăng đường huyết ở những bệnh nhân này là 50%, gây khó khăn trong điều trị hạ đường huyết.

Phenobarbital (dùng an thần, gây ngủ) làm tăng chuyển hoá thuốc sulfonylure qua gan, làm tăng thải trừ chúng ra khỏi cơ thể, do đó làm giảm tác dụng hạ đường huyết của thuốc

Thuốc trị hen

Thuốc chủ vận beta 2 (salbutamol, terbutalin, ridodrin) kích thích tiết isulin đáng lẽ làm giảm đường huyết nhưng vì lại làm tăng tạo ra glucose ở gan nhiều hơn, hậu quả là làm tăng đường huyết.

Epinephrin, dopamin, thyophylin cũng gây tăng đường huyết theo cơ chế tương tự.

Các thuốc khác

Các thuốc chứa đường với hàm lượng cao như siro ho, dung dịch tiêm truyền glucose… gây tăng đường huyết nhiều. Các thuốc chứa đường với hàm lượng thấp (như viên bao đường) không gây tăng đường huyết đáng kể ở liều điều trị.

Ngoài ra, thuốc cyclophosphamid (dùng trong các bệnh khớp, ung thư), các thuốc chống viêm không steroid (dùng trong viêm khớp dạng thấp, gút), nicotin (trong khói thuốc lá), caffein (trong cà phê) đều làm tăng đường huyết ở mức nhẹ.

Phenytoin (dùng chống động kinh, cũng dùng điều trị biến chứng thần kinh do bệnh đái tháo đường) có thể gây tăng đường huyết nhiều do ức chế giải phóng insulin từ tụy.

Niacin (dùng điều trị rối loạn mỡ máu) có thể gây tăng đường huyết do làm tăng đề kháng insulin, tuy nhiên, mức gây tăng đường huyết nhẹ.

Người đái tháo đường vẫn có thể dùng thuốc này trong điều trị rối loạn mỡ máu nhưng cần theo dõi liều cẩn thận, nếu gây tăng đường huyết nhiều có thể ngừng thuốc và thay thế bằng thuốc khác.

Nên kiểm tra đường huyết để phát hiện những bất thường đường huyết khi dùng thuốc

Nên kiểm tra đường huyết để phát hiện những bất thường đường huyết khi dùng thuốc

Người bệnh cần lưu ý

Phần lớn các thuốc trên chỉ gây tăng đường huyết tạm thời. Với người có đường huyết bình thường, đường huyết sẽ ổn định trở lại sau khi ngừng dùng thuốc.

Nhưng những thuốc đó cũng có thể làm tăng đường huyết nhiều cho người bệnh đái tháo đường khi phải dùng để chữa các bệnh kèm theo.

Những loại thuốc trên có thể làm giảm hiệu lực kiểm soát đường huyết của thuốc trị đái tháo đường nhưng vẫn là thuốc điều trị chủ lực trong các bệnh liên quan.

Ở người có đường huyết bình thường, dùng corticoid kéo dài được xem như một yếu tố thuận lợi làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường.

Khi gặp tác dụng bất lợi tăng đường huyết do dùng thuốc, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ ngay để có phương hướng khắc phục.

>> Mẹo nhỏ giúp trong nhà không có một bóng muỗi

Quý độc giả có câu hỏi, thắc mắc hoặc yêu cầu tư vấn về các vấn đề sức khỏe, bài thuốc chữa bệnh xin gửi câu hỏi vào ô Bình luận ở dưới cuối mỗi bài viết.

Chúng tôi sẽ mời những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực y tế giải đáp, chia sẻ kinh nghiệm với quý độc giả. Trân trọng!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại