Theo bác sĩ Trần Văn Học (Bệnh viện Nhi Trung ương), thông thường trẻ nhỏ có hệ miễn dịch còn yếu nên khó để chịu được những tác nhân bất lợi và thích ứng kịp thời từ môi trường bên ngoài, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết thay đổi.
Đôi khi chỉ là những tác động rất nhỏ như bật quạt sai cách cũng khiến trẻ mắc bệnh. Theo chia sẻ của bác sĩ, nhiều trường hợp phụ huynh nghĩ rằng đã bật quạt theo đúng hướng dẫn và khoa học như:
không bật quạt trực tiếp vào mặt trẻ, không bật số có lượng gió mạnh, mở cửa khi bật quạt …
Tuy nhiên, nhiều bà mẹ áp dụng quá cứng nhắc những nguyên tắc đó cũng không phải là đúng.
Trong khoảng thời gian từ trưa cho đến 4 giờ chiều, nếu phụ huynh mở cửa khi bật quạt sẽ khiến cho quạt hút lượng khí nóng từ ngoài trời vào và thổi trực tiếp lên người trẻ nhỏ, như vậy sẽ dẫn đến việc trẻ bị sốt, viêm họng …
Ngoài ra, một sai lầm khi dùng quạt nhiều người mắc phải nhất đó là bật quạt thốc thẳng vào người, làm như vậy không chỉ trẻ nhỏ mà ngay cả người trưởng thành cũng dễ mắc bệnh.
Bởi, ở vùng da được quạt thổi vào, mồ hôi bốc hơi nhanh sẽ khiến nhiệt độ ngoài da giảm xuống rõ rệt, còn phần da không có gió, mồ hôi bốc hơi chậm, nhiệt độ ngoài da tương đối cao.
Sự chênh lệch này làm cho sự tuần hoàn máu và bài tiết mồ hôi bị mất cân bằng, dễ dẫn đến tình trạng cơ thể bứt rứt khó chịu, đau đầu, thậm chí choáng váng.
Còn đối với trẻ nhỏ sẽ dẫn đến các bệnh về tai mũi họng, đặc biệt là viêm phổi.
Để phòng bệnh cho trẻ mùa hè, BS Học cho biết, các bậc phụ huynh cần phải cho bé mặc thoáng mát, chọn quần áo chất liệu tốt, có khả năng thấm hút mồ hôi. Mặc cho trẻ phù hợp với nhiệt độ môi trường.
Trong một ngày, có thể trưa và chiều nóng nhưng buổi đêm về sáng vẫn hơi lạnh nên cha mẹ cần chú ý tắt quạt hoặc đắp thêm chăn mỏng hay khăn cho trẻ.
Ngoài ra, khi trẻ nằm quạt không nên bật số cao chỉ nên để tốc độ gió ở mức 0,2-0,5m/s, tối đa không quá 3m/s. Tuyệt đối không để quạt thổi cố định lên người bé mà phải để ở chế độ xoay.
Phòng thoáng gió chỉ nên mở quạt số nhỏ cho gió thổi nhẹ.
Không để quạt thốc vào cơ thể bé, đặc biệt khi bé từ ngoài trời nóng bước vào hoặc vừa hoạt động thể lực mà nên lau mồ hôi, nghỉ vài phút rồi mới dùng quạt.
Khi trẻ ra mồ hôi ra nhiều, không nên dùng quạt vì các mạch máu ngoài da toàn thân lúc đó đang giãn rộng, nếu bị gió đột ngột sẽ co lại làm ngưng trệ bài tiết mồ hôi, gây mất cân bằng giữa việc sinh nhiệt và tán nhiệt trong cơ thể, nhiệt lượng dư thừa không được phát tán ra ngoài.