Cả nhà nhập viện vì món chân giò ngâm mắm tự làm

Ngô Châu Anh |

Khi mà nhìn đâu cũng thấy thực phẩm bẩn, chị Mai (Ba Đình, Hà Nội) càng chăm chỉ vào bếp hơn. Thậm chí các món bánh, xúc xích, chè, kem… chị đều lên mạng tìm công thức rồi loay hoay chế biến.

Cả nhà làm chuột bạch

Chị Mai kể, dịp Tết vừa rồi nghe các thành viên trong nhóm những người thích nấu nướng chia sẻ công thức món chân giò ngâm mắm dấm chị cũng hì hục làm theo.

Cũng loay hoay bó giò, rồi luộc thịt cho chín tới, thêm rượu mới vớt ra rửa lại bằng nước lạnh để ráo.

Sau đó chị cũng pha mắm theo tỷ lệ 1 bát mắm – 1 bát đường – 1/2 bát đường phèn rồi đun hỗn hợp nước này cho hơi sôi thì bật nhỏ lửa, khuấy đều đến khi đường tan thì tắt bếp đợi hỗn hợp nước này nguội lại.

Chị Mai làm món chân giò muối đúng như công thức được chia sẻ trên mạng

“Tôi cho thịt vào lọ, lần lượt đến tỏi, ớt, hạt tiêu và đổ nước mắm ngập mặt thịt, rồi cẩn thận chèn thật chặt không cho thịt nổi lên mặt nước sau đó mới đậy nắp kín.

Tuy nhiên, chỉ hai ngày sau lọ thịt đã nổi váng. Tôi loay hoay lên mạng hỏi các thành viên trong nhóm thì được hướng dẫn chỉ cần hớt váng, bỏ thịt ra, đun lại mắm. Lại lục đục làm rồi đến 4 ngày thì mang ra ăn.

Nhưng chỉ sau bữa ăn 30 phút lần lượt chồng, cậu con trai 12 tuổi và cô con gái lên 3 ôm bụng chạy vào nhà vệ sinh. Một tiếng sau, không chịu được cả nhà đành phải dắt díu nhau vào viện” – chị Mai nhớ lại.

Sau lần ấy, chị Mai “cạch” hẳn những món cần thời gian chế biến dài, hoặc quá cầu kỳ. Chị càng không dám mua thực phẩm “handmade” được rao bán trên mạng.

PGS. TS Nguyễn Thanh Chò, Chủ nhiệm Bộ môn Dinh dưỡng, BV Quân y 103 rất ủng hộ việc các bà nội trợ nấu ăn ở nhà (sạch sẽ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm).

Tuy nhiên, việc tự chế biến những món ăn hàng ngày cho đến những món cầu kỳ phức tạp (chân giò ngâm mắm dấm, lạp xường, xúc xích, các loại bánh, kem) vẫn tiềm ẩn những nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Phải có kiến thức cơ bản

Các chuyên gia an toàn thực phẩm cho rằng, về nguyên tắc để có một món ăn đảm bảo an toàn thì trước hết nguyên liệu phải đảm bảo tươi sống, không ôi thiu, nấm mốc không nhiễm các hóa chất độc hại;

Tiếp đến là chế biến đúng cách (người chế biến không mắc các bệnh truyền nhiễm, trong quá trình chế biến phải đeo găng tay, khẩu trang, có mũ trùm tóc, tạp dề…; tùy tính chất của mỗi món ăn mà có cách chế biến hợp lý); sau khi chế biến ra thành phẩm phải được bảo quản đúng cách.

GS Nguyễn Thanh Chò

Soi vào những nguyên tắc cơ bản trên, PGS Chò cho rằng, đối với những thực phẩm tự chế biến nếu bà nội trợ không kiểm soát được nguồn gốc nguyên liệu đầu vào hoặc mua phải những thực phẩm ôi thiu thì khi chế biến cũng ra những sản phẩm không đảm bảo.

“Hơn nữa, nhiều bà nội trợ chưa có nhiều kiến thức về ATTP nên vẫn có những cách chế biến món ăn hết sức sai lầm.

Chẳng hạn cắt nhỏ rau rồi mới mang đi rửa, vò nát rau ngót rồi mới cho vào nước ngâm, thao tác này vô tình làm tổn thất một lượng vitamin đáng kể.

Thậm chí có người còn vừa làm vệ sinh cho cháu nhỏ xong không rửa tay bằng xà phòng mà vẫn tiếp tục dùng tay ấy thái thịt chín…”- PGS Chò nhấn mạnh.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm cho mỗi món ăn, Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra những nguyên tắc vàng mà các bà nội trợ nên lưu tâm.

Đó là chọn thực phẩm tươi, rau, quả ăn sống phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch. Quả nên gọt vỏ trước khi ăn.

Nấu chín kỹ hoàn toàn thức ăn, bảo đảm nhiệt độ trung tâm thực phẩm phải đạt tới trên 70 độ C.  Hãy ăn ngay sau khi vừa nấu xong, vì thức ăn càng để lâu thì càng nguy hiểm.

Ngoài ra, muốn giữ thức ăn quá 5 tiếng đồng hồ, các bà nội trợ cần phải giữ liên tục nóng trên 60°C hoặc lạnh dưới 10°C. Thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại. Các thức ăn chín dùng lại sau 5 tiếng, nhất thiết phải được đun kỹ lại.

Đặc biệt thức ăn đã được nấu chín có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thức ăn sống hoặc gián tiếp với các bề mặt bẩn (như dùng chung dao, thớt để chế biến thực phẩm sống và chín) vì thế WHO khuyến cáo thức ăn chín, sống cần phải được bảo quản riêng.

Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và sau mỗi lần gián đoạn để làm việc khác. Nếu bạn bị nhiễm trùng ở bàn tay, hãy băng kỹ và kín vết thương nhiễm trùng đó trước khi chế biến thức ăn.

Do thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, bất kỳ bề mặt nào dùng để chế biến thức ăn cũng phải được giữ sạch. Khăn lau bát đĩa cần phải được luộc nước sôi và thay thường xuyên trước khi sử dụng lại.

PGS Chò cũng bổ sung thêm “cần che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác. Đó là cách bảo vệ tốt nhất.

Khăn đã dùng che đậy thức ăn chín phải được giặt sạch lại. Ngoài ra, các bà nội trợ cũng cần phải sử dụng nguồn nước sạch an toàn để chế biến thức ăn”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại