Qua hỏi bệnh, biết được trong khi bé đang đùa giỡn với bạn bè thì bị đầu của bạn đập mạnh vào mặt. Khám thấy vùng môi trên của bé sưng to, dính chặt vào bề mặt răng, mắc cài chỉnh nha dính sâu bên trong môi, máu chảy nhiều.
Sau khi bé được gây tê vùng môi để giảm đau, các bác sĩ tiến hành lấy mắc cài ra khỏi môi và khâu vết thương.
BS Nguyễn Lê Hữu Khoa - Khoa Răng Hàm Mặt của bệnh viện cho biết, cũng có tình huống khí cụ chỉnh nha lại vô tình là vật bảo vệ răng miệng khi bệnh nhân bị tai nạn.
Đó là trường hợp của bé gái 14 tuổi, chỉnh nha cố định được 2 năm, đang mang mắc cài và dây cung.
Trong buổi học thể dục tại trường, bé bị trượt té đập mặt và đập 4 răng cửa hàm trên vào thành hồ bơi. Thông thường, trong những trường hợp như thế, các răng cửa bị tác động sẽ gãy hoặc rơi ra ngoài.
Nhưng điều hy hữu trong trường hợp này là chính nhờ các thiết bị chỉnh nha bệnh nhân đang mang gồm mắc cài, dây cung và thun đã liên kết các răng lại với nhau và cứng chắc hơn. Nhờ đó, các răng còn được giữ lại trên cung hàm.
Hiện nay, chỉnh hình răng mặt ngày càng phổ biến, đặc biệt đối với các bé đang ở độ tuổi đến trường. Bệnh nhân sẽ được mang hàm chỉnh nha tháo lắp hoặc sẽ được gắn mắc cài và cung thép trong chỉnh nha cố định để điều chỉnh răng đúng vị trí.
Các dụng cụ này tưởng chừng vô hại này đôi khi gây ra các tai nạn đáng tiếc như làm rách môi, rách má, rách lưỡi, nghiêm trọng hơn có thể sút ra rơi vào thực quản, khí quản khi bệnh nhân ăn uống, sinh hoạt.
Do đó, các bác sĩ khuyến cáo bé khi mang khí cụ chỉnh nha không nên đùa giỡn hay chơi các môn thể thao có thể va chạm mạnh, phải tuân theo chế độ ăn uống mềm, lỏng, vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng và tái khám bác sĩ đúng kỳ hẹn.