Bất ngờ với “bộ phận” nặng nhất trong cơ thể con người

Hoàng Hương |

Trái ngược với kích cỡ "siêu tí hon" của từng cá thể, hệ vi khuẩn với tổng khối lượng rất lớn trong cơ thể con người lại mang nhiều thông tin thú vị ít người biết.

Nói đến vi khuẩn, chúng ta thường nghĩ tới 2 từ “bệnh tật”. Nhưng thực tế, phần lớn những “kẻ sống bám bé nhỏ” trong cơ thể này lại đóng 1 vai trò cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe của chúng ta.

“Bộ phận” nặng nhất trong cơ thể

Bộ phận nào nặng nhất trong cơ thể? Trái tim, não bộ hay gan?

Quả tim chỉ nặng 350 gr, não bộ có khối lượng gần 1,4 kg, còn lá gan cũng chỉ to hơn một chút, khoảng 1,5 kg. Nhưng chỉ tính riêng hệ vi khuẩn trong ruột đã nặng lên đến 2 kg.

Số lượng tế bào vi sinh vật trong cơ thể con người (bao gồm lợi khuẩn và hại khuẩn) rất lớn, khoảng 100 ngàn tỷ.

Thật bất ngờ khi con số này nhiều gấp 10 lần so với các tế bào khác của cơ thể, và chứa trên 3 triệu gen - nhiều hơn cả bộ gen của con người đến 150 lần.

Do lượng vi sinh vật chiếm đến 90% tế bào trong cơ thể người nên sự ổn định, cân bằng của chúng tác động rất lớn đến sức khỏe mỗi người. Thông thường, hệ vi sinh vật của một người khỏe mạnh có 85% là lợi khuẩn và 15% là hại khuẩn.

Nếu sự cân bằng này mất đi, tỷ lệ hại khuẩn gia tăng thì cơ thể sẽ suy yếu về khả năng miễn dịch, giảm sức đề kháng, dễ mắc một số bệnh viêm nhiễm, đặc biệt là các bệnh về hệ tiêu hóa và hô hấp.

Con người sinh ra hoàn toàn “sạch”

Với số lượng vi sinh vật đông đảo sống trong cơ thể người, chúng ta thường nghĩ chúng đã “xâm nhập” vào cơ thể ngay khi chúng ta vừa chào đời. Tuy nhiên, sự thực không phải vậy.

Theo nhà vi sinh vật Martin Blaser đến từ Khoa Dược của Trường Đại học New York, khi mới sinh ra, cơ thể con người không chứa vi khuẩn. Theo thời gian, dần dần, chúng ta bị vị khuẩn “tấn công”.

Với những đứa trẻ được sinh thường, chúng nhận được những vi khuẩn đầu tiên qua ống sinh sản của người mẹ. Tất nhiên là những em bé được sinh bằng phương pháp mổ không có được vi sinh vật theo cách này.

Khi lên 3 tuổi, đứa trẻ sẽ “sở hữu” gần như như tất cả số loại vi khuẩn trong cơ thể. Bởi đó là khoảng thời gian sự trao đổi chất, các hệ thống miễn dịch, nhận thức và sinh sản bắt đầu phát triển mạnh mẽ.

Vi khuẩn vừa có lợi, vừa có hại với con người

Phần lớn chúng ta hay nghĩ rằng vi khuẩn là những vị khách “không mời mà đến” với cơ thể và chỉ gây bệnh mà thôi.

Không thể phủ nhận những căn bệnh do vi khuẩn gây ra, nhưng chúng ta cũng nên biết đa phần vi khuẩn tồn tại là có ích cho cơ thể, giúp con người sống khỏe và lâu hơn. Đôi khi, một số loài có thể đảm nhiệm cả hai chức vụ đó.

Dẫn chứng rõ ràng nhất là vi khuẩn gây loét dạ dày Helicobacter pylori. Vi khuẩn này được tìm thấy trong cơ thể của gần một nửa dân số trên thế giới.

Hầu hết, những người mang vi khuẩn này không có bệnh nhưng một số ít phát triển bệnh viêm loét dạ dày nặng hơn.

Tuy nhiên, các nhà khoa học đã phát hiện ra mặt khác của vấn đề. Sự vắng mặt của Helicobacter lại liên quan đến một số bệnh thực quản như viêm thực quản trào ngược hay ung thư thực quản.

Như vậy, Helicobacter có thể có hại cho dạ dày nhưng mặt khác lại giúp chúng ta tránh được bệnh ung thư họng.

Kháng sinh diệt vi khuẩn có thể gây ra bệnh hen và béo phì

Thuốc kháng sinh Penicillin là bước đột phá lớn của không riêng ngành y khoa mà của cả thế giới. Nhưng việc lạm dụng kháng sinh đã dẫn tới việc tăng các chủng vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh.

Không những thế, các nhà nghiên cứu đã thu được một số bằng chứng cho thấy, thuốc kháng sinh còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn, viêm ruột và béo phì.

* Theo Daily Mail và Live Science

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại