Ung thư gan là loại ung thư thường gặp đứng thứ 6 trong các ung thư trên toàn cầu. Ung thư gan cũng là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong trong số các bệnh ung thư.
Đây là căn bệnh khó nhận biết sớm do triệu chứng nghèo nàn, khi phát hiện thì bệnh đã vào giai đoạn nặng, khó điều trị và tỷ lệ tử vong cao.
1. Thực trạng đáng buồn về ung thư gan ở Việt Nam
Ung thư gan là căn bệnh có tiên lượng khá thấp nếu được phát hiện muộn. Với ung thư vẫn còn hạn chế trong gan, tỷ lệ sống 5 năm là 28%.
Ung thư khi phát triển thành các cơ quan lân cận hoặc đã lan đến các hạch bạch huyết lân cận tỷ lệ sống 5 năm chỉ 7%. Ung thư đã lan đến các cơ quan xa, chỉ 2% người bệnh sống đến 5 năm.
Về thực trạng ung thư gan ở Việt Nam, TS Mai Trọng Khoa, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân ung bướu, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, ung thư gan là loại ung thư đứng thứ 2 về số ca ở nam và thứ 3 ở nữ. Tỷ lệ tử vong hàng đầu ở cả 2 giới.
Đặc biệt, căn bệnh ung thư này đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.
TS Mai Trọng Khoa cũng cho biết, ở nước ta, đa số bệnh nhân đến phòng khám khi đã muộn, 60% đã ở giai đoạn trung gian và tiến triển. Vì thế tỷ lệ tử vong rất cao, thời gian sống trung bình không quá 1 năm.
Chỉ riêng năm 2012, cả nước ghi nhận gần 22.000 bệnh nhân ung thư gan thì đến gần 21.000 người tử vong trong cùng 1 năm ấy, tức là gần 100% số bệnh nhân mắc ung thư gan chỉ sống không quá 1 năm kể từ khi phát hiện ra bệnh.
Đây quả là một con số đáng buồn bởi các phương pháp điều trị ung thư gan dẫu vẫn chưa được như mong muốn nhưng căn bệnh này lại được xem là dễ phòng tránh nhất, nếu áp dụng tốt các biện pháp phòng tránh có thể giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh.
2. Nguyên nhân gây ung thư gan
- Viêm gan siêu vi mãn tính: Viêm gan siêu vi mãn tính do nhiễm trùng mãn tính virus viêm gan B và viêm gan C được coi là yếu tố nguy cơ phổ biến nhất đối với ung thư gan.
Cơ chế phát sinh bệnh là do những nhiễm trùng này gây bệnh xơ gan, sau đó tiến triển thành ung thư gan.
- Uống rượu: Người uống rượu, nghiện rượu trong nhiều năm có nguy cơ bị xơ gan, tiến triển thành ung thư gan.
- Béo phì: Nguyên nhân của bệnh gan nhiễm mỡ và xơ gan, làm tăng nguy cơ phát triển ung thư gan.
- Bệnh tiểu đường: Người bị bệnh tiểu đường type 2 thường có xu hướng thừa cân, béo phì, do đó có thể gặp các vấn đề về gan dẫn tới ung thư gan.
- Nhiễm độc Aflatoxins: Aflatoxins là một loại nấm mốc có trong các loại ngũ cốc như đậu, bắp, gạo... Tiếp xúc lâu dài với các chất độc này là một yếu tố nguy cơ gây nên bệnh ung thư gan. Nguy cơ này sẽ tăng cao đối với những người bị viêm gan B hoặc viêm gan C.
3. Phòng ngừa ung thư gan
Ung thư gan rất dễ phòng tránh nếu bạn thực hiện tốt các việc sau:
- Kiểm soát các yếu tố nguy cơ quan trọng đối với bệnh ung thư gan như căn bệnh viêm gan B, viêm gan C bằng cách quan hệ tình dục an toàn, không dùng chung bơm kim tiêm, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục...
- Thực hiện việc chủng ngừa đối với bệnh viêm gan B để tránh các nguy cơ lây nhiễm và đề phòng lây nhiễm từ mẹ sang con. Đối với viêm gan C chưa có vắc xin phòng ngừa, vì vậy, cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh.
- Đối với những người có nguy cơ cao như là đã mắc viêm gan B, viêm gan C mãn tính, xơ gan, nên tầm soát ung thư bằng cách xét nghiệm máu với alpha-fetoprotein (AFP) và siêu âm mỗi 6-12 tháng.
- Hạn chế sử dụng rượu: Uống rượu có chừng mực hoặc bỏ rượu nếu đã uống rượu lâu năm để ngăn ngừa bệnh ung thư gan.
- Phòng tránh căn bệnh béo phì.
- Hạn chế tiếp xúc với hóa chất và nấm mốc gây ung thư.