"Tôi nghiện chất ma tuý hơn 5 năm. Gia đình coi tôi như đứa con bỏ đi vì nghĩ rằng, tôi đã vô phương cứu chữa. Lúc lên cơn vật vã, người thân phải lấy lông gà cho vào mũi xem tôi còn thở không. Nhưng sau hơn một tháng, tôi đến nhà thầy, được thầy cứu chữa, "con ma sống" trong người tôi đã hồi sinh một cách kỳ diệu và tôi đã rời xa được “nàng tiên nâu”.Tôi vô cùng biết ơn thầy, đã ban tặng cho tôi một cuộc sống mới.
Những bức thư của người bệnh sau khi rời khỏi nhà thầy Hiệp được treo khắp lên tường nhà để những người sau nhìn thấy mà có ý chí vượt qua.
Hành trình gieo mầm sự sống
Tìm đến nhà ông không khó, vì người dân nơi đây quá quen với việc người lạ đến hỏi đường và đối tượng nghiện ra, vào thường xuyên. Ông Nguyễn Hữu Hiệp (thôn Văn Giáp, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội) hành nghề gia truyền, bốc thuốc nam chữa bệnh, từ năm 1980.
Khi đó, chỉ có những người bị bệnh đến nhờ ông bắt mạch, bốc thuốc, cũng không có chuyện to, chuyện nhỏ gì trong việc chữa bệnh nên không mấy ai trong làng để ý. Nhưng đến khoảng năm 2004 thì dường như có nhiều người trong và ngoài làng biết đến ông hơn. Trong làng, người ta lời to, tiếng nhỏ không hiểu tại sao, ông lại nhận người nghiện ma túy về chữa bệnh.
Chính về thế, dân làng dị nghị về ông hơn, vợ con ông cũng phản đối quyết liệt việc làm gàn dở này của ông. Khi được hỏi về quyết định của mình, ông cười bảo: "Ban đầu tôi cũng suy nghĩ nhiều về sự phản đối của gia đình và dân làng, nhưng trong con người tôi luôn có cái gàn và muốn làm những việc mà người đời đang xa lánh, kỳ thị".
Khi còn trẻ, cũng như bao thanh niên khác, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, chàng thanh niên Nguyễn Hữu Hiệp lên đường tòng quân đánh Mỹ. Sau hơn 8 năm trong quân ngũ, ông phục viên về quê, làm đủ nghề để kiếm sống.
Tuy không qua trường lớp nào về y học, từ nhỏ ông đã yêu thích và chịu khó học hỏi, nghiên cứu các bài thuốc đông y để chữa bệnh cho mình và gia đình. Trước khi nghiên cứu ra bài thuốc cai nghiện ma túy, ông là thầy thuốc chữa bệnh ngoài da, gan, thận có tiếng trong vùng. Cái nghề đó, ngày ấy được mọi người cho rằng, đang ở đỉnh cao. Ông cứ bám lấy cái nghề đó, không những chẳng đói mà còn giúp ông và gia đình sống tốt hơn. Đùng một cái, ông chọn ngã rẽ, đi tìm phương thuốc chữa bệnh nghiện.
Khi hỏi đến cơ duyên để ông có bài thuốc chữa bệnh nghiện, ông Hiệp nói: "Trước kia chiến tranh, bao nhiêu người đổ máu, "ra đi" vì nền độc lập của nước nhà, bao gia đình phải ly tán. Ngày nay, cuộc sống bình thường, chẳng có lý do gì mà nhiều chàng trai khỏe mạnh "ra đi" vì tệ nạn xã hội, nhất là ma túy, họ gây ra đau khổ cho gia đình, cho xã hội. Tôi day dứt về căn bệnh này và quyết tâm tìm phương thuốc giúp họ có thêm cơ hội quay về với cuộc đời".
Ông Hiệp bắt đầu nghiên cứu bài thuốc từ năm 1980 của thế kỷ trước, ông nói thêm: "Bài thuốc cai nghiện của tôi được rút ra từ tám thầy thuốc Bắc - Nam. Những năm đó, có bài thuốc, tôi phải đổi tới sáu chỉ vàng chỉ để bổ sung vào danh mục của mình. Cho đến bây giờ, tuy còn phải thường xuyên bổ sung, hoàn thiện nhưng nhìn chung, người nghiện dùng thuốc của tôi chỉ 20 ngày là có thể cắt cơn".
Hơn 20 năm ông tìm tòi, nghiên cứu nguyên nhân, bệnh lý của người nghiện ma túy, ông cho rằng đó là một căn bệnh. Chính vì vậy, điều trị cho người nghiện chính là việc chữa nghiện hay giải nghiện.
Theo ông, việc một người đi vào con đường nghiện ngập không phải do đua đòi, dụ dỗ mà phần nhiều do cú sốc tâm lý dẫn đến chán nản. Tuy nhiên, dù họ có làm gia đình khổ, có ảnh hưởng đến xã hội đi nữa, họ vẫn có tính hướng thiện, muốn được sống và làm lại cuộc đời. Ông đã chữa nghiện thành công cho 311 bệnh nhân bằng phương pháp đông y. Phương pháp chữa nghiện này sẽ giúp người bệnh có thể đào thải ma túy từ trong tủy, không vật vã, không đau đớn.
Nguyên liệu thuốc chữa bệnh nghiện phần nhiều là từ thiên nhiên, nhưng ông có công thức pha chế riêng, giúp đào thải chất gây nghiện từ trong tủy, giúp người bệnh không còn cảm giác thèm ma túy. ông nói: "Không chỉ chữa bệnh nghiện, tôi còn nghiên cứu rất nhiều phương thuốc, vì khi họ cai nghiện, sẽ kéo theo rất nhiều chứng bệnh liên quan, mình phải biết kết hợp để điều trị cho họ".
Người thầy gieo mầm sự sống của hàng trăm con nghiện
Không biển hiệu, không lời quảng cáo, chào mời nhưng tiếng thơm của ông Hiệp ngày một lan xa, ngoài bệnh nhân ở Hà Nội thì bệnh nhân ở khắp các vùng lân cận như: Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Bắc Ninh... cũng lần lượt tìm đến thầy Hiệp với hy vọng được cứu chữa để sớm quay trở về với cuộc sống bình thường, tránh xa ma tuý, đã phá tan cuộc đời họ.
Nhìn những người bệnh đến với bệnh xá của mình mà ông thấy đau lòng. Họ gầy nhẳng, tiều tụy hết sức sống, trên người xăm trổ nhằng nhịt các hình dị hợm. ông Hiệp cười bảo: "Những ca này chưa ăn thua gì với một số trường hợp đến nhờ tôi giúp đỡ trước đây, có nhiều trường hợp, người nhà họ phải dùng que ngáng ngang miệng bệnh nhân vì sợ họ cắn vào lưỡi. Nhiều gia đình còn không tin tôi chữa được nghiện mà không vật vã nên tôi phải đóng cũi, mua mấy cái dây xích cho người nhà họ yên tâm".
Tuy nhiên, những bệnh nhân đến gặp ông, không chỉ được chữa bệnh mà còn được thầy Hiệp động viên, an ủi, khuyên nhủ, nói điều hay lẽ phải. Nhiều bệnh nhân sau khi đến được vài ngày là tâm sự hết những điều mà bao lâu nay vẫn giấu kín, con đường tội lỗi khi họ dấn thân và muốn quay trở lại nhưng người đời quá kỳ thị, xa lánh, chính vì vậy đã đẩy họ xa hơn.
Ánh mắt ông đượm buồn khi nghĩ về những ngày tháng chữa bệnh cứu người, ông vẫn còn nhớ như in lời khẩn khoản của người đồng nghiệp cùng sinh hoạt trong câu lạc bộ đông y Hà Nội. Người bạn có cậu con trai độc nhất, vì đua đòi nên sa ngã, nghiện chất ma túy hơn ba năm. Tuy đã sử dụng nhiều phương pháp cai nghiện, nhưng chỉ được một thời gian, cậu thanh niên lại quay trở lại con đường cũ. Gia đình bất lực, người bạn đã giao toàn quyền cho ông điều trị.
Sau ba ngày cùng ăn, cùng ngủ, trò chuyện, bấm huyệt, cậu thanh niên đã dần ổn định về mặt tâm lý. 20 ngày sau thì cắt cơn hoàn toàn và dần hồi phục. ông Hiệp đã trả lại con trai cho người đồng nghiệp. Còn rất nhiều trường hợp, ông điều trị, cai nghiện được dứt điểm, sống lương thiện, làm ăn phát đạt, lập gia đình và sống hạnh phúc.
Mỗi người nghiện đến nhà thầy Hiệp chữa bệnh, thủ tục tiếp nhận đầu tiên là ký bản cam kết về việc chấp hành chỉ uống thuốc, giữ gìn an ninh trật tự, chấp hành "lệnh cấm trại" suốt 20 ngày. Bệnh nhân trẻ nhất mang biển hiệu 311, quê ở Nam Định, không chỉ nghiện ma túy mà còn xuất huyết dạ dày.
Tôi hỏi quá trình cai nghiện, anh bộc bạch: "Đi vào con đường ma túy là sai lầm lớn nhất trong cuộc đời tôi. Đến đây chữa nghiện, tôi được thầy Hiệp quan tâm, chăm sóc, tôi đã hoàn toàn hết nghiện, không còn cảm giác thèm muốn, vài ngày nữa tôi sẽ được trở về với gia đình. Tôi cảm ơn thầy Hiệp đã cho tôi một cuộc đời mới, đã sinh ra tôi lần thứ hai".
Trong tập hồ sơ của thầy Hiệp, không chỉ có tên những bệnh nhân đã từng đến đây cai nghiện mà còn có rất nhiều bức thư tay và những dòng tâm sự. Họ gọi ông là thầy Hiệp với sự cảm phục của một người "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng", một lão gàn. Là một thầy thuốc, ông mong muốn, tự tay mình có thể chữa bệnh cho nhiều người hơn nữa, mong muốn mở rộng nơi khám chữa bệnh để cứu nhiều người khỏi cảnh khổ của bệnh tật.
Mong người học trò kế nghiệp
Ông Nguyễn Hữu Hiệp tâm sự: "Tôi được nhận rất nhiều bằng khen của hội Đông y huyện Thường Tín (Hà Nội), hội Đông y Việt Nam... Nhưng có lẽ phần thưởng lớn nhất của tôi chính là những người bệnh sau khi trở về với đời thường vẫn nhớ đến tôi, thường xuyên gọi điện hỏi thăm. Mỗi ngày, chỉ có tôi và người bệnh trong căn nhà cấp bốn, ba gian cũ nát, con cháu, gia đình không ai đến, không ai ở cùng, nên đến bây giờ tôi vẫn chưa tìm được một người học trò đúng nghĩa có thể thay mình cứu giúp mọi người".
Ông Nguyễn Hải Lý, Trưởng thôn Văn Giáp cho biết: “Lương y Hiệp có bài thuốc chữa bệnh nghiện rất tốt, đã chữa cho hàng trăm bệnh nhân trong nhiều năm qua. Chúng tôi chưa thấy có trường hợp nào bệnh nhân phải quay trở lại để điều trị lần hai. Mô hình chữa bệnh của ông Hiệp khá hiệu quả lại không ảnh hưởng tới hàng xóm, an ninh trong thôn nên chúng tôi hoàn toàn ủng hộ”.