Đây cũng là thức uống có trong danh mục các loại thuốc allopathic mà phương Tây áp dụng điều trị cho các rối loạn tuyến tiền liệt, chứng đái dầm, béo phì và nhiễm trùng tiết niệu.
Theo y học cổ truyền, râu bắp có vị ngọt, tính bình, có tác dụng lợi tiểu, thông mật, lợi mật, thanh nhiệt. Ở nước ta cây bắp được trồng rất nhiều nhưng khi ăn bắp nhớ đừng bỏ râu vì nó chính là một loại thuốc rất tốt cho sức khỏe con người.
Trên dược lý thực nghiệm và lâm sàng chứng minh nước sắc râu bắp giúp làm dịu các cơn đau nhức của viêm bàng quang, làm tan các viên sỏi nhỏ dạng oxalate, urat, phosphat và carbonat trong bàng quang và đường niệu.
Nước râu bắp có tác dụng làm tăng bài tiết mật, giảm độ nhớt của mật, tạo điều kiện dẫn mật vào ruột được dễ dàng, làm hạ đường huyết, tăng bài tiết nước tiểu giảm phù, cầm máu trong trường hợp xuất huyết tử cung.
Sử dụng râu bắp còn giúp ngăn chặn các lần đi tiểu lắt nhắt của các bệnh nhân bị viêm hay phì đại tuyến tiền liệt. Nhờ tác dụng lợi tiểu nó có thể làm hạ huyết áp ở người huyết áp cao.
Người dân địa phương một vài vùng ở Hoa Kỳ còn sử dụng nó để điều trị vô sinh và đau bụng kinh. Râu bắp có tác động gián tiếp trên gan nhờ làm tăng dòng chảy của mật và được dùng trong điều trị sỏi túi mật.
Râu bắp có chứa vitamin A, vitamin K, vitamin B1, B2, B6 (pyridoxin), vitamin H (biotin), vitamin C, vitamin PP, các flavonoid, acid pantothenic, isotol, các saponin, các steroid như sytosterol và sigmasterol, các chất đắng, dầu béo, vết tinh dầu và nhiều chất vi lượng khác.
Tuy nhiên cần chú ý không được dùng chung với bất kỳ loại thuốc lợi tiểu nào khác, cần có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
Các chuyên gia cũng khuyên khi dùng râu bắp để trị bệnh chỉ nên dùng trong 10 ngày, sau đó ngưng 5 ngày rồi dùng lại, tránh trường hợp rối loạn điện giải.
Trong trường hợp đang dùng một loại thuốc khác để trị bệnh thì không nên dùng chung với trà râu bắp. Phụ nữ có thai tuyệt đối không dùng.Người già, trẻ em, người đang bị cảm lạnh, cúm cũng không nên dùng.