40 năm không có con
Ông Lân và vợ cưới nhau đã hơn 40 năm nay. Mấy năm trước vợ ông bị bệnh qua đời, ông sống trong cô đơn, hiu quạnh.
Một lần tình cờ đọc trên báo, ông thấy người ta nói nhiều về các nguyên nhân vô sinh nam. Cuộc đời chưa một lần làm cha và bị mang tiếng "cây độc", ông Lân vẫn muốn tìm hiểu xem mình bị bệnh gì.
Ông Lân kể ngày còn trẻ, ông và vợ khốn khổ vì vô sinh. Nghe người ta mách ở Hà Nam, Thái Nguyên rồi Thái Bình… có ông lang mát tay bốc thuốc cho các cặp vợ chồng vô sinh, ông cố gắng thu xếp cùng vợ đi chữa và chờ đợi kết quả.
Nhưng những hy vọng đều không được kết thành sự thực. Ông phải chấp nhận với việc mình không thể có con, không thể làm bố, làm mẹ.
"Ngày đầu, tôi buồn lắm rồi tự an ủi mình, tôi là đàn ông, là chồng nên phải cố gắng mạnh mẽ để vợ mình còn dựa vào" - ông nói.
Không sinh được con, ông bà tính đến chuyện xin con nuôi. “Tôi nuôi con của các em bên vợ, chăm chút cho các cháu, coi cháu như con. Có những ngày, nhà tôi ríu rít tiếng cười nói. Vợ tôi tất bật cơm nước.
Nhưng chúng lớn, chúng lại về với bố mẹ mình. Chẳng có đứa nào ở lại với tôi, gọi tôi một tiếng là bố, cho vợ tôi nghe một tiếng là mẹ” - ông nhớ lại.
Bà Hải - vợ ông Lân rất dịu dàng và yêu chồng. Nhưng số phận muôn nẻo đường gian truân, bà Hải bị bệnh sùi dạ dày, một biểu hiện của ung thư dạ dày.
Nhớ về quãng thời gian đó, ông Lân thở dài: "Hơn 40 năm sống bên nhau, ai biết cuộc đời có lắm tai ương. Đời tôi khổ, chưa bao giờ được một ngày sung sướng. Hết nỗi khổ này đến nỗi khổ khác thành một tràng dài không dứt.
Nếu không có vợ thì có lẽ tôi đã thôi sống lâu rồi. Bà tình cảm lắm. Buổi tối, chúng tôi ngồi xem phim với nhau, rồi kể chuyện cho nhau nghe.
Bà ấy muốn tôi vui quên đi sự thiếu vắng của tiếng trẻ trong nhà. Nhưng số phận cứ trêu đùa chúng tôi mãi”.
Hằng tháng, ông đưa vợ đi khám, dặn bà phải ăn uống kiêng khem để bệnh tình không nặng hơn. Ông nhắc bà giờ uống thuốc, nhắc bà lịch đi khám, dạy bà những bài tập thể dục mà ông lượm lặt được trên sách báo để giúp bà trị bệnh.
Số tiền lương hưu ít, ông mở thêm quán nước nhỏ. Buổi trưa ông đều tranh thủ về nhà để ăn cơm cùng cho bà đỡ buồn. Khi phát hiện bệnh được 4 năm thì bà Hải qua đời vì ung thư di căn vào xương.
Kiểm tra sức khỏe sinh sản ở tuổi 70
Từ khi vợ mất, ông Lân sinh ra chán nản. Ông cũng nghĩ đến chuyện theo vợ xuống suối vàng bầu bạn sớm hôm. Nhưng lại lo mình mất đi, hương khói cho vợ ai sẽ làm.
Ông lại tự an ủi phải sống, phải cố gắng sống để thay thế đứa con hương khói cho người vợ xấu số. Nhiều người khuyên ông Lân đi thêm bước nữa để có người bầu bạn khi tuổi già.
Ông cười “Tôi sát vợ, sát con ai lấy chứ. Người ta lấy tôi thì người ta gánh nợ cho mình chứ có lợi gì đâu”.
Năm 2011, tình cơ ông Lân đọc được bài báo nói về các trường hợp vô sinh nam. Ở cái tuổi của ông còn nghĩ gì đến chuyện sinh con nhưng ông vẫn muốn biết vì sao mình không thể có con.
Người ta chỉ bảo ông không thể sinh con nhưng không cho biết cụ thể ông bị bệnh gì. Có những người vô sinh chữa khỏi họ vẫn có con bình thường.
Ông Lân đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe sinh sản. Khi đến nơi, người ta còn xì xèo tưởng ông đưa con đi khám. Bác sĩ cũng giật mình nhìn phiếu khám bệnh tên ông Lân đã 70 tuổi.
Ông kể “Tôi khám vô sinh để tìm nguyên nhân vì sao mình không có con nên mọi người cũng vui vẻ, không còn bất ngờ nữa”.
Sau khi kiểm tra, bác sĩ cho biết ông Lân bị chứng không có ống dẫn tinh trùng bẩm sinh. Vì thế, tinh trùng không xuất ra ngoài để sinh con được.
Nhìn tờ kết quả khám bệnh, ông Lân hài hước “Lỗi tôi không có con là tại y học lúc ấy chậm phát triển chứ không phải tôi không còn khả năng cứu chữa”.
TS Lê Vương Văn Vệ - Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, người đã khám cho ông Lân, cho biết chứng bệnh không có ống dẫn tinh bẩm sinh của ông Lân khiến tinh trùng không ra ngoài nên không có con.
Với chứng bệnh này ở người trẻ, bác sĩ có thể tư vấn cho bệnh nhân có cuộc sống vợ chồng tốt hơn, nếu bệnh nhân muốn có con thì cần làm các biện pháp hỗ trợ sinh sản như lấy tinh trùng từ mào tinh, lọc rửa và tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm.