Theo tiến sĩ Daniel P.Slaughter, chuyên khoa Tai - Mũi - Họng và Bệnh ngủ ngáy của bệnh viện Capital tại Austin - Texas (Mỹ) thì ngáy là vấn đề nghiêm trọng và bạn có thể là một trong số 45% những người thỉnh thoảng ngủ ngáy hoặc có người thân trong gia đình ngủ ngáy.
Giáo sư Richard Horner trường ĐH Toronto, chuyên gia nghiên cứu về Giấc ngủ và Hô hấp cho biết bạn hãy hình dung một con sông chảy hướng về một kẽ hở, và khi dòng chảy hẹp lại nước bắt đầu hỗn loạn hơn. Điều này cũng giống những gì xảy ra khi chúng ta ngáy.
Đường không khí của bạn có thể bị hẹp lại hoặc luồng không khí bị tắc nghẽn, và những rung động tạo ra tiếng ngáy khi bạn thở.
Đối với một số người, ngáy do di truyền vì bẩm sinh có cuống họng hẹp hơn, do tuổi tác, do lực trương của cơ trong cuống họng giảm sút. Bạn không thể thay đổi yếu tố di truyền hay tuổi tác nhưng có thể vận dụng những cách đơn giản khác để giảm ngáy.
1. Thay đổi tư thế ngủ:
Tiến sĩ Slaughter khuyến cáo, nằm ngửa duỗi lưng làm phần dưới lưỡi và vòm miệng ngã vào thành của cuống họng tạo ra một âm thanh rung trong khi ngủ, còn nằm nghiêng một bên có thể giúp ngăn ngừa tình trạng này.
Theo ý kiến của tiến sĩ Sudhansu Chokroverty, giám đốc chương trình bệnh Thần kinh lâm sàng và Giấc ngủ của Trung tâm Y khoa JFK tại Edison, New Jersey (Mỹ), buộc một quả bóng tennis vào phía sau của bộ đồ ngủ cũng làm bạn không nằm duỗi người khi ngủ, hoặc tựa vào giường để phần đầu ngước lên và duỗi thẳng giúp làm thông đường thở của mũi.
Tuy nhiên, cách này có thể gây đau cổ.
2. Giảm trọng lượng thừa:
Theo tiến sĩ Slaughter thì giảm cân giúp một số người bớt ngủ ngáy nhưng không phải tất cả, vì người ốm cũng ngủ ngáy.
Nếu bạn tăng cân và bắt đầu ngủ ngáy, và không ngáy trước khi tăng cân thì giảm cân có thể là giải pháp.
Khi bạn tăng cân xung quanh vùng cổ sẽ gây ép đường kính của cuống họng, tăng áp lực từ phần dưới lưỡi và vòm miệng vào thành cuống họng nhiều hơn khi ngủ, từ đó gây ngáy.
Cũng theo bác sĩ Horner, bạn cần cân nhắc kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh và tập luyện để giảm vài cân nặng. Bởi vì thừa cân vùng cổ và ngực gây áp lực lên các cơ dùng để thở.
3. Tránh rượu bia:
Tiến sĩ Sudhansu Chokroverty cho biết rượu và thuốc an thần làm giảm lực trương, thư giãn các cơ phía sau cuống họng làm bạn ngáy nhiều hơn.
Có những người bình thường không ngáy có khuynh hướng ngáy sau khi uống rượu, uống rượu từ bốn đến năm giờ đồng hồ trước khi ngủ càng làm vấn đề thêm trầm trọng.
4. Thay đổi gối ngủ:
Các tác nhân dị ứng trong phòng ngủ và trong gối của bạn có thể góp phần gây ngáy. Lần sau cùng bạn phủi quạt trần là khi nào? Thay đổi gối khi nào?
Tiến sĩ Slaughter cho biết những hạt bụi li ti tích tụ trong gối và có thể gây các phản ứng dị ứng, từ đó dẫn đến ngáy. Cho thú cưng ngủ cùng trên giường sẽ gây kích ứng đường thở từ lông của chúng.
Hãy phơi gối ngoài không khí theo chu kỳ hai tuần/1 lần và thay mới mỗi sáu tháng để giảm bớt các hạt bụi và tác nhân dị ứng đồng thời không mang thú cưng vào phòng ngủ.
Bác sĩ Horner còn khuyến cáo thêm, hay nằm ngửa đầu ra phía sau hoặc cúi gập cổ xuống có thể gây co thắt đường thở. Hãy thử thay đổi gối ngủ phù hợp hoặc nằm ngủ ở chỗ bằng phẳng hơn.
5. Giữ nước cho cơ thể:
Tiến sĩ Slaughter cho biết bạn cần uống nhiều nước. Những dịch tiết trong mũi và vòm miệng có thể bị dính lại nhiều hơn khi cơ thể mất nước, và càng gây ngáy nhiều hơn.