Nuôi con kiểu gà công nghiệp
Tại buổi lễ chung tay về bệnh nhân nội tiết – đái tháo đường tổ chức ở Hà Nội chiều 26/6, GS Tạ Văn Bình đã có những chia sẻ, về căn bệnh đái tháo đường tuyp 2 hiện nay. Trước kia, một bệnh nhân 40 tuổi đái tháo đường được xem là hiếm gặp và khó tìm thì hiện nay con số tuổi của bệnh nhân đái tháo đường tuyp 2 đã xuống tới 8 - 9 tuổi.
PGS Bình cho biết, ông đang điều trị cho cháu bé mắc đái tháo đường từ năm 9 tuổi. Bé trai ở Hà Nội được bố mẹ nuôi dưỡng rất đặc thù đó là theo những thứ cháu thích ăn. Bé trai ở nhà cùng ông bà, bố mẹ thường hay đi công tác. Mỗi chuyến công tác cả một túi quà to theo sở thích của bé như: nước ngọt, kẹo bánh.
Trẻ béo phì có nguy cơ đái tháo đường.
Tiền ăn sáng cháu bé chỉ mua nước ngọt, xôi, thịt và những đồ ăn béo, ngọt. Từ lúc 2 tuổi, cháu đã được 20 kg và mỗi năm với tỷ suất tăng cân tăng lên. Mẹ của cháu kể đi học về ăn cơm xong cháu lên phòng học, trong phòng của cháu luôn có đủ các loại.
Khi cháu có dấu hiệu mệt mỏi, người đuối sức, bố mẹ cháu bé đã đưa khám. PGS Bình cho biết, khi tiếp nhận trẻ và cho thử đường huyết lúc đói lên tới 15 mmol/l. Bệnh nhân nhanh chóng được bác sĩ chỉ định điều trị đái tháo đường tuyp 2 và thực hiện giảm cân.
Trong suốt quá trình điều trị, trẻ phải được theo dõi đường huyết hàng ngày. Duy trì cân nặng hợp lý, tránh tăng cân. Sau mấy năm điều trị và theo dõi, hiện trẻ đã không phải tiêm insulin hỗ trợ. Việc điều trị và theo dõi biến chứng cho bé sẽ phải kéo dài suốt đời.
Theo PGS Bình đây không phải trường hợp trẻ nhỏ tuổi duy nhất bị đái tháo đường tuyp 2, ông đã điều trị. Một trường hợp khác ở Thanh Xuân, Hà Nội (11 tuổi) nặng 85 kg và được chẩn đoán đái tháo đường tuyp 2. Sau đó bệnh nhân được hỗ trợ tiêm insulin và từ năm 15 tuổi trở đi bé được theo dõi đường huyết ổn định.
PGS TS Tạ Văn Binh
PGS Bình cảnh báo, cách nuôi trẻ theo kiểu công thức có sẵn hay "gà công nghiệp" đang được nhiều gia đình áp dụng từ khi mang thai tới lúc sinh ra. Trẻ lúc nào cũng được "vỗ béo" cho bụ bẫm và kết quả là những đứa trẻ béo phì kèm theo bệnh tật.
Bệnh nguy hiểm
PGS Bình cho biết, nếu những năm cuối 1980 – đầu 1990 bệnh nhân đái tháo đường dưới 40 tuổi trở lên hiếm, giờ thì ngược lại. Đái tháo đường trở thành bệnh phổ biến. Tại Việt Nam có khoảng 3.5 triệu người mắc đái tháo đường. Đặc biệt, hơn 60% người bệnh mắc đái tháo đường mà không biết có bệnh.
Những bệnh nhân bị đái tháo đường gây biến chứng phá hủy tim mạch, thận, xương khớp, giảm thị lực mới đi khám lúc này đường huyết đã cao chót vót. Gần đây, PGS Bình tiếp nhận một bệnh nhân 29 tuổi, nữ ở Hà Nội.
Bệnh nhân thường xuyên thấy mệt mỏi, mắt nhìn mờ, tay chân lở loét đi khám da liễu bác sĩ cho biết đường huyết cao phá hủy nhiều cơ quan. Bệnh nhân tìm tới PGS Bình xin tư vấn và lúc này đường huyết của người bệnh cũng lên tới 20mmol/l.
Hiện nay, chưa có tỷ lệ thống kê trẻ bị đái tháo đường tuyp 2 nhưng với tỷ lệ bệnh nhân trẻ béo phì hiện này thì tỷ lệ này sẽ rất nhiều. Những trẻ có nguy cơ mắc đái tháo đường cao là trẻ có người thân mắc bệnh, trọng lượng sơ sinh trên 4 kg.
Dấu hiệu để cha mẹ nhận biết khả năng trẻ bị đái tháo đường đó là trẻ thường xuyên khát nước và đi tiểu nhiều. Trẻ sẽ rất nhanh khát, uống nhiều nước và đi tiểu liên tục.
Nguyên nhân là do đường bị tích tụ nhiều trong máu khiến thận phải làm việc liên tục ở cường độ cao để có thể lọc và hấp thụ hết lượng đường bị dư thừa. Đến khi thận không còn khả năng để hoàn thành quá trình này, lượng đường dư thừa trong máu sẽ được bài tiết ra ngoài cùng với nước tiểu.
Ngoài ra, trẻ cũng thường xuyên có những cơn đói dữ dội, kéo dài, thậm chí ngay sau khi vừa mới ăn xong. Nguyên nhân là do sự thiếu hụt insulin khiến lượng đường trong các mô giảm mạnh và cạn kiệt năng lượng.
Khi trẻ có các dấu hiệu trên, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ tới các cơ sở y tế để tầm soát đái tháo đường và sớm được điều trị tránh biến chứng.