Trong nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nutrients, nhóm tác giả từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) đã làm sáng tỏ mối quan hệ giữa kali với tình trạng cao huyết áp và chỉ số cholesterol tốt (HDL).
Các tác giả đã phân tích dữ liệu của gần 1.500 tình nguyện viên, được chia thành 4 nhóm dựa trên mức kali tiêu thụ, được ước tính bằng cách kiểm tra lượng kali bài tiết qua nước tiểu.
Kết quả cho thấy nhóm 4 (có lượng kali cao nhất) có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp thấp hơn 56% với nhóm 1 (có lượng kali thấp nhất).
Ngoài ra, tỉ lệ natri/kali càng cao, tức tiêu thụ càng nhiều natri và càng ít kali, có thể đẩy nguy cơ cao huyết áp tăng tới 65%.
Nguy cơ gặp phải tình trạng HDL thấp của nhóm 4 cũng thấp hơn 62% so với nhóm 1.
HDL là một thành phần của lipid máu (mỡ máu). Tình trạng rối loạn lipid máu tức máu nhiễm mỡ hay mỡ máu cao - đặc trưng bởi mức cholesterol toàn phần, cholesterol xấu (LDL) và triglyceride (chất béo trung tính) bị cao vượt ngưỡng, trong khi HDL lại thấp.
Do vậy, giữ được mức HDL không bị thấp so với ngưỡng yêu cầu cũng là cách để đẩy lùi tình trạng máu nhiễm mỡ.
Theo các tác giả, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo lượng kali tối thiểu hàng ngày là 90 mmol, tuy nhiên trên toàn cầu mức tiêu thụ thông thường thấp hơn đáng kể so với chuẩn này, làm nổi bật mối quan ngại về sức khỏe cộng đồng.
Một số nghiên cứu trước đây đã đề xuất thay thế muối natri bằng muối kali như một chiến lược kép để chống lại bệnh cao huyết áp.
Ngoài ra, để đảm bảo lượng kali cần thiết cho cơ thể, bạn có thể ăn những món giàu kali thường xuyên hơn.
Theo Healthline và WebMD, một số thực phẩm giàu kali dễ tìm bao gồm quả bơ, chuối, cam, bưởi, khoai tây, khoai lang, bí đỏ, củ dền, dưa hấu, dưa lưới, nước dừa, các loại rau màu xanh lá đậm (cải bó xôi, súp lơ xanh...), các loại đậu...