Ngày 19-10, ThS.BS Dương Duy Trang, Trưởng Đơn vị Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) cho biết, mới đây BV vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nhập viện với tình trạng 2 ngón tay tím tái, sắp sửa hoại tử.
Động mạch chủ khi bị phình to.
Suýt mất tay vì phình động mạch chủ
Qua siêu âm chẩn đoán, bệnh nhân có hiện tượng bị tắc động mạch quay bên tay trái. Đáng chú ý, bệnh nhân còn rất trẻ, chưa đầy ba mươi tuổi.
Khai thác bệnh sử, các BS phát hiện bệnh nhân trên nghiện thuốc lá rất nặng và đã nhiều năm. Đây có thể là nguyên nhân chính gây nên chứng phình động mạch chủ nguy hiểm của người đàn ông.
Nhờ cấp cứu kịp thời bằng cách nong động mạch, bệnh nhân may mắn giữ lại được bàn tay, không phải cắt bỏ.
Nhờ được cứu chữa kịp thời bằng phương pháp đặt ống ghép nội mạch, bệnh nhân đã giữ được cánh tay lẫn mạng sống.
Theo BS Trang, nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, hút thuốc lá dễ gây xơ vữa động mạch, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tắc mạch tay, chân, động mạch thận ở những người trẻ, dưới 65 tuổi. Còn với người trên 65 tuổi, thói quen này cũng làm tăng nguy cơ phình động mạch chủ bụng.
"Phình động mạch chủ bụng là căn bệnh nguy hiểm nhưng khó nhận biết do không có triệu chứng cụ thể. Cho đến một ngày nào đó, động mạch chủ đột nhiên vỡ ra. Vỡ động mạch chủ gây chảy máu ồ ạt, trụy mạch, sốc và khiến người bệnh đột tử" – BS Trang nói.
Sờ bụng thấy một cục u, coi chừng!
Các BS cho biết, nhiều bệnh nhân bị phình động mạch chủ không hề biết mình đang mắc bệnh. Chỉ khi sờ bụng thấy khối phình ra thì mới đến bệnh viện siêu âm và tá hỏa phát hiện ra. Tuy nhiên lúc này, bệnh đã vào giai đoạn nặng.
"Phình động mạch chủ là tình trạng giãn một đoạn của thành động mạch chủ khi thành mạch dần yếu, mỏng dẫn tới nguy cơ vỡ do áp lực của mạch máu.
Phình động mạch chủ ở giai đoạn đầu thường không gây triệu chứng nên hầu hết chỉ được phát hiện khi túi phình đã lớn, bệnh nhân tự sờ thấy hoặc phát hiện vô tình qua siêu âm bụng khi thăm khám một bệnh lý khác.
Đối với những túi phình có đường kính lớn hơn 5cm thì tỉ lệ tử vong do vỡ hoặc bóc tách động mạch chủ khoảng 15.6%/năm.
Khi động mạch chủ vỡ, tỉ lệ tử vong lên đến 97 - 100%. Do đó người bệnh cần can thiệp ngoại khoa khi đường kính túi phình lớn hơn 5cm" – các BS phân tích.
Các chuyên gia Nhật Bản miêu tả ưu điểm của phương pháp đặt ống ghép nội mạch tại hội thảo khoa học "Cập nhật kiến thức mới trong điều trị bệnh lý động mạch chủ".
Theo BS Trang, có hai phương pháp điều trị bệnh phình động mạch chủ: mổ hở và đặt ống ghép nội mạch.
Riêng phương pháp đặt ống ghép nội mạch có chi phí cao hơn nhưng có nhiều ưu điểm giúp người bệnh tránh một cuộc mổ lớn với đường mổ dài ở ngực hay bụng với nguy cơ chảy máu cao, giúp người bệnh hồi phục nhanh, ít đau, rút ngắn thời gian nằm viện và không cần sự trự giúp của máy tuần hoàn ngoài cơ thể đối với túi phình ở ngực.
Đặt ống ghép nội mạch là phương pháp điều trị túi phình động mạch chủ ít xâm lấn, mang lại hiệu quả điều trị cao được áp dụng phổ biến hiện nay.
Một giá đỡ có mang ống ghép mạch máu nhân tạo sẽ được tiếp cận lòng động mạch chủ đoạn có túi phình qua ống thông nhỏ đi từ động mạch đùi, cách ly túi phình ra khỏi động mạch chủ.
Hiện nay trên thế giới, hơn 70% các trường hợp phình động mạch chủ được điều trị bằng can thiệp nội mạch thay vì mổ mở truyền thống.
"Kỹ thuật đặt ống ghép nội mạch đòi hỏi bác sĩ phải có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao và sự tinh tế trong thực hiện thủ thuật, dưới sự hỗ trợ của máy móc hiện đại" – các BS nói thêm.
Hiện tại TP.HCM, BV Bình Dân là nơi đã triển khai can thiệp mạch, thực hiện thành công nhiều kỹ thuật cao, đặt stent ở các vị trí khó giúp loại bỏ túi phình động mạch chủ, động mạch tạng, tĩnh mạch chủ… cho nhiều bệnh nhân và thu được các kết quả khả quan.
Tiến bộ này mở ra một cơ hội mới, góp phần giảm thiểu và từng bước đẩy lùi nguy cơ đột tử vì phình động mạch chủ cho người dân.