SIPRI: VN mua tàu tên lửa Sigma 9814

Tuấn Sơn |

Theo báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Việt Nam đã chính thức đặt mua 2 tàu hộ vệ tên lửa lớp Sigma của Tập đoàn Damen (Hà Lan).

Bước ngoặt lớn thay đổi về chất của Hải quân Việt Nam

Dựa trên những thông tin từ SIPRI thì hợp đồng mua 2 tàu hộ vệ tên lửa Sigma 9814 đã chính thức được ký kết, theo đó sẽ có 1 chiếc đóng tại Hà Lan, chiếc còn lại được đóng trong nước theo giấy phép chuyển giao công nghệ của Tập đoàn Damen.

Hợp đồng này đánh dấu bước ngoặt lớn trong quá trình tiến thẳng lên hiện đại của Hải quân Việt Nam. Lần đầu tiên Việt Nam mua tàu tên lửa kèm vũ khí, khí tài của phương Tây.

SIPRI: VN mua tàu tên lửa Sigma 9814 - Ảnh 1.

Ảnh chụp một phần trong báo cáo mới nhất của SIPRI

Trong hợp đồng Sigma 9814, Tập đoàn Damen (Hà Lan) là nhà thầu chính phụ trách việc đóng tàu.

Vũ khí trang bị hầu hết sẽ do hãng Thales (Pháp) cung cấp gồm radar cảnh giới, hệ thống chỉ huy dẫn bắn kèm tên lửa diệt hạm MM40 Exocet Block 3 và tên lửa phòng không phóng thẳng đứng VL-Mica-M.

Ngoài ra, hãng OTO Melara (Italia) sẽ cung cấp pháo bắn nhanh 76 mm.

Hợp đồng này là chỉ dấu quan trọng, báo hiệu trong tương lai Việt Nam có thể tiếp cận những lớp tàu lớn hơn, được trang bị vũ khí, khí tài tiên tiến của phương Tây.

Thiết kế module với cấu hình vũ khí mạnh

Theo mô hình được trưng bày tại Triển lãm Vietship 2014, tàu hộ vệ tên lửa Sigma 9814 có những tính năng hết sức ưu việt:

Thiết kế module giúp thời gian thi công đóng tàu được rút ngắn hơn nhiều so với công nghệ đóng “tổng đoạn” mà các nhà máy Nga thường sử dụng.

Bên cạnh đó, công nghệ module cũng cho phép dễ dàng nâng cấp, tùy biến cấu hình vũ khí, khí tài theo yêu cầu của từng giai đoạn hoạt động.

Cùng có chiều dài 98 m, nhưng Việt Nam chọn bản có chiều rộng 14 m, lớn hơn 1 m so với các tàu Sigma 9813 của Marocco, theo đó lượng choán nước của Sigma 9814 lên tới 2.150 tấn, mớn nước khoảng 3,75m.

Tàu có hangar chứa máy bay, giúp bảo quản trực thăng trước những tác động của thời tiết và ăn mòn của muối biển.

SIPRI: VN mua tàu tên lửa Sigma 9814 - Ảnh 2.

Mô hình tàu tên lửa Sigma 9814 của Việt Nam tại triển lãm Vietship 2014

Về vũ khí diệt hạm, Sigma 9814 sẽ được trang bị 8 ống phóng tên lửa MM40 Exocet Block 3 tầm bắn 180 km. Đây là phiên bản mới, tiên tiến nhất, có tầm bắn xa nhất trong các dòng tên lửa Ecoxet.

Tàu còn được trang bị pháo hạm bắn siêu nhanh OTO Melara Super Rapid cỡ 76 mm của hãng OTO Melara (Italia).

Nếu điều kiện cho phép, Việt Nam hoàn toàn có thể yêu cầu cung cấp pháo hạm 76 mm Strales có khả năng bắn đạn thông minh nhằm tăng xác suất đánh chặn tên lửa đối hạm, máy bay, các loại tàu mặt nước, nhất là các tàu tiến công cao tốc cỡ nhỏ của đối phương.

Ngoài ra, Sigma Việt Nam có thể được trang bị bệ phóng B515 để bắn các loại ngư lôi diệt hạm hiện đại EuroTorp 3A 244S Mode II/MU 90.

Về phòng không, tàu được trang bị tổ hợp tên lửa phóng thẳng đứng VL-Mica-M tiên tiến nhất, kèm theo đạn tên lửa Mica sử dụng đầu dò chủ động, có tầm bắn 20 km, độ cao lên tới 11km.

Đây là tổ hợp tên lửa phòng không thế hệ mới, ngày 23/10/2008 đã thực hiện thành công 14 lần bắn thử nghiệm, tiêu diệt gọn mục tiêu là máy bay không người lái bay ở độ cao siêu thấp trên mặt biển từ cự ly 12 km.

SIPRI: VN mua tàu tên lửa Sigma 9814 - Ảnh 3.

Tàu tên lửa Sigma 9813

Trái tim của Sigma 9814 nằm ở hệ thống chỉ huy trung tâm TACTICOS do hãng Thales (Pháp) phát triển.

Hệ thống có thể đồng bộ tín hiệu, chỉ huy hỏa lực toàn tàu, từ radar cảnh giới nhìn vòng SMART-S Mk2 (tầm trinh sát 250 km, theo dõi được 500 mục tiêu cùng lúc) cho tới các hệ thống tên lửa diệt hạm, phòng không, ngư lôi, các loại pháo cũng như mồi bẫy và gây nhiễu điện tử.

Hiện chưa rõ tàu có được lắp đặt tổ hợp khí tài định vị tàu ngầm chủ động/thụ động Thales UMS 4132 Kingklip gắn trên thân hay không nhưng theo mô hình trưng bày tại Vietship 2014, Sigma 9814 hoàn toàn có thể được trang bị những tổ hợp vũ khí, khí tài hiện đại nhất.

Do tàu được tự động hóa hoàn toàn, thiết kế hợp lý nên kíp thủy thủ cũng chỉ gói gọn khoảng trên dưới 100 người, ít hơn so với Gepard 3.9 có cùng lượng choán nước.

Năm 2017 Việt Nam sẽ nhận tàu Sigma đầu tiên?

Dù theo thông tin mới nhất từ SIPRI, hợp đồng được ký năm 2013 và hiện chưa rõ tiến độ triển khai, tuy nhiên căn cứ vào thời gian đóng các tàu tương tự cho Hải quân Marroco - vốn chỉ mất bình quân khoảng 3 năm, thì cõ lẽ đầu năm 2017 Hải quân Việt Nam sẽ tiếp nhận chiếc đầu tiên.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã có sẵn một đội ngũ kỹ sư, công nhân với trình độ tay nghề cao, rất thông minh, sáng tạo, giàu kinh nghiệm thi công nhiều lớp tàu hiện đại của Damen.

Do đó, chiếc tàu Sigma thứ 2 được đóng trong nước theo chuyển giao công nghệ chắc chắn sớm rẽ sóng ra khơi, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

SIPRI (Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm) là một tổ chức nghiên cứu quốc tế độc lập có trụ sở đặt tại Thụy Điển, chuyên nghiên cứu về các cuộc xung đột, tình hình mua bán, kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị...

Theo báo cáo của Đại học Pennsylvania (Mỹ) năm 2013, SIPRI là 1 trong 5 think tank có ảnh hưởng nhất thế giới.

Số liệu của SIPRI được nhiều hãng truyền thông và các tổ chức quốc tế lớn (trong đó có Ngân hàng Thế giới) tham chiếu, sử dụng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại