Chàng sinh viên trẻ (trường Đại học Mỏ - Địa chất) quê Nghĩa Hưng, Nam Định phải tạm dừng lại dự định về tương lai vì bị nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu, hở van động mạch chủ nặng cần được phẫu thuật sớm. Tuy nhiên, điều kiện gia đình khó khăn, gánh nặng bệnh tật khiến cho bố mẹ em ngày càng lao đao hơn.
Bà Nguyễn Thị Hoa – mẹ của bệnh nhân Hạnh buồn rầu chia sẻ, Hạnh là con cả trong gia đình, sau Hạnh còn có một người em đang học năm thứ nhất Đại học quốc gia Hà Nội.
Vào trung tuần tháng 12/2017, bà Hoa nghe hung tin con trai cả mắc bệnh hiểm nghèo – hở van động mạch chủ nặng. Khi nghe con bị bệnh nặng, gia đình bà còn chưa hình dung về căn bệnh này như thế nào. Chỉ biết, sau một đợt sốt cao không rõ nguyên nhân, các bác sĩ thông báo Hạnh bị nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu và hở van động mạch chủ nặng cần được phẫu thuật sớm.
Bà Hoa và chồng bỏ mọi việc ở quê lên chăm con nhưng Hạnh đã rơi vào tình trạng rất nặng, thậm chí còn bị liệt nửa người, nói năng khó khăn…
(Ảnh minh họa)
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Tiến Dũng – Phó trưởng khoa Gây mê hồi sức tích cực ngoại tim mạch cho hay, bệnh nhân Hạnh được chuyển từ bệnh viện tuyến dưới lên trong tình trạng nguy hiểm, nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu, hở van động mạch chủ nặng, nhồi máu não và liệt nửa người phải. Bệnh nhân có thể phải đối mặt với nguy cơ tử vong cao nếu không được phẫu thuật sớm.
Theo bác sĩ Dũng, việc điều trị cho bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu cần thời gian lâu dài và vô cùng tốn kém.
Vi khuẩn tụ cầu đa kháng (kháng nhiều loại kháng sinh) nên phác đồ điều trị cho bệnh nhân Hạnh là kháng sinh liều cao. Chi phí điều trị này ước chừng từ 6 – 8 triệu đồng/ngày. Nhẩm tính, phải mất từ 150 -180 triệu đồng cho một đợt điều trị kháng sinh liều cao cho bệnh nhân, chưa kể các chi phí khác như giường nằm hồi sức, vật tư y tế…
Theo bác sĩ Dũng, bệnh nhân Hạnh bị nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu "tấn công" van động mạch chủ gây viêm nội tâm mạc do tụ cầu, dẫn đến sùi các lá van tim và nội tâm mạc.
Các mảnh sùi này trôi theo dòng máu sẽ gây thuyên tắc mạch. Những ổ nhồi máu có thể nhỏ hoặc lớn, đặc biệt những mảnh sùi này có mang theo các vi khuẩn, do vậy có thể gây áp-xe não. Huyết khối trong lòng mạch não là nguyên nhân gây tắc mạch. Nhồi máu não do bệnh lý tim mạch thường đột ngột và gây liệt nửa người vĩnh viễn cho bệnh nhân.
Bác sĩ Dũng cũng cho biết thêm, bệnh nhân cần được thay van động mạch chủ sớm nếu không sẽ bị suy tim cấp do hở van động mạch chủ nặng, nguy cơ tử vong cao. Điều đáng nói là, do bệnh nhân Hạnh không có thẻ BHYT nên chi phí ca phẫu thuật thay van động mạch chủ rất cao, rơi vào khoảng 100 triệu đồng.
Trước đó, tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cũng cấp cứu cho trường hợp bệnh nhi 12 tuổi ở xã Phúc Thượng, Phúc Thọ, Hà Nội trong tình trạng sốt cao, rét run, mạch nhanh, hạ huyết áp, suy hô hấp, tổn thương phổi, khớp và cơ. Thủ thuật cấy máu xác định "thủ phạm" là vi khuẩn Tụ cầu vàng (Staphylococus areus) - loại vi khuẩn cư trú trên da người.
Bệnh nhi phải thở máy và được kê dùng 2 trong số 3 loại kháng sinh diệt tụ cầu hiện có nhưng không hiệu quả. Trong đó, loại Vancomycin thuộc thế hệ thứ 2 ít ghi nhận kháng thuốc nhưng không có tác dụng nên bác sĩ phải sử dụng sang thế hệ thứ 3 là Linezolid mới có hiệu quả.
Sau một tháng rưỡi điều trị, tốn khoảng 400 triệu đồng, bệnh nhân mới có khả năng hồi phục gần như bình thường.