Trước đó, bệnh nhân T.V.H, nhập viện cấp cứu tại bệnh viện địa phương với huyết áp tăng cao 240mmHg, kèm nôn ói, ngất xỉu và tim ngừng đập. Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã nhanh chóng điều trị và 30 phút sau anh H. cũng dần tỉnh lại. Trong thời gian điều trị bệnh nhân lại bị tái phát hai lần hôn mê tương tự.
Chị Thủy, vợ anh T.V.H, cho biết: “Lúc đó chồng tôi và anh hai đang chạy xe hơi, chồng tôi là người cầm tay lái, nhưng vì thấy mệt nên nhờ anh hai chạy giùm. Anh hai hỏi chồng tôi có quên uống thuốc không, sao mệt vậy, thì chồng tôi mới nói do sáng đi sớm nên quên và liền uống thuốc ngay lúc đó, nhưng tình trạng lại nghiêm trọng hơn nên gia đình đưa đi bệnh viện ngay.”
Tuy nhiên, khi đang dần khỏe lại thì huyết áp bệnh nhân H. lại liên tục thay đổi lúc cao lúc thấp, kèm theo triệu chứng co giật, đau nhức đầu không thuyên giảm. Các bác sĩ liền tiến hành chụp cắt lớp CT và phát hiện bệnh nhân bị xuất huyết não. Sau đó, người nhà xin chuyển anh H. tới Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ để được điều trị chuyên khoa.
Khi vào đến khoa cấp cứu, các bác sĩ tại Bệnh viện S.I.S Cần Thơ nhanh chóng tiếp nhận và tiến hành đo huyết áp, cho bệnh nhân thở oxy và chụp MRI để xác định nguyên nhân gây đột quỵ và hôn mê.
Sau khoảng 10 phút chụp MRI mạch máu não các bác sĩ đã phát hiện ngay bệnh nhân đã bị vỡ túi phình mạch máu não vị trí động mạch thông trước rất phức tạp.
Bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân.
TS.BS Trần Chí Cường – Giám đốc bệnh viện trực tiếp thực hiện ca can thiệp cho biết: “Đây là trường hợp rất hi hữu được cứu sống. Vì bệnh nhân H. xuất hiện triệu chứng đau đầu đột ngột dữ dội, co giật, hôn mê sau đó lại tỉnh dậy và lặp lại 3 lần như vậy. Khả năng mỗi lần bệnh nhân lên cơn co giật hôn mê là rơi vào tình trạng đợt xuất huyết não từ túi phình vỡ ra. Thông thường, các trường hợp bệnh nhân xuất huyết do vỡ túi phình nguy cơ tử vong do vỡ lần đầu là khoảng 30-50% tùy theo lượng máu chảy, lần 2-3 nguy cơ tử vong tăng lên 80-90%”.
Theo BS Cường, phương pháp điều trị phình mạch máu não vỡ bao gồm phẫu thuật kẹp túi phình và can thiệp nội mạch DSA đặt coils. Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới can thiệp nội mạch DSA thì an toàn hơn và ít xâm lấn. Với can thiệp nội mạch DSA có thể đặt Coils đơn thuần khi túi phình cổ hẹp, khi túi phình cổ rộng đang xuất huyết như bệnh nhân H. kỹ thuật can thiệp vô cùng khó khăn vì phải dùng Stent che cổ túi rồi sau đó mới đặt coil được… tuy nhiên vấn đề là nguy cơ tắc Stent cấp vì bệnh nhân không thể uống thuốc chống tắc Stent trong lúc này.
Với những khó khăn như thế, các bác sĩ đã dùng kỹ thuật tạo hình cổ túi phình lúc đặt coils bằng Stent lấy huyết khối, khi đặt coils xong cầm máu được chúng tôi tiến hành kéo Stent ra và bệnh nhân không cần dùng thuốc chống đông sau đó….
Thông qua trường hợp bệnh nhân H., TS.BS Trần Chí Cường cũng khuyến cáo mọi người: “Trong thời gian vừa qua, tình hình đột quỵ đang rất căng thẳng với số lượng bệnh nhân tăng đột biến, đặt biệt là người trẻ, nên mọi người tuyệt đối không được lơ là trong việc chẩn đoán, điều trị sớm.”
Bác sĩ Cường cho biết, thời gian vàng trong cấp cứu đột quỵ tối đa là 6 giờ. Nếu bệnh nhân đến trễ việc cấp cứu và điều trị sẽ vô cùng khó khăn, thậm chí nhiều trường hợp không thể cứu chữa do trễ giờ vàng.
Có 3 dấu hiệu nhận biết bệnh nhân đột quỵ là mặt méo, yếu liệt tay chân, nói khó. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến xuất huyết não, ngoài dị dạng, dị tật có sẵn trong người thì bệnh nhân có thể có bệnh nền kèm theo như tăng huyết áp đột biến (180-200mmHg), hoặc tăng huyết áp đơn thuần cũng có thể gây xuất huyết não trên bệnh nhân có nhiều bệnh nền, lớn tuổi.
Nếu xuất huyết não ít có thể chữa bằng thuốc và theo dõi đơn thuần, vì máu bầm sẽ tự tan. Nhưng nếu xuất huyết não ồ ạt, người bệnh hôn mê và tử vong, mặc dù có đầy đủ tất cả trang thiết bị.