Chiến đấu cơ F-22A thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1997, mở ra một kỷ nguyên mới trong việc phát triển các thế hệ máy bay chiến đấu phản lực và tạo cảm hứng cho một loạt các dòng máy bay chiến đấu tương tự.
Hai mươi năm sau, F-22 Raptor vẫn là "vua bầu trời". Tuy nhiên, dòng chiến đấu cơ vốn được Không quân Hoa Kỳ dự định sẽ tiếp tục sử dụng đến năm 2060 này dự kiến sẽ được cập nhật một loạt nâng cấp quan trọng để đảm bảo vận hành tốt.
Tiêm kích F-22A Raptor ban đầu được thiết kế để thay thế cho chiếc F-15C Eagle. Ngay từ đầu nó đã được thiết kế là chiến đấu cơ đầu tiên của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 kể từ sau Chiến tranh thế giới II (thế hệ thứ 4 bao gồm các dòng máy bay như F-16 và F/A-18).
Theo đó, F-22A Raptor có khả năng bay với vận tốc 1,5 tốc độ âm thanh mà không cần ống phản lực phụ đốt sau, khả năng tàng hình cao, vũ khí và hệ thống điều khiển điện tử hàng không hiện đại.
Trong khi F-22A Raptor hiện được xếp vào dòng máy bay hiện đại nhất thế giới, nó sẽ không thể mãi độc chiếm vị trí này. Ban đầu, Lầu Năm Góc đặt hàng 750 chiếc F-22A Raptor, nhưng cuối cùng chỉ mua chưa đầy 200 chiếc.
Những chiếc chiến đấu cơ này cũng thiếu một số thay đổi về công nghệ được phát triển kể từ khi nó được đưa vào sử dụng.
Bao gồm khả năng kết nối mạng nâng cao cho phép chia sẻ dữ liệu với các máy bay quân sự khác của quân đội Mỹ cũng như cho phép phi công ngắm bắn mục tiêu bằng các tên lửa dẫn đường hồng ngoại như AIM-9X Sidewinder chỉ đơn giản bằng cách quay mũ phi công về hướng mục tiêu.
Máy bay F-22 được nâng cấp rất ít, và một "Bản nâng cấp giữa vòng đời" toàn diện đã được lên kế hoạch thực hiện vào năm 2024. Phiên bản này sẽ đem lại sự cải tiến đáng kể cho cả phần cứng và phần mềm, và mỗi chiếc F-22 sẽ được bổ sung thêm nhiều tính năng, trong đó có hệ thống chỉ thị mục tiêu gắn trên mũ phi công.
Kế hoạch nâng cấp F-22 là nhằm tăng cường năng lực chiến đấu của máy bay và bảo đảm cho Không quân Mỹ chống lại được các đối thủ tiềm năng, đặc biệt là các dòng tiêm kích thế hệ thứ 5, thậm chí là thế hệ thứ 6 của Nga.
Mặc dù vậy, bản cập nhật năm 2024 đang là mối lo ngại cho ngân sách quốc phòng Mỹ. Không quân Mỹ sẽ cần phải tìm kiếm các nguồn lực tài chính cần thiết trong khi phải chi trả cho các dòng máy bay chiến đấu F-35, máy bay tiếp dầu KC-46 Pegasus, máy bay ném bom tàng hình B-21 Spirit, máy bay huấn luyện T-X, và tên lửa hạt nhân đánh chặn chiến lược từ mặt đất.
Thêm vào đó, bản nâng cấp mới nhất của F-22, Penetrating Counter Air, sẽ đòi hỏi một khoản chi phí rất lớn cho việc nghiên cứu và phát triển trong khoảng thời gian 10 năm trước khi đưa bản thay thế này vào sử dụng.
Nhiều nhà quan sát - phát triển của Không quân Mỹ đều cho rằng, trong tình hình hiện nay nhất định phải nâng cấp F-22 nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong cuộc chiến chiếm ưu thế trên không.
Họ cho rằng, phiên bản mới sẽ vượt trội hơn hẳn phiên bản máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 và thậm chí thế hệ thứ 6 của Nga về tốc độ, khả năng cơ động, vũ khí trang bị và khả năng tàng hình.
Tuy nhiên một số chuyên gia tỏ ra nghi ngờ khả năng thực sự của phiên bản nâng cấp F-22 mới này và không dám khẳng định phiên bản F-22 mới đủ khả năng là đối trọng của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Nga.
Các đối thủ tiềm năng như Nga và Trung Quốc đang thiết kế hàng loạt vũ khí để đánh bại những máy bay chiến đấu tàng hình của Mỹ như F-22 và F-35. Nhiều khả năng F-22 sẽ kết hợp với máy bay chiến đấu "Xuyên lưới phòng không" (PCA) thế hệ 6; theo đó, F-22 sẽ thế chỗ F-15, trong khi PCA sẽ nhận nhiệm vụ của F-22 hiện nay.