Sarmat chính thức trở thành ICBM mạnh nhất thế giới

TUẤN SƠN |

Ngày 25-6, theo các thông tin được Bộ Quốc phòng Nga công bố, tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) thế hệ thứ 5 Sarmat đã chính thức trở thành dòng ICBM mạnh nhất thế giới với khả năng mang theo đầu đạn nặng 10 tấn và tổng trọng lượng toàn tên lửa đạt 100 tấn. ICBM Sarmat được đặt tên định danh là RS-28.

Nguồn tin trên cũng cho biết thêm, ICBM Sarmat có kết cấu hai tầng, sử dụng động cơ nhiên liệu lỏng do Energomash phát triển.

Tầm bắn của Sarmat được xác định vào khoảng 16.000km cho phép ICBM này có thể bắn theo phương thức vòng qua hai cực của Trái đất.

Cùng với tầm bắn xa, ICBM mới cũng sử dụng hệ thống dẫn đường kép và thế hệ đầu đạn tự dẫn mới tự cơ động quỹ đạo cho phép tấn công với độ chính xác cao và xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương ở thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai.

Theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng Nga, ICBM Sarmat sẽ chỉ có phiên bản giếng phóng và thay thế cho các đơn vị ICBM R-36M2 Voevoda (tên NATO: SS-18 Mod 6 Satan) tại các căn cứ ở Orenburg và Krasnoyarsk từ cuối năm 2016. Kế hoạch này sẽ hoàn thành trước năm 2020.

Sarmat chính thức trở thành ICBM mạnh nhất thế giới - Ảnh 1.

ICBM sử dụng nhiêu liệu lỏng luôn là "nắm đấm hạt nhân chiến lược" của Lực lượng tên lửa chiến lược Nga

Sarmat chính thức trở thành ICBM mạnh nhất thế giới - Ảnh 2.

Với tổ hợp đầu đạn hạt nhân nặng tới 10 tấn, ICBM Sarmat có thể hủy diệt khu vực có diện tích bằng bang Texas hay lãnh thổ nước Pháp.

Sarmat chính thức trở thành ICBM mạnh nhất thế giới - Ảnh 3.

Giếng phóng chứa ICBM của Nga.

Bộ Quốc phòng Nga khẳng định việc trang bị ICBM Sarmat là sự đáp trả lại chiến lược “Đòn tấn công nhanh toàn cầu” của Mỹ và đảm bảo sự cân bằng chiến lược hạt nhân giữa hai cường quốc này.

Liên quan tới ICBM Sarmat, trong bài phát biểu mới đây, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov nhấn mạnh, ICBM mới có thể vượt qua hầu như mọi hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và phương Tây. Tới năm 2020 lực lượng hạt nhân chiến lược Nga sẽ được trang bị lại 100% chứ không phải là 70% như các tuyên bố trước đó.

Đánh giá về khả năng chiến đấu của Sarmat, ông Y. Borisov cho biết, việc sử dụng các quỹ đạo phóng qua hai cực của Trái đất buộc Mỹ phải tái triển khai lại hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều lớp không chỉ ở các hướng tiếp giáp với Nga, mà là bao quanh lãnh thổ nước này. Đây là việc làm cực kỳ phức tạp và tốn kém và chưa chắc đã có hiệu quả.

Trong chiến lược tấn công hạt nhân của Nga, các dòng ICBM cơ động và trên tàu ngầm như Topol-M, Yars, Bulava thường được sử dụng cho các đòn đánh răn đe và phủ đầu, còn các ICBM giếng phóng mang đầu đạn lớn thường là đòn đánh quyết định vào các vị trí chiến lược của đối phương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại