Sai lầm nối tiếp sai lầm khiến AstraZeneca mất đi hình ảnh “anh hùng" giữa đại dịch

HỒNG ANH, |

Những sai lầm liên tiếp đã khiến AstraZeneca phải hứng chịu lời chỉ trích gay gắt từ các nhà hoạch định chính sách, các quan chức y tế và làm lu mờ hình ảnh của công ty từng được coi là “anh hùng” trong cuộc khủng hoảng Covid-19.

Sau khi hợp tác với Đại học Oxford, AstraZeneca đã sản xuất thành công vaccine ngừa Covid-19 an toàn và hiệu quả chỉ trong vòng 9 tháng. Đây được coi là một thành tựu lớn mang đến hy vọng giúp chấm dứt đại dịch.

Nhưng một loạt sai lầm đã khiến AstraZeneca phải hứng chịu những lời chỉ trích gay gắt từ các nhà hoạch định chính sách, các quan chức y tế và làm lu mờ hình ảnh của công ty từng được coi là “anh hùng” trong cuộc khủng hoảng Covid-19.

Sai lầm nối tiếp sai lầm khiến AstraZeneca mất đi hình ảnh “anh hùng giữa đại dịch - Ảnh 1.

Vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca. Ảnh: CNN.

Hãng dược phẩm liên doanh Anh - Thụy Điển AstraZeneca đã mắc sai lầm khi tiêm cho một số tình nguyện viên nửa liều vaccine Covid-19 trong quá trình thử nghiệm lâm sàng. Họ cũng bị chỉ trích vì đã bỏ qua các thông tin quan trọng trong tuyên bố công khai của mình.

Các nhà điều phối của Mỹ đã đặt câu hỏi tính chính xác của các dữ liệu vaccine mà AstraZeneca thông báo. Sự chậm trễ trong chuyển giao và cung ứng vaccine đã gây ra một cơn bão chính trị và sự đổ vỡ trong quan hệ của công ty này với các nước EU.

“Bước nhảy vọt của niềm tin”

Astrazeneca có rất ít kinh nghiệm về sản xuất vaccine. Trong những năm gần đây, công ty này có được phần lớn doanh thu nhờ vào việc sản xuất các loại thuốc chống ung thư phổ biến như thuốc điều trị ung thư phổi Tagrisso.

Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, AstraZeneca quyết định bước vào cuộc đua phát triển vaccine nhằm “thay đổi cuộc chơi”. Andrew Berens, một nhà phân tích dược phẩm tại SVB Leerink, cho biết: “Tôi từng cho rằng họ không có ý định trở thành một công ty sản xuất vaccine. Lý do họ bắt tay thực hiện công việc này là bởi họ muốn giúp đỡ nhân loại chống lại sự lây lan của dịch bệnh Covid-19”.

Các nỗ lực đã được đền đáp xứng đáng. Anh cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine của AstraZeneca vào cuối tháng 12/2020 và một tháng sau, EU cũng thực hiện động thái tương tự.

Vì vaccine của AstraZeneca rẻ hơn và có thể dễ dàng bảo quản trong điều kiện lạnh thông thường hơn so với các loại vaccine Pfizer (PFE) và Moderna (MRNA), nên nó được coi là một bước đột phá, đặc biệt với những quốc gia kém phát triển, thiếu mạng lưới vận chuyển và phân phối hiện đại.

AstraZeneca đã gây dựng được niềm tin mạnh mẽ khi cam kết cung cấp vaccine không lợi nhuận trong thời kỳ dịch bệnh và phối hợp với Viện huyết thanh của Ấn Độ đặt mục tiêu sản xuất hơn 1 tỷ liều cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Công ty này đã cung cấp hơn 30 triệu liều vaccine cho hơn 58 quốc gia thông qua sáng kiến COVAX (chương trình do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hậu thuẫn nhằm hỗ trợ vaccine cho các nước nghèo, phần lớn do các chính phủ và các tổ chức từ thiện lớn tài trợ).

“Họ đã bước vào một lĩnh vực mà họ chưa từng thử sức trước đó và họ đã làm rất tốt”, Jeffrey Lazarus – người đứng đầu nhóm nghiên cứu hệ thống y tế tại Viện Y tê toàn cầu Barcelona đánh giá.

Sai lầm nối tiếp sai lầm

Thế nhưng sau đó, nhiều vấn đề đã nảy sinh. Trước khi vaccine của AstraZeneca được cấp phép sử dụng khẩn cấp, công ty đã đối mặt với nhiều câu hỏi về dữ liệu của các đợt thử nghiệm quy mô lớn, được công bố vào tháng 11/2020.

Việc các tình nguyện viên được tiêm vaccine với liều lượng khác nhau do lỗi của nhà sản xuất, làm dấy lên nghi ngờ về hiệu quả thực sự của nó. AstraZeneca đã không nhắc đến sai sót này trong thông báo ban đầu, khiến nhiều người cho rằng công ty thiếu minh bạch.

Vào tháng 1/2021, Ủy ban vaccine của Đức khuyến cáo không nên tiêm vaccine của AstraZeneca cho những người trên 65 tuổi, với lý do không có đủ dữ liệu cho nhóm tuổi này. Còn Pháp hạn chế tiêm vaccine cho những người dưới 65 tuổi ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên cả hai quốc gia này đã thay đổi liệu trình tiêm chủng vào đầu tháng 3.

Phát biểu với BBC ngày 24/3, ông Philippe Lamberts – thành viên của Nghị viện châu Âu cho rằng: “Qua những gì chúng ta thấy thì AstraZeneca là một công ty không minh bạch, vì vậy không thể phụ thuộc vào họ”.

Việc AstraZeneca không cung cấp đủ hàng chục triệu liều vaccine theo cam kết cho Liên minh châu Âu - khu vực đang phải nỗ lực triển khai các chương trình tiêm chủng, đã khiến khối này áp đặt các hạn chế đối với việc xuất khẩu vaccine phòng Covid-19. Sau khi hạn chế được đưa ra, Italy đã chặn xuất khẩu 250.000 liều vaccine AstraZeneca sang Australia.

Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID) hồi đầu tuần này bày tỏ lo ngại rằng, AstraZeneca đã công bố những dữ liệu cũ và thiếu chính xác từ các cuộc thử nghiệm về hiệu quả của vaccine. Tiến sỹ Anthony Fauci, giám đốc NIAID cho đây là một sai lầm có thể làm xói mòn niềm tin vào một loại vaccine rất tốt.

AstraZeneca đã cập nhật dữ liệu vào hôm qua (25/3) và thông báo rằng, các cuộc thử nghiệm cho thấy vaccine này đạt hiệu quả 76% trong việc ngăn ngừa các triệu chứng Covid-19. Thế nhưng hồi đầu tuần, AstraZeneca thông báo vaccine đạt hiệu quả 79%. Sự chỉ trích từ các nhà điều phối vaccine của Mỹ là một đòn giáng mạnh vào uy tín của công ty.

“Họ đã phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác”, chuyên gia Jeffrey Lazarus nhấn mạnh.

Sai lầm nối tiếp sai lầm khiến AstraZeneca mất đi hình ảnh “anh hùng giữa đại dịch - Ảnh 3.

Tiêm vaccine AstraZeneca cho người dân tại Anh. Ảnh: CNN.


Chặng đường khó khăn phía trước

Prashant Yadav, chuyên gia về chuỗi cung ứng y tế và là thành viên cấp cao tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu nhận xét rằng, AstraZeneca có lẽ đã ôm đồm quá nhiều công việc cùng một lúc và chưa xây dựng được một chuỗi cung ứng sâu rộng. Vì thế, việc cung cấp vaccine của công ty này khó khăn hơn so với các công ty Pfizer và Moderna.

Song chuyên gia này lưu ý, không phải tất cả những thách thức mà công ty gặp phải đều là hệ quả từ chính những sai lầm của họ, viện dẫn trường hợp hơn 10 nước châu Âu đã tạm dừng tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca vì lo ngại liên quan đến tình trạng rối loạn đông máu.

Cơ quan Quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) đã tiến hành một cuộc đánh giá khẩn cấp vào tuần trước và một lần nữa kết luận rằng vaccine của AstraZeneca đảm bảo sự an toàn.

Tuy nhiên, những lo ngại khác cùng với cáo buộc AstraZeneca công bố sai dữ liệu trong các cuộc thử nghiệm gần đây, chắc chắn sẽ làm giảm sút uy tín của công ty, đặc biệt trong bối cảnh nhiều công ty dược phẩm khác phát triển được những loại vaccine an toàn, hiệu quả nhưng ít tai tiếng hơn.

Ronn Torossian, Giám đốc Điều hành công ty truyền thông 5WPR, lưu ý rằng những sai lầm của AstraZeneca diễn ra vào thời điểm người dân vẫn còn thiếu niềm tin đối với vaccine và chiến dịch tiêm chủng. Điều này sẽ làm gia tăng thách thức đối với công ty.

"Công chúng đã hoài nghi. Vì thế có lẽ sẽ rất khó khăn cho AstraZeneca để lấy lại uy tín và khôi phục niêm tin vào thời điểm này”, ông Ronn Torossian nói./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại