Theo các chuyên gia, trong tình hình hiện nay, khó có thể có một sự can thiệp quân sự trực tiếp nào khi hệ thống phòng thủ của Venezuela - đặc biệt là tổ hợp S-300 được mua của Nga - có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho không quân Mỹ.
Trên thực tế, các lời đe dọa lựa chọn vũ lực của Washington sẽ sử dụng như một biện pháp gây áp lực tâm lý đối với chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro, RT dẫn lời các nhà phân tích nhận định.
Khả năng can thiệp
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng quân đội Mỹ có thể tiến hành một hoạt động quân sự ở Venezuela. Các hệ thống tên lửa phòng không của Nga đang phục vụ trong quân đội quốc gia Mỹ Latinh sẽ không can thiệp vào việc này, ông nói trong một cuộc phỏng vấn với CNN.
Theo Ngoại trưởng Pompeo, không ai có thể đánh giá sai về khả năng của lực lượng vũ trang Mỹ. Nếu Tổng thống Donald Trump quyết định can thiệp Venezuela, quân đội sẽ thực thi mệnh lệnh "theo cách sẽ đạt được kết quả mà tổng thống mong muốn", RIA Novosti dẫn lời ông Pompeo.
Đây không phải là lần đầu tiên các quan chức Mỹ nói về sự can thiệp ở Venezuela. Thậm chí, một cuộc xâm lược quân sự vào quốc gia này còn được chính Tổng thống Trump cho biết rằng, "mọi thứ đang được cân nhắc".
Tuy nhiên, các chuyên gia tỏ ra hoài nghi về khả năng của Mỹ trong việc can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở Venezuela. Các nhà phân tích tin rằng, ông Pompeo đã đánh giá thấp sự kháng cự mà các lực lượng vũ trang Venezuela có thể đáp trả đối với quân đội Mỹ.
Có ba hệ thống phòng không đang phục vụ Venezuela: Tor, Buk, S-300. Cùng với nhau, ba tổ hợp này có thể tạo ra một hệ thống phòng thủ nhiều lớp, giúp đẩy lùi mọi cuộc tấn công trên không.
"Mỗi tổ hợp thực hiện nhiệm vụ riêng của mình: S-300 hoạt động đối với các mục tiêu lớn, như máy bay, bao gồm máy bay tàng hình, máy bay trinh sát", theo nhà phân tích Alexey Leonkov của Tạp chí Fatherland, nói trong một cuộc phỏng vấn với RT.
Trong khi đó, Buk và Tor sẽ lĩnh vai trò khắc chế các mục tiêu khác, bao gồm máy bay chiến thuật, tên lửa hành trình, chuyên gia nói thêm.
"Với việc sử dụng hợp lý các hệ thống phòng không này, Venezuela có thể xây dựng hệ thống phòng không rất nhiều lớp, cho phép gây ra thiệt hại đáng kể cho phía tấn công", ông Leonkov nói.
Tuy nhiên, chuyên gia này tin rằng nếu phe tấn công tạo ra ưu thế ở trên không hoàn toàn, hệ thống phòng không sẽ không thể ngăn chặn hoàn toàn cuộc tấn công, mặc dù nó sẽ gây ra thiệt hại đáng kể cho kẻ thù.
Venezuela có lực lượng quân sự khoảng 123.000 người
Nhà phân tích cũng lưu ý, trong quân đội Venezuela, lực lượng ấn tượng nhất không chỉ là phòng không. Sức mạnh của quốc gia này còn bao gồm lực lượng vũ trang 123.000 người, chưa kể 220 nghìn thành viên bán quân sự khác, theo báo cáo của RIA Novosti.
Các lực lượng bọc thép của quân đội Venezuela được tạo thành từ 92 xe tăng T-72B1V do Nga sản xuất, khoảng 80 xe tăng AMX-30 của Pháp và 123 xe tăng BMP-3M được Nga hiện đại hóa.
Cùng trong biên chế quân đội Venezuela còn có 114 xe bọc thép BTR-80A của Nga và vài chục xe của Trung Quốc và Pháp. Pháo tự hành của Venezuela - chủ yếu là sản xuất của Nga như Msta-S, hay pháo phản lực phóng loạt Smerch 300 mm.
Niềm tự hào của quân đội Venezuela còn là không quân với 23 chiếc Su-30MK2V của Nga. Venezuela cũng có một hạm đội khá tốt ở Nam Mỹ với ba tàu khu trục tên lửa do Italia sản xuất, hai tàu ngầm mua ở Đức và nhiều tàu pháo tuần tra.
Chuyên gia Leonkov cho rằng, Tổng thống Maduro có đủ cơ hội để đẩy lùi một cuộc tấn công từ bên ngoài. Do đó, Mỹ chưa quyết định về một hoạt động quân sự ở Venezuela.
Người Mỹ hiện đang cố gắng thuyết phục các quốc gia khác dọn đường cho họ, nhưng cho đến nay điều này vẫn chưa xảy ra, ông kết luận.
Gây áp lực tâm lý
Theo giới phân tích, Mỹ đang tìm kiếm cơ hội "mượn tay" lực lượng vũ trang của các nước láng giềng Colombia và Brazil nhằm chống lại Venezuela.
"Những đồng minh ủng hộ lý tưởng của Venezuela sẽ không thể ngồi yên nếu quân đội Colombia ủng hộ cuộc xâm lược của Mỹ", chuyên gia về Mỹ La tin h Vladimir Travkin nói trong một cuộc phỏng vấn với RT.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonard cũng sẽ gặp phải sự phản đối nghiêm trọng ở quê nhà nếu ông cố gắng cung cấp hỗ trợ quân sự cho Mỹ.
"Quân đội Brazil sẽ không ủng hộ cuộc xâm lược Venezuela. Họ hiểu mọi thứ sẽ nguy hiểm như thế nào khi tiến hành chiến tranh bởi có hàng triệu người ở phía sau chỉ trích, ông Travkin nói.
Cũng vì lý do này, Washington hiểu rằng họ không thể trong mong gì vào một cuộc xâm lược quân sự được tiến hành bởi Colombia và Brazil vào Venezuela.
"Hai quốc gia này có thể hỗ trợ sự can thiệp của Mỹ hoặc trở thành những người tham gia chính trong nỗ lực gây ra tâm lý chiến đối với chính quyền Venezuela", Travkin nhận định.
Theo Travkin, người Mỹ sẽ không xâm chiếm, nhưng sẽ khuấy động tình hình ở Venezuela từ bên trong.