Rộ trào lưu "tiêm truyền thuốc phòng đột quỵ": Bác sĩ lý giải

Ngọc Minh |

Gần đây, nhiều người dân mách nhau đi tiêm, truyền một số loại thuốc để "phòng đột quỵ". Tuy nhiên, phương pháp này có thật sự hiệu quả? Dưới đây là lý giải của chuyên gia.

Nội dung chính

  • Nhiều người dân rủ nhau "tiêm truyền thuốc để phòng ngừa đột quỵ".
  • Bác sĩ phân tích và cảnh báo nguy cơ.
  • Cách phòng ngừa đột quỵ.

Nhiều người dân rủ nhau "truyền thuốc để ngừa đột quỵ"

Vốn bị tăng huyết áp nhiều năm nay và phải dùng thuốc, ông Đ.V.H (60 tuổi, Thanh Hóa) rất lo ngại nguy cơ đột quỵ. Theo lời mách của một người thân, ông H đã đi "tiêm truyền thuốc để phòng ngừa đột quỵ".

Ông H cho biết hai loại thuốc ông tiêm truyền là Cerebrolysin và Luotai "có tác dụng phòng ngừa đột quỵ".

Tương tự như trường hợp của ông H, mẹ chị N.T.L (Đông Anh, Hà Nội) cũng bị cao huyết áp từ lâu và vẫn duy trì uống thuốc hàng ngày. Khoảng 10 ngày gần đây, huyết áp của mẹ chị lên xuống thất thường nên đã đi khám.

Mẹ chị L được bác sĩ tại phòng khám tư vấn truyền thuốc để "phòng ngừa đột quỵ" trong 10 ngày. Một liệu trình điều trị giá 4 triệu đồng.

Theo chị L, 2 loại thuốc được bác sĩ chỉ định truyền là Cerebrolysin và Luotai. Chị L cũng cho biết thêm tại quê nhà chị, rất nhiều người dân mách nhau đi "tiêm truyền thuốc để ngừa đột quỵ". 

 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Lý giải từ chuyên gia

Bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Mạch máu Việt Nam cho hay, Cerebrolysin là loại thuốc có tác dụng tăng cường tuần hoàn não, tốt cho người lớn tuổi. Luotai là thuốc chiết xuất từ cây tam thất, thường được chỉ định dùng cho những người đã bị đột quỵ để hỗ trợ tan huyết khối.

Hai loại thuốc trên không có tác dụng để ổn định hạ huyết áp và phòng ngừa đột quỵ. Việc dùng hai loại thuốc này cũng phải tuân theo chỉ định của bác sĩ và người dân không nên tự tiêm truyền tại nhà.

Theo bác sĩ Dư Mạnh, đối với trường hợp của ông H và mẹ chị L, gia đình nên đưa người bệnh tới cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và tầm soát nguy cơ như: xơ vữa mạch máu, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não… Với trường hợp bệnh nhân mắc các yếu tố nguy cơ, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị mỡ mau, xơ vữa mạch máu phù hợp.

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người bị đột quỵ. Trung bình cứ 6 người sẽ có 1 người có nguy cơ đột quỵ. Đột quỵ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, chủ yếu là người từ 55 tuổi trở lên. Mặc dù vậy, trong những năm gần đây, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ ngày càng gia tăng, chiếm 10-15% ca mắc.

Cách phòng ngừa đột quỵ đơn giản và hiệu quả

Bác sĩ Dư Mạnh cho hay cách phòng ngừa đột quỵ đơn giản và hiệu quả nhất là thay đổi chế độ ăn uống và lối sống. Khi người bệnh đã thay đổi chế độ ăn uống và tập luyện thể dục nhưng không hiệu quả thì bác sĩ mới chỉ định dùng thuốc.

Ví dụ, với những bệnh nhân xơ vữa mạch máu ở giai đoạn đầu, chưa có triệu chứng, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc chống rối loạn mỡ máu. Trường hợp bệnh nhân mắc huyết áp cao, bác sĩ sẽ tư vấn dùng thuốc kiểm soát huyết áp.

Trong trường hợp bệnh nhân có nguy cơ cao gặp triệu chứng hẹp động mạch, bác sĩ sẽ chỉ định nong dự phòng đột quỵ hoặc đặt stent.

“Tôi vẫn khuyên bệnh nhân rằng ăn uống và tập thể thao là 2 liều thuốc tốt nhất để kiểm soát nguy cơ đột quỵ. Theo đó, chế độ ăn lành mạnh cần tăng cường bổ sung rau xanh, ăn ngũ cốc nguyên hạt; Hạn chế thức ăn chiên rán, đồ ăn nhanh, đồ uống có ga…; Cai thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu biaBên cạnh ăn uống, mọi người cũng cần phải đẩy mạnh tập luyện, tránh thức khuya, hạn chế căng thẳng để phòng ngừa đột quỵ”, bác sĩ Dư Mạnh cho hay.

Lưu ý tới vấn đề huyết áp

Theo Bộ Y tế, tăng huyết áp là tình trạng huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg. Phần lớn người mắc tăng huyết áp đều không rõ nguyên nhân (tăng huyết áp nguyên phát), chỉ có khoảng 10% các trường hợp là có nguyên nhân (tăng huyết áp thứ phát).

Huyết áp tăng dẫn đến áp lực lên thành mạch máu cũng tăng lên, từ đó làm suy yếu mạch máu nhỏ, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ. 

Với bệnh nhân mắc tăng huyết áp, việc kiểm soát, ổn định bệnh được coi là mục tiêu để phòng đột quỵ. Tình trạng huyết áp cao kéo dài, không được kiểm soát là nguyên nhân dẫn tới đột quỵ bao gồm đột quỵ xuất huyết não và đột quỵ nhồi máu não. Có tới 60% bệnh nhân cấp cứu vì đột quỵ đi kèm với tình trạng tăng huyết áp.

Các chuyên gia lưu ý, để biết bản thân bị tăng huyết áp hay không, người dân nên tầm soát chỉ số huyết áp bằng 2 cách:

- Đến cơ sở y tế để khám, đo huyết áp. 

- Tự đo huyết áp tại nhà bằng máy đo huyết áp đạt chuẩn.

Trường hợp huyết áp tăng, người bệnh cần thay đổi lối sống như tập thể dục thường xuyên, hạn chế các món ăn nhiều muối, chất kích thích. Sau 1 tháng, nếu chỉ số huyết áp vẫn ở mức cao thì mọi người nên đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và tư vấn điều trị bằng thuốc kịp thời.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại