Vì sao các chiến lược quân sự của Mỹ luôn bị Nga ám ảnh?

Phạm Khánh |

Theo Russia Insider, với việc Bộ trưởng Không quân Mỹ Deborah James miêu tả Nga là “mối đe dọa lớn nhất”, "Chiến lược Quân sự Quốc gia 2015” của Mỹ có trọng tâm đối phó với mối lo ngại này.

Mục tiêu trước nhất trong chiến lược quân sự mới của Mỹ là nhằm đối phó với “evisionist powers” - những quốc gia chủ trương thay đổi thực trạng, đặc biệt là Nga.

Kế đến, Mỹ muốn đối phó với các tổ chức cực đoan, như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), có khả năng tạo ra các đơn vị có vũ trang.

Washington cho rằng, để thực hiện hai mục tiêu trên, Mỹ cần đang tăng cường tính linh hoạt, tính di động và công nghệ của các lực lượng vũ trang.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Các nhà lãnh đạo Mỹ ủng hộ việc bảo tồn các quy tắc hợp tác quốc tế được thành lập từ năm 1991. Đồng thời, Nhà Trắng đang bắt đầu cảm thấy rằng các cơ chế hiện có để bảo vệ lợi ích của Mỹ là chưa đủ.

Trở lại vào cuối năm 1980, có 4 tranh luận đã giúp hình thành nền tảng trong các chính sách đối ngoại của Mỹ.

Thứ nhất, Mỹ không đạt được mục tiêu quan trọng khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đó là tiềm năng quân sự của Liên Xô đã không bị loại bỏ như mô hình của Đức và Nhật Bản sau Thế chiến II;

Thứ hai, trong tương lai gần, Nga sẽ vẫn là quốc gia duy nhất trên thế giới có khả năng kỹ thuật tiêu diệt được các tiềm năng chiến lược của Mỹ;

Thứ ba, Washington cần phải biện minh cho sự hiện diện của các lực lượng vũ trang Mỹ trên lãnh thổ của các đồng minh, chẳng hạn như các nước châu Âu thuộc NATO, Nhật Bản và Hàn Quốc;

Thứ tư, Mỹ phải lãnh đạo cuộc chiến chống lại "các mối đe dọa phi truyền thống" bao gồm các tổ chức xuyên quốc gia.

Những điểm này cuối cùng đã được quy định rõ trong Chiến lược Quân sự Quốc gia Mỹ năm 1995, trong đó đề ra Bộ Quốc phòng Mỹ phải chống lại các quốc gia đang cố gắng thay đổi trật tự thế giới sau năm 1991.

Để đạt được những mục tiêu trên, Mỹ đã duy trì các ưu thế quân sự, đảm bảo an ninh cho các đồng minh, và chứng minh sự sẵn sàng sử dụng vũ lực tương ứng với bản chất của các mối đe dọa.

Kể từ đó, các chính sách quân sự Mỹ đã tiếp tục phát triển trong khuôn khổ của mô hình này. Theo đó, Nga luôn được cho là một mối đe dọa hàng đầu.

Trong Chiến lược Quân sự Quốc gia Mỹ năm 2015, mối đe dọa tiềm năng hàng đầu vẫn là Nga.

Tài liệu này cáo buộc Moscow "đã nhiều lần coi thường chủ quyền của các nước láng giềng và sẵn sàng sử dụng vũ lực để đạt được mục tiêu của mình".

Bộ trưởng Không quân Mỹ Deborah James.

Bộ trưởng Không quân Mỹ Deborah James.

Tiếp theo là  Iran. Mỹ cáo buộc Iran phát triển vũ khí hạt nhân và gây bất ổn Trung Đông.

Ở vị trí thứ ba là Triều Tiên, sản xuất vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, đe dọa các đồng minh khu vực của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Vị trí thứ tư Trung Quốc. Washington coi Trung Quốc là một mối đe dọa đối với an ninh khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông. Cuối cùng là cuộc chiến chống các tổ chức khủng bố.

Cuộc khủng hoảng Ukraine đã khiến Mỹ đặt sự ưu tiên ở khu vực Baltic và Biển Đen. Tiếp đó là đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi Mỹ đang tìm cách cũng cố vị thế trước sự trỗi dậy và những hành động mạnh mẽ từ phía Trung Quốc.

Chiến lược Quân sự Quốc gia mới của Mỹ thường xuyên nhắc tới mối đe dọa ngày càng tăng về một cuộc chiến tranh với các cường quốc.

Cơ chế đối phó với các cường quốc khác của Mỹ được đánh giá là rất kém nếu chiến tranh khu vực xảy ra.

Theo các tác giả của Chiến lược Quân sự Quốc gia 2015, giải pháp cho vấn đề trên là xây dựng các cơ sở hạ tầng quân sự ở cấp độ khu vực.

Không phải ngẫu nhiên mà mục tiêu đầu tiên trong các cuộc xung đột giả tưởng là ngăn chặn các mục tiêu chính của kẻ thù. Điều này chỉ thực hiện được khi có các lực lượng Mỹ tại các khu vực đang có xung đột.

Trở lại thời Chiến tranh Lạnh, Liên Xô luôn đề cập đến Mỹ là 'glavnyi protivnik' (kẻ thù chính).

Hồi năm 2012, trong chiến dịch tranh cử của mình, ứng cử viên tổng thống Mitt Romney tuyên bố Nga là "đối thủ địa chính trị số một" của nước Mỹ.

Với bình luận trên, ông bị cho là đã phóng đại mối đe dọa từ Nga. Tuy nhiên, hiện giờ, đây lại là quan điểm chủ đạo ở Washington.

Tướng Thủy quân lục chiến Joseph F.Dunford.

Tướng Thủy quân lục chiến Joseph F.Dunford.

Hôm 9/7, Tướng Thủy quân lục chiến Joseph F.Dunford đã phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện trong buổi điều trần nhằm tiến tới việc phê chuẩn cho ông làm Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, rằng: "Nga đang là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia của chúng ta".

Ông nói thêm: "Nếu bạn muốn nói về một quốc gia có thể gây ra một mối đe dọa hiện hữu đối với Mỹ, thì đó chính là Nga".

Theo Russia Insider, kể cả khi xét thuần túy về năng lực, ông Dunford cũng không sai khi cho rằng Nga là một mối đe dọa hiện hữu đối với Mỹ.

Nga đang sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn thứ hai thế giới, và không có thế lực nào khác trên trái đất có khả năng phá hủy nước Mỹ như Nga.

Ngoài ra, Mỹ cũng luôn cho rằng, Moscow luôn có ý định đối đầu với Mỹ. Vũ khí hạt nhân của Anh cũng có thể phá hủy nhiều thành phố ở Mỹ và Pháp cũng vậy.

Tuy nhiên, Mỹ không xem Anh hay Pháp là những mối đe dọa bởi cho rằng không có ý định tấn công Mỹ.

Vậy tại sao Mỹ lại có suy nghĩ như vậy đối với Nga? Washington hiểu rằng, Nga hiện giờ đang có mối liên kết rất lớn với các thị trường quốc tế và phụ thuộc lớn vào những thăng trầm của nền kinh tế thế giới.

Do vậy, nếu Nga tìm cách làm sụp đổ hay phá hủy nước Mỹ thì chẳng khác gì “tự sát”.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn cho rằng điều đó không có nghĩa là Nga sẽ không phản ứng để bảo vệ những lợi ích của mình trước Mỹ.

Liên Xô không tấn công nước Mỹ. Do vậy, ý tưởng cho rằng nước Nga hiện đại, yếu hơn nhiều, ít tham vọng hơn nhiều có thể sẽ làm như vậy là điều khá vô lý.

Tuy nhiên, đối với các nhà lãnh đạo Mỹ, điều đó không có nghĩa là có thể coi nhẹ các mối đe dọa từ Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại