Hôm 11/7, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trình Quốc Bình cho biết tại cuộc họp báo ở Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) 2015, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi lời mời Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tới lễ duyệt binh 3/9 tại Bắc Kinh từ 3 tuần trước.
Tuy nhiên, truyền thông Nhật Bản tiết lộ, ông Tập đã "có lời" với ông Abe trong Hội nghị thượng đỉnh Á-Phi 2015 tại Indonesia hồi tháng 4.
Tờ Yomiuri Shimbun của Nhật đưa tin, tại cuộc hội ngộ hôm 22/4, Tập Cận Bình nói với Shinzo Abe: "Hoạt động kỷ niệm kháng chiến thắng lợi vào tháng 9 tới hoàn toàn không nhằm phê phán nước Nhật ngày nay. Vì vậy, tôi muốn mời ngài tham dự."
Vấn đề "mời hay không mời Nhật Bản tới Ngày Chiến thắng" đã được đài truyền hình NHK của nước này nêu ra với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị từ hôm 8/3.
Ông Vương khi đó đáp rằng: "Chúng tôi sẽ gửi lời mời tới tất cả lãnh đạo quốc gia và tổ chức liên quan. Bất kể là ai, chỉ cần có lòng thành thì đều được Bắc Kinh hoan nghênh."
Yomiuri cho rằng, phát biểu của Vương Nghị cũng là lần đầu tiên Trung Quốc "ám chỉ" nếu Thủ tướng Nhật Abe đáp ứng một số điều kiện của Bắc Kinh thì ông có thể tới tham dự hoạt động kỷ niệm này.
Mặc dù báo chí quốc tế nhiều lần đưa tin về việc ông Abe được mời tới lễ duyệt binh của Trung Quốc, song chính phủ Nhật Bản chưa một lần lên tiếng về vấn đề này.
Ngay cả sau tuyên bố của ông Trình Quốc Bình hôm 11, bộ phận báo chí thuộc Đại sứ quán Nhật Bản tại Trung Quốc cũng cho biết "không nhận được thông tin về việc này".
Đối đầu với Nhật khiến kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng đáng kể, tốc độ tăng trưởng suy giảm. (Ảnh minh họa)
Thực tế là Trung Quốc cần Nhật Bản?
Yomiuri Shimbun ngày hôm nay (14/7) cho biết, Thủ tướng Shinzo Abe đã đáp lại lời mời của ông Tập rằng: "Trừ trường hợp Nhật Bản và Trung Quốc có nhân tố hòa giải, nếu không việc tham dự lễ duyệt binh của Bắc Kinh sẽ rất khó khăn."
Nói cách khác, Yomiuri bình luận, chính ông Abe mới là người đã "ra điều kiện" với phía Trung Quốc.
Bên cạnh đó, dưới góc nhìn của truyền thông Nhật Bản, đại lễ kỷ niệm kháng Nhật thắng lợi không phải sự kiện có ý nghĩa tốt đẹp gì, bởi các quan chức Bắc Kinh hy vọng sự hiện diện của Thủ tướng Nhật sẽ... làm nổi bật vị thế nước chiến thắng của Trung Quốc.
Trang Đa Chiều nhận xét, việc ông Abe tới lễ duyệt binh thực chất chỉ là một hành động "dát vàng" thêm cho Trung Quốc, và gần như không có khả năng Thủ tướng Nhật chấp nhận điều đó... trừ khi Bắc Kinh có sự "nhượng bộ" đáng kể.
Theo Yomiuri, cuộc gặp mặt giữa ông Tập và ông Abe tại Hội nghị thượng đỉnh Á-Phi "bề ngoài có vẻ như do ý nguyện của phía Nhật, nhưng thực ra Trung Quốc là bên mạnh mẽ yêu cầu tổ chức hội kiến".
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ hôm 27/4. Ảnh: AFP
Báo chí Nhật Bản cũng chỉ ra, các hoạt động tuyên truyền "chống Nhật" của Trung Quốc cũng "hạ nhiệt" hơn trước.
Tại hoạt động kỷ niệm 78 năm "sự kiện 7/7" thời kháng Nhật của chính phủ Trung Quốc vừa qua, ông Tập Cận Bình không xuất hiện và phát biểu chỉ trích Nhật Bản như năm ngoái.
Yomiuri đánh giá, động thái này phần nào cho thấy dấu hiệu Bắc Kinh đang chủ động cải thiện quan hệ với Tokyo.
Chính phủ Nhật Bản thì cho rằng, hệ thống quyền lực của ông Tập đã vững chắc và không cần hô hào quá lớn khẩu hiệu "chống Nhật" nữa. Lúc này, lãnh đạo Trung Quốc hy vọng tái thiết quan hệ Trung-Nhật, đặc biệt là khôi phục hợp tác kinh tế song phương.
Yomiuri còn cho rằng, Trung Quốc hiện nay càng cần phải xây dựng và gìn giữ quan hệ chiến lược cùng có lợi với Nhật Bản. Không thể phủ nhận, nguồn đầu tư từ Nhật là nhân tố quan trọng giúp Trung Quốc bứt phá trước hiện trạng tốc độ tăng trưởng kinh tế bị suy giảm.
Việc ông Tập Cận Bình kêu gọi Tokyo gia nhập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) mà Bắc Kinh đứng đầu cũng được cho là nhằm gia tăng niềm tin của AIIB đối với thị trường.
Thủ tướng Nhật Bản cũng thừa nhận tại Hội nghị G7 hôm 7/6 vừa qua: "Sau mỗi lần tôi và ông Tập Cận Bình gặp nhau, quan hệ song phương lại cải thiện đôi chút."
Điều gì khiến Bắc Kinh thay đổi thái độ?
Tàu USS Fort Worth của Hải quân Mỹ bị tàu Trung Quốc đeo bám khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên biển Đông hồi giữa tháng 5.
Tờ Yomiuri nhận định, Bắc Kinh đã bị cô lập ở khu vực nhờ những nỗ lực ngoại giao không nhỏ của Nội các Thủ tướng Abe và sự mạnh mẽ của liên minh Mỹ-Nhật.
Sau khi tái đắc cử chức Thủ tướng, Shinzo Abe đã công du thắt chặt quan hệ với hàng loạt quốc gia Đông Nam Á, đồng thời thắt chặt hợp tác an ninh với một đồng minh khác của Mỹ ở khu vực này là Philippines.
Ngoài ra, Tokyo và Washington cũng bày tỏ mối lo ngại chung đối với những hành động bành trướng của Bắc Kinh ở biển Đông và biển Hoa Đông.
Hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 28/4 trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ, ông Abe đánh giá "quân lực của các quốc gia Đông Bắc Á tại biển Đông là vô cùng yếu ớt" và khẳng định "quân đội Mỹ cũng như liên minh Mỹ-Nhật đóng vai trò then chốt".
Ông Obama "chia sẻ quan điểm" với ông Abe.
Và ngay trong tháng 5, Washington đã có những hành động thiết thực như điều tàu tác chiến ven biển USS Fort Worth vào tuần tra ở biển Đông, đồng thời liên tục có tuyên bố cứng rắn gây áp lực lên các hành vi trái phép của Bắc Kinh.
Đa Chiều nhìn nhận, vai trò của Nhật Bản đối với cục diện hiện tại của châu Á-Thái Bình Dương là không thể phủ nhận. Bắc Kinh đã nhanh chóng nhận ra điều này và dường như họ không có nhiều sự lựa chọn hơn là "ngậm bồ hòn làm ngọt" với Tokyo.