Ngày 23/10, Hội nghị lần thứ 4 Trung ương ĐCS Trung Quốc khóa 18 đã kết thúc sau 4 ngày họp với việc công bố Thông cáo đề ra 6 nhiệm vụ “y pháp trị quốc”, bầu bổ sung 3 ủy viên trung ương dự khuyết, khai trừ khỏi đảng 6 ủy viên trung ương (3 ủy viên chính thức, 3 dự khuyết), nhưng điều gây chú ý nhất cho dư luận là việc không hề nhắc gì đến cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang, khác với những tin đồn trước đó rằng Hội nghị này sẽ quyết định vấn đề sinh mạng chính trị của Chu.
Việc chỉ mới chưa hết nửa nhiệm kỳ Đại hội 18 đã có tới 6 ủy viên trung ương và ủy viên dự khuyết bị khai trừ đảng tịch là điều chưa từng có ở Trung Quốc.
Theo thống kê của tờ Tân Kinh báo, trong cả 4 nhiệm kỳ từ Đại hội 14 đến Đại hội 17 chỉ có tổng cộng 13 ủy viên trung ương và dự khuyết bị kỷ luật, trong đó 11 bị khai trừ, 2 bị lưu đảng.
Đó là chưa kể, vẫn còn 2 ủy viên trung ương dự khuyết khác đã bị “song quy” (tạm giam để điều tra) nhưng chưa bị kỷ luật đảng trong hội nghị TƯ 4 là Trần Xuyên Bình, Bí thư thành ủy Thái Nguyên và Phan Dật Dương, Phó Chủ tịch Khu tự trị Nội Mông.
Theo giải thích của một quan chức Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương thì “do công tác điều tra vấn đề của 2 người này chưa kết thúc, chưa quyết định được việc xử lý kỷ luật đảng đối với họ nên chưa đưa tên họ vào nghị trình hội nghị lần này”…
Nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngờ rằng với việc Thông cáo Hội nghị TƯ 4 không nhắc đến cái tên Chu Vĩnh Khang đồng nghĩa với việc chiến dịch diệt hổ, đập ruồi của ông Tập đã đi đến hồi kết, sẽ không còn thêm "các con hổ lớn" nào khác bị triệt hạ.
Tính tới nay, chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập đã "sờ gáy" ít nhất 51 quan chức cấp tỉnh hoặc cấp bộ, trong đó có Chu Vĩnh Khang và Từ Tài Hậu, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng còn dẫn lời một chuyên gia thuộc Đại học Khoa học Chính trị và Luật ở Thượng Hải cho biết "ông Tập Cận Bình sẽ không nhắm vào bất kỳ một quan chức loại 'con ông cháu cha' nào nữa bởi vì họ đáng tin cậy hơn những quan chức khác".
Tuy nhiên, bản thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố việc "kết thúc chiến dịch không có nghĩa là chấm dứt phương pháp làm việc tốt" và "các kết quả đạt được mới chỉ là bước khởi đầu". Theo thống kê của tờ Nhân Dân Nhật Báo, hơn 74.000 cán bộ bị các cơ quan chống tham nhũng của đảng Cộng sản Trung Quốc điều tra từ khi ông Tập phát động chiến dịch chống tham nhũng vào đầu năm 2013.
Ngay với vụ Chu Vĩnh Khang, khi ông Tập mạnh tay xử lý cựu Ủy viên thường vụ BCT tức là ông đã phá bỏ quy tắc ngầm “hình bất thượng thường ủy” (Ủy viên thường vụ không bị truy cứu hình sự) của Trung Quốc.
Đặc biệt, Hội nghị TƯ 4 đã đưa ra những biện pháp cải cách về tư pháp, trong đó nhấn mạnh việc thúc đẩy pháp quyền và trao quyền độc lập hơn cho hệ thống này. Điều này cũng sẽ tạo điều kiện cho ông Tập tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch diệt trừ tham nhũng và xây dựng một Chính phủ trong sạch.