Mỹ đã đẩy mạnh chiến dịch ngăn chặn khả năng kiếm tiền mặt của IS. Nhóm này được cho là có cả một cỗ máy kiếm tiền tinh vi, thu về hàng chục triệu đôla. Nhờ đó, IS đã trở thành một trong những nhóm cực đoan giàu nhất thế giới, Yahoo News trích lời các quan chức Mỹ cho biết hôm 23/10.
Cụ thể, IS đã kiếm được bộn tiền bằng bán lậu dầu của Iraq, bắt cóc đòi tiền chuộc và tống tiền, phạm luật tại các khu vực mà nó kiểm soát. Không giống al-Qeada, các khoản đóng góp bên ngoài của nhóm này tương đối nhỏ so với dòng tiền của nó.
"Ngoại trừ một số tổ chức khủng bố được quốc gia nào đó tài trợ, thì IS có lẽ là nhóm khủng bố giàu có nhất mà chúng tôi phải đương đầu", Thứ trưởng Bộ Tài chính phụ trách vấn đề khủng bố và tình báo tài chính David Cohen phát biểu tại một tổ chức cố vấn ở thủ đô Washington.
Kể từ giữa tháng 6 cho tới khi Tổng thống Obama quyết định tiến hành các cuộc không kích chống IS tại Iraq và Syria, tổ chức khủng bố Hồi giáo trên đã thu được 1 triệu USD/ngày từ buôn lậu dầu, ông Cohen cho biết. Ông từ chối cho hay, các cuộc không kích của Mỹ bắt đầu từ hôm 23/9, đã gây thiệt hại ra sao cho doanh thu bán dầu của IS.
Việc vận chuyển dầu, dựa vào mạng lưới buôn lậu hoạt động tại những khu vực giàu dầu mỏ tại Iraq, hiện nằm dưới quyền kiểm soát của IS. Nhóm này đã chiết xuất dầu và bán cho những kẻ buôn lậu, một trong số đó sử dụng những tàu chở dầu tương đối lớn, tuồn nó ra chợ đen.
Với mức giá chính thức trên thị trường vào khoảng 100 USD/thùng, vào lúc đỉnh điểm IS có thể bán được 10.000 thùng. Tuy nhiên, ông Cohen nói, IS đã bán dầu với giá chiết khấu và như vậy số lượng dầu nó bán ra còn lớn hơn rất nhiều.
Theo ông Cohen, IS bán dầu cho những kẻ trung gian, gồm cả những lái buôn ở Thổ Nhĩ Kỳ. IS cũng bán dầu cho người Kurd tại Iraq, rồi họ lại bán lại cho Thổ Nhĩ Kỳ.
IS cũng kiếm được rất nhiều tiền từ việc bắt cóc đòi tiền chuộc: Ước tính 20 triệu USD trong năm 2014.
Nguồn thu lớn thứ ba của IS là tống tiền, cướp bóc và gây tội ác tại những vùng đất thuộc Syria, Iraq mà nhóm này đang kiểm soát, ông Cohen nói thêm. Số tiền nhóm này kiếm được lên tới vài triệu đô la một tháng. IS đòi tiền của chủ các doanh nghiệp, của du khách và đôi khi tới từng nhà, từng công ty chĩa súng đòi tiền.
"Đó không phải là tiền trả cho dịch vụ hay sự bảo vệ thực sự. Số tiền mà IS lấy là để đổi lại sự đảm bảo an toàn tạm thời", ông Cohen cho hay. IS cũng cướp ngân hàng, cướp phá đồ cổ, bán phụ nữ và bé gái vào nhà thổ làm nô lệ tình dục.
Không giống các tổ chức khủng bố khác hoạt động ở những vùng xa xôi hẻo lánh, hoạch định âm mưu trong bóng tối, IS có căn cứ, trụ sở, trại huấn luyện ở Syria va Iraq. Nhóm này cũng định giành sự ủng hộ của người dân bằng cách cấp miễn phí các dịch vụ công như điện và nước - vốn rất đắt đỏ.
Theo kế hoạch, Chính phủ Iraq định chi khoảng hơn 2 tỷ USD cho khu vực đang nằm dưới sự kiểm soát của IS. Ông Cohen nói: "Tôi không có ý nói IS định cung cấp các dịch vụ như những gì Chính phủ Iraq định làm, mà chỉ nói con số để các bạn có ý tưởng về quy mô chi phí".