Lịch sử khốc liệt của tờ báo Nga khiến Kremlin phẫn nộ

My Lan |

Suốt hơn 20 năm gây dựng danh tiếng bằng rất nhiều các bài điều tra xã hội, chính trị, báo Nga Novaya Gazeta đã phải trải qua không ít vụ kiện tụng và những mất mát về con người.

Báo Nga công bố "tài liệu chấn động về Ukraine", Kremlin phẫn nộ

Những vụ thua kiện

Đầu tuần qua, tờ báo đối lập ở Nga Novaya Gazeta đã khiến dư luận dậy sóng khi công bố một tài liệu mà nội dung là kế hoạch của Nga nhằm can thiệp vào Ukraine trước cả khi ông Yanukovych bỏ trốn.

Sau khi tài liệu này được công bố, báo Mỹ The New York Times đã dẫn tuyên bố của phát ngôn viên điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, khẳng định, đây có thể là trò lừa bịp.

"Tôi không biết tài liệu này có tồn tại hay không, tôi không biết ai có thể là tác giả, nhưng có một điều chắc chắn rằng, nó chẳng liên quan gì tới Kremlin", ông Peskov nói.

Còn khi trả lời CNN, ông Peskov đã bình luận về Novaya Gazeta "Đó là một tờ báo mà nhiều khi đăng những bài viết khó tưởng tượng nổi..."

Cũng liên quan đến bài báo nói trên, đại diện báo chí của doanh nhân Konstantin Malofeev, người bị Novaya Gazeta cáo buộc là đồng tác giả kế hoạch "khuấy động Ukraine" tuyên bố có thể sẽ kiện tờ báo.

Song, kiện cáo có vẻ đã không còn là điều xa lạ với tờ báo này.

Đầu những năm 1990, Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev đã sử dụng một phần trong số tiền thưởng của giải Nobel hoà bình để thành lập Novaya Gazeta.

Tờ này bắt đầu đi vào hoạt động ngày 1/4/1993.

Ông Gorbachev hiện chỉ còn 10% cổ phần của tờ báo. 39% cổ phần thuộc về doanh nhân Aleksandr Lebedev, và 51% còn lại do nhân viên của tờ này nắm giữ.

Tháng 2/2002, Novaya Gazeta bị kết tội phỉ báng và bị buộc phải trả 1 triệu USD cho thẩm phán Alexander Chernov vì bài báo bị tòa kết luận là "bịa đặt", trong đó cáo buộc ông thẩm phán sống xa hoa hơn những gì ông thực có.

Tới năm 2004, Novaya Gazeta tiếp tục phải hầu toà vì bài báo tố ông Sergey Kiriyenko, khi còn là Thủ tướng Nga năm 1998, đã biển thủ 4,8 tỉ USD tiền vay từ Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF để mua bất động sản ở Mỹ.

Bằng chứng mà Novaya Gazeta dựa vào để viết bài chỉ là một lá thư được cho là do 5 nghị sĩ nước này cùng kí tên để gửi tới Ngoại trưởng Colin Powell, xuất hiện trên trang web của tổ chức có tên là Hội đồng Quốc phòng Mỹ.

Chỉ một tháng sau, Novaya Gazeta đã bị một phen bẽ bàng khi biên tập viên của tờ báo lá cải bằng tiếng Anh ở Nga The Exile tiết lộ rằng lá thư hoàn toàn do anh ta dựng lên và cố tình "rò rỉ" cho Gazeta.

Vì sự vội vàng này mà Novaya Gazeta đã buộc phải thu hồi toàn bộ các ấn phẩm bôi nhọ ông Kiriyenko, đồng thời công khai hứa sẽ chỉ đăng những thông tin chính thức về cựu Thủ tướng và cáo buộc tham nhũng, nếu có.

Phó Tổng biên tập chết bí ẩn

"Ông ấy kêu mệt. Các đốm đỏ bắt đầu xuất hiện trên da ông ấy. Nội tạng của ông ấy, từng phần một, dần bị phá huỷ. Rồi ông ấy rụng gần hết tóc".

Đó là lời kể của một nhân chứng với BBC về căn bệnh bí ẩn đã cướp đi sinh mạng của nhà báo Yuri Shchekochikhin, phó Tổng biên tập Novaya Gazeta năm 2003, ở tuổi 53.

Ông Yuri Shchekochikhin

Ông Yuri Shchekochikhin

Sự ra đi quá đột ngột và nhanh chóng - chỉ 16 ngày sau khi phát bệnh, đã khiến gia đình và đồng nghiệp của ông Shchekochikhin tới nhiều năm sau vẫn nghi ngờ rằng, có khả năng ông bị đầu độc.

Ở thời điểm trước khi chết, ông Shchekochikhin đang tích cực điều tra bê bối của chuỗi trung tâm mua sắm nội thất Three Whales - nơi được một số quan chức cấp cao của Cơ quan an ninh FSB, gồm cả phó Giám đốc chống lưng.

Sự việc của Three Whales vỡ lở năm 2000, khi trung tâm này bị hải quan Nga phát hiện khai man giá cả và khối lượng hàng hoá nhằm buôn lậu đồ nội thất lên tới 400 tấn vào trong nước.

Điều đáng chú ý là, ông Shchekochikhin phát bệnh chỉ vài ngày trước khi bay tới Mỹ gặp gỡ các điều tra viên của FBI. Nhiều người tham gia điều tra vụ việc cũng liên tiếp bị sát hại trong năm 2002 - 2003.

Trước đó, ông Shchekochikhin cũng từng bị doạ giết chỉ vì loạt bài điều tra này.

Năm 2006, sau nhiều cuộc điều tra, nhiều cáo buộc, không ít lần bắt giữ và kết tội không thành, thậm chí có những người phải hi sinh tính mạng, vụ bê bối của Three Whales đã được giải quyết.

Ông chủ Three Whales, Sergey Zuev, Giám đốc điều hành công ty mẹ Andrey Latushkin, 2 kẻ buôn lậu và một số thành viên trong đường dây này đã bị kết tội.

Một số quan chức, nhân viên chính phủ, kể cả nhân viên FSB, tham gia quá trình điều tra vụ việc và khiến nó trở thành bê bối kéo dài hàng năm trời cũng bị sa thải, hoặc phải chủ động từ chức.

Các nhà báo bị sát hại

Các phóng sự điều tra động chạm tới nhiều nhân vật máu mặt, nhiều vấn đề gai góc đã khiến không ít các cây bút của Novaya Gazeta bị đe dọa, nhiều người trong số đó phải đánh đổi bằng cả mạng sống.

Ngày 7/10/2006, Novaya Gazeta mất đi một nhà báo nổi tiếng, tác giả của nhiều phóng sự về xung đột ở Chechnya - nữ nhà báo Anna Politkovskaya.

Politkovskaya bị một nhóm sát thủ chuyên nghiệp theo dõi sát sao trước khi mật phục, bắn nhiều phát vào đầu, vai, ngực ở khoảng cách rất gần, tại khu nhà của mình, khiến bà tử vong ngay tại chỗ.

Cái chết của nữ nhà báo nổi danh này đã khiến cả nước Nga và dư luận thế giới xôn xao, nhiều quốc gia phương Tây đặc biệt chú ý. Đại sứ quán Mỹ, Anh, Đức cử người tham dự lễ tang của bà.

Đích thân Tổng thống Mỹ Bush đã gọi điện cho người đồng cấp Nga hỏi thăm tình hình. Thủ tướng Đức Angela Merkel, trong chuyến thăm của Putin tới Berlin, cũng không quên nhắc về nhà báo này. Bản thân Tổng thống Nga tuyên bố sẽ cho làm rõ vụ việc.

Người Nga thương tiếc bà Anna Politkovskaya

Người Nga thương tiếc bà Anna Politkovskaya

Sau 5 năm, cựu trung tá cảnh sát Dmitry Pavlyuchenkov đã bị bắt giữ và rồi bị kết tội chủ mưu gây ra vụ việc. Các sát thủ và cựu nhân viên FSB Pavel Ryaguzov, người đã cung cấp địa chỉ nhà bà, cũng đã bị bắt và đưa ra xét xử.

Thế nhưng, gia đình nữ nạn nhân cho rằng hung thủ thực sự vẫn chưa bị đưa ra trừng trị.

Trưởng công tố Nga năm 2007 Yuri Chaika từng cho rằng, nhiều dấu hiệu cho thấy vụ việc bị các thế lực chống Kremlin giật dây từ nước ngoài mà kẻ đứng đầu là một ông trùm Chechnya, nhằm hạ uy tín của Nga.

Cũng trong năm 2006, nhà báo Sveta Olyuk của Novaya Gazeta bị giết hại.

Năm 2009, nhà báo Stanislav Markelov và cộng tác viên Anastasia Baburova của tờ này bị bắn chết tại Moscow khi rời khỏi buổi họp báo bày tỏ bày tỏ sự phản đối trước việc một cựu sĩ quan quân đội Nga sớm được trả tự do khi thụ án bắt cóc, sát hại một phụ nữ.

Còn nhà báo Natalya Estemirova thì bị bắt cóc và bị sát hại ở Chechnya.

Tổng cộng đã có 6 nhà báo của Novaya Gazeta bị sát hại từ năm 2001 đến nay.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại