Việt Nam sản xuất Kh-35UV để hiện đại hóa lực lượng tên lửa bờ?

Dương Phạm |

(Soha.vn) - Phần lớn lực lượng tên lửa bờ của Hải quân nhân dân Việt Nam đã cũ kỹ lạc hậu, cần nhanh chóng nâng cấp bằng tên lửa Kh-35UV sắp được sản xuất.

Hiện nay, lực lượng tên lửa bờ của Hải quân nhân dân Việt Nam gồm 3 lữ đoàn: Lữ đoàn 681 trang bị 2 hệ thống K-300P Bastion-P; lữ đoàn 680 trang bị hệ thống 4K51 Rubezh và lữ đoàn 679 với hệ thống 4K44 Redut trong biên chế. Có thể dễ dàng nhận thấy trong 3 đơn vị trên, ngoài lữ đoàn 681 được trang bị vũ khí - khí tài mới, hiện đại có sức chiến đấu cao thì 2 đơn vị còn lại chỉ được trang bị những hệ thống đã cũ, sức chiến đấu không cao, cần sớm được thay thế.

Tên lửa P15 của hệ thống Rubezh

Tên lửa P-15 của hệ thống Rubezh

Hệ thống tên lửa bờ 4K51 Rubezh trang bị cho lữ đoàn 680 do Liên Xô nghiên cứu chế tạo và đưa vào sử dụng từ thập niên 1980. Tổ hợp 4K51 gồm 1 xe mang phóng 3P51 (cải tiến dựa trên xe vận tải hạng nặng MAZ-543) sử dụng để đặt radar điều khiển hỏa lực cùng cụm ống phóng KT-161 mang 2 tên lửa hành trình đối hạm P-15 M.

Mặc dù hệ thống Rubezh có tuổi đời chưa quá cao nhưng lại sử dụng đạn tên lửa quá cũ, tên lửa P-15 Termit (SS-N-2 Styx) ra đời từ những năm 1950 có tầm bắn 80 km, tốc độ tối đa Mach 0,9 và mang đầu đạn bán xuyên giáp nặng 513 kg. P-15 có kích thước khá lớn, bay hành trình cao (giai đoạn cuối tên lửa vẫn còn ở độ cao trên 100m), tốc độ chậm, khả năng cơ động kém nên rất dễ bị đánh chặn bởi các chiến hạm hiện đại có hệ thống phòng thủ tiên tiến, ngoài ra nó còn rất dễ bị gây nhiễu trong môi trường tác chiến điện tử dày đặc.

Tên lửa P-35B của hệ thống Redut

Tên lửa P-35B của hệ thống Redut

Tương tự Rubezh, hệ thống Redut của lữ đoàn 679 cũng đã rất cũ kỹ lạc hậu khi ra đời từ những năm 1950. Thành phần của 4K44 gồm: xe radar điều khiển 4R45 Skala và xe mang phóng SPU-35B hoặc SPU-35V (mỗi xe mang 1 tên lửa). Thông thường tổ hợp Redut gồm 1 xe radar Skala và 3 xe mang phóng tên lửa.

Tổ hợp 4K44 sử dụng tên lửa hành trình đối hạm tầm xa P-35 (SS-N-3 Shaddock). Đây là loại tên lửa cỡ lớn dài 10,2m; đường kính thân 1m; sải cánh 5m; trọng lượng phóng 5,4 tấn; mang đầu đạn nặng 800 kg. Tên lửa có tốc độ Mach 1,4; dùng hệ dẫn đường quán tính kết hợp radar chủ động pha cuối có tầm bắn lên tới 460 km (550 km với phiên bản P-35B). Mặc dù có tầm bắn xa và đầu đạn lớn nhưng tên lửa P-35 vẫn không tránh khỏi những hạn chế của thế hệ tên lửa được Liên Xô phát triển vào thời kỳ này như dễ bị gây nhiễu, tính cơ động kém và nhất là kích thước cùng độ cao hành trình quá lớn (P-35 bay hành trình ở độ cao 4.000-7.000m và 400m ở giai đoạn cuối) khiến nó trở thành mục tiêu quá lý tưởng cho các hệ thống phòng không trên chiến hạm tập bắn.

Có nhiều ý kiến cho rằng mặc dù không còn thích hợp để tấn công tàu chiến nhưng 2 loại tên lửa trên vẫn hữu dụng khi mục tiêu của chúng không có khả năng phòng thủ tốt, chẳng hạn như tàu vận tải. Tuy nhiên, phải lật ngược lại vấn đề rằng liệu kẻ địch có ngây thơ đến mức cho tàu vận tải hay tàu đổ bộ đi hiên ngang trong tầm bắn của P-35 hay là chúng sẽ tránh ra xa hoặc sẽ cử tàu hộ vệ đi kèm. Nếu gặp trường hợp đó thì hệ thống Rubezh hay Redut chỉ có tác dụng kéo dãn đội hình và tăng chi phí chiến tranh cho kẻ địch mà thôi.

Tên lửa Kh-35 Ural E của hệ thống Bal-E

Tên lửa Kh-35 Uran E của hệ thống Bal-E

Với những hạn chế lớn nêu trên, việc thay thế các hệ thống tên lửa bờ đã cũ là điều cần sớm được triển khai. Ngoài việc tăng cường mua thêm các tổ hợp K-300P Bastion thì có lẽ Việt Nam cũng đã tính tới khả năng tự phát triển một hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển dựa trên hệ thống Bal-E của Nga để hỗ trợ cho Bastion do giá thành các tên lửa Yakhont là rất đắt.

Gần đây, có thông tin từ Tập đoàn tên lửa Chiến thuật KTRV của Nga cho biết việc hợp tác với Việt Nam để phát triển 1 loại tên lửa đối hạm mới dựa trên Kh-35E có tên gọi Kh-35UV đã gần hoàn thành và sẽ sớm chuyển sang giai đoạn sản xuất hàng loạt. Tên lửa Kh-35UV sẽ có tầm bắn lên tới 300 km và mang được đầu đạn nặng 300 kg. Với những thông số trên, có thể đây là 1 loại tên lửa mới hoàn toàn chứ không phải là biến thể của tên lửa Kh-35UE như những nguồn tin trước đó dự đoán.

Theo thông tin từ SIPRI, Việt Nam đã có hợp đồng với Nga đặt mua 400 tên lửa Kh-35E để trang bị cho các tàu mặt nước Molniya, Gepard và BPS-500. Khi đội hình tàu mặt nước trên được triển khai đầy đủ thì cơ số tên lửa Uran-E phục vụ trực chiến trên tàu sẽ là xấp xỉ 200 quả, số còn lại đóng vai trò nguồn dự trữ bổ sung. Trong tương lai không xa, sau khi hoàn thành những dự án mua sắm và đóng tàu trên, hải quân Việt Nam đã cho thấy ý định khá rõ ràng về việc sẽ trang bị các tàu chiến thế hệ mới mang vũ khí diệt hạm phương Tây hoặc tên lửa diệt hạm siêu âm của Nga, do đó con số 400 tên lửa Uran-E đặt mua có thể coi là đã đủ để trang bị cho đội hình tàu mặt nước.

Thêm vào đó, các đơn vị tên lửa bờ hiện nay của hải quân Việt Nam đều mới được nâng cấp từ trung đoàn lên lữ đoàn. Biên chế tổ chức được nâng lên trong khi vũ khí trang bị thì vẫn vậy nên rất có thể những đơn vị trên sẽ sớm được tăng cường các loại vũ khí - khí tài mới.

Sau khi phân tích những thông tin trên thì có thể đưa ra nhận định là có khả năng tên lửa KH-35UV sắp được Việt Nam sản xuất để trang bị cho lực lượng tên lửa bờ nhằm sớm bổ sung/ thay thế các tổ hợp Redut hay Rubezh hiện có vì tên lửa KH-35UV mới chắc chắn sẽ có kích thước lớn hơn tên lửa KH-35E cũ nên sẽ không thể lắp vừa các bệ phóng KT-184 trên tàu được.

Tên lửa KH-35UV nếu được tích hợp với các thành phần của hệ thống Bal-E sẽ tạo ra 1 lá chắn phòng thủ bờ biển tin cậy, sánh ngang với 2 tổ hợp Bastion-P đang được triển khai trong khi lại có giá thành thấp hơn nhiều. Hy vọng những suy đoán trên là chính xác và lực lượng tên lửa bờ của Việt Nam sẽ sớm có sự thay đổi cả về chất và lượng để làm tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc trong thời kỳ mới.

Sức mạnh hệ thống tên lửa bờ Bal-E

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại