Việt Nam đang sản xuất những vũ khí nào của Nga? (II)

Trường Sơn |

(Soha.vn) - Các hệ thống vũ khí mà Việt Nam đang sản xuất theo giấy phép của Nga chủ yếu tập trung vào lực lượng hải - không quân và đều có mối quan hệ mật thiết với nhau.

Bên cạnh tàu tên lửa Molniya và tên lửa chống hạm Kh-35EV, máy bay do thám không người lái của Irkut và tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp Igla là 2 loại vũ khí quan trọng tiếp theo mà Việt Nam đang sản xuất theo giấy phép của Nga.

3. "Sát thủ" phòng không tầm thấp Igla

Igla là một tổ hợp tên lửa phòng không vác vai do Liên Xô/Nga sản xuất, được Việt Nam bắt đầu trang bị từ năm 1987 với tên gọi "Việt hóa" A-87.

Trong quá trình phát triển đáp ứng yêu cầu chính quy - tinh nhuệ và từng bước hiện đại của quân đội, tên lửa phòng không tầm thấp 9K310 Igla (cho phòng không trên bộ) và 9K310 Igla-1E (phòng không trên hạm) đã được quân đội ta nhập khẩu từ Nga với số lượng khá lớn để bảm đảm vai trò phòng chống các mục tiêu máy bay chiến đấu, trực thăng, máy bay không người lái... bay ở độ cao thấp.

 	Tên lửa phòng không vác vai Igla

Phân đội tên lửa Igla bộ đội phòng không Việt Nam diễn tập bắn đạn thật

Biến thể tên lửa Igla-1E được Việt Nam trang bị cho các tàu pháo Project 10412 Svetlyak, tàu tên lửa nội địa BPS-500 và tàu tên lửa cao tốc Project 1241RE Tarantul. Sau này, Việt Nam tiếp tục đặt mua thêm với số lượng không xác định để tiếp tục trang bị và dự trữ cho các tàu tên lửa cao tốc mới thuộc Project 12418 Molniya.

9K310 Igla-1E nặng 17,9kg (gồm đạn tên lửa nặng 10,8kg) có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở cự ly 5.000m, độ cao 3.500m.

Đạn tên lửa Igla-1E được tích hợp đầu tự dẫn hồng ngoại thế hệ mới đa kênh có khả năng vượt qua các biện pháp đối phó hồng ngoại và động cơ cải tiến giúp tên lửa đạt tốc độ nhanh hơn Mach 2,3.

Trong khi đó, biến thể cải tiến 9K38 Igla có kích thước tương tự 9K310 Igla-1E nhưng có thể diệt mục tiêu ở cự ly 5.200m. Tên lửa sử dụng đầu tự dẫn hồng ngoại cải tiến, tăng khả năng đối phó với biện pháp mồi bẫy, pháo sáng gây nhiễu của đối phương.

Theo giới truyền thông Nga, trong kế hoạch tăng cường khả năng nội địa hóa một số loại vũ khí của Liên Xô/Nga sản xuất, Việt Nam đã mua dây chuyền sản xuất hai loại tên lửa phòng không Igla của Nga, một phần để bổ sung trang bị và dự trữ cho lực lượng phòng không không quân, phần còn lại bảo đảm trang bị cho 10 tàu tên lửa cao tốc Molniya, tàu pháo TT400TP và một số loại tàu khác mà Việt Nam đang chế tạo trong nước.

4. Máy bay do thám không người lái của Irkut

Hồi giữa tháng 3/2012, tờ Izvestia của Nga đăng tải nguồn thông tin cho biết, Irkut - nhà sản xuất máy bay chiến đấu Nga - đã ký hợp đồng phát triển cho Việt Nam một loại máy bay do thám (UAV) loại nhỏ và cung cấp công nghệ hỗ trợ để tổ chức sản xuất UAV tại Việt Nam.

Hợp đồng trị giá 10 triệu USD đã được phía Nga ký kết với Hiệp hội Hàng không vũ trụ Việt Nam (Vasa) vào ngày14/3/2012. Giám đốc Irkut Engineering (một công ty con của Tập đoàn Irkut) là ông Yury Malov đã xác nhận điều này.

Theo đó, Irkut Engineering sẽ phát triển cho Việt Nam chiếc máy bay do thám không người lái nặng 100kg, cùng hệ thống truyền tải và hệ thống điều khiển từ xa để vận hành chiếc máy bay. Công ty này cũng sẽ giúp đỡ phía Việt Nam cách làm nào để duy trì, bảo dưỡng và sử dụng máy bay không người lái cho đến khi Vasa có đủ kinh nghiệm tự phát triển các UAV của riêng mình.

Một mẫu máy bay không người lái của Ikurt

Máy bay không người lái Irkut-10

Trước mắt, các UAV mới sẽ được sử dụng nhằm mục đích dân sự, nhưng có thể trong tương lai, nó sẽ được sử dụng cả với mục đích quốc phòng.

Irkut Engineering hiện đang là công ty tham gia sản xuất các hệ thống máy bay không người lái hạng nhẹ cho Quân đội Nga. Một số sản phẩm UAV của họ cũng đã được xuất khẩu ra nước ngoài, điển hình như loại Irkut-10 cho Bộ Quốc phòng Belarus. UAV này có trọng lượng nặng chỉ 8,5kg, khả năng bay trong 2 giờ.

Các thông số kỹ thuật chi tiết về các UAV được Irkut Engineering phát triển theo yêu cầu của Việt Nam không được tiết lộ, nhưng theo quan điểm của ông Malov thì các đặc điểm là hoàn toàn thuyết phục. Mặc dù đặc tính về hiệu suất chính là thua kém so với các UAV quân sự phổ biến trên chiến trường của Không quân Mỹ như loại MQ-1 Predator (thời gian bay từ 20-40 giờ) hay MQ-1C Grey Eagle lên đến 30 giờ, nhưng thỏa thuận hợp tác phát triển UAV này sẽ cho phép Việt Nam đẩy nhanh tốc độ tiếp thu kinh nghiệm, trang bị công nghệ vào sản xuất các máy bay không người lái bản địa trong tương lai.

Nhìn chung, các hệ thống vũ khí mà Việt Nam đang sản xuất theo giấy phép của Nga chủ yếu đều tập trung vào cho lực lượng hải quân và không quân và đều có một mối liên hệ mật thiết với nhau. Tên lửa diệt hạm Kh-35EV và tên lửa phòng không Igla-1E sẽ được trang bị trên các tàu tên lửa Molniya mà Việt Nam chế tạo. Máy bay do thám của Irkut trong tương lai sẽ đảm nhận nhiệm vụ trinh sát, giám sát lãnh thổ, phát hiện mục tiêu và giúp cho các lực lượng tổ chức nhanh phương án đối phó.

Với các chương trình phát triển vũ khí dưới sự hợp tác của Nga và một số đối tác nước ngoài khác, trong tương lai gần, ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam sẽ có những chuyển biến rõ rệt, qua đó mà sức mạnh quốc phòng cũng sẽ không ngừng được tăng cường. Việc mua sắm các trang thiết bị quân sự nước ngoài cũng phẩn nào giảm bớt để tập trung vào các sản phẩm trong nước.

Xem thêm:

Phần 1: Việt Nam đang sản xuất những vũ khí nào của Nga?

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại